Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 13.3 cho biết họ đã được xem các dữ liệu chính phủ Trung Quốc, qua đó ám chỉ ca nhiễm dịch COVID-19 đầu tiên từ ngày 17.11.2019, nhưng mãi đến cuối tháng 1.2020, chính quyền mới công bố báo động về cơn dịch gây chết người.

Ca nhiễm COVID-19 đầu tiên ở Trung Quốc từ ngày 17.11.2019, không phải cuối tháng 1.2020

13/03/2020, 13:01

Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 13.3 cho biết họ đã được xem các dữ liệu chính phủ Trung Quốc, qua đó ám chỉ ca nhiễm dịch COVID-19 đầu tiên từ ngày 17.11.2019, nhưng mãi đến cuối tháng 1.2020, chính quyền mới công bố báo động về cơn dịch gây chết người.

Nhân viên y tế đưa người nhiễm vào bệnh viện Vũ Hán - Ảnh: Getty Images

SCMP còn nhận định thậm chí có thể còn có các ca nhiễm từ sớm hơn nữa, so với các dữ liệu mà báo này đã xem được.

“Bệnh nhân số 0” là ai ?

Tờ báo Hồng Kông nêu người nhiễm COVID-19 đầu tiên có thể là một người đàn ông 55 tuổi người tỉnh Hồ Bắc, nhưng chưa thể xác minh cụ thể ai là “người bệnh số 0” này.

Các nhà khoa học hiện cố gắng xác minh “bệnh nhân số 0”, để có thể truy vết nguồn gốc của coronavirus vốn được cho là từ thú hoang (có thể là loài dơi) lây cho người.

Kể từ sau thời điểm 17.11, cứ mỗi ngày đều có từ 1 đến 5 ca nhiễm mới. Trong 9 ca đầu tiên trong tháng 11, có 5 người phụ nữ và 4 người đàn ông trong độ tuổi từ 39 đến 79, nhưng không ai trong nhóm này là “bệnh nhân số 0”. Cũng không thể rõ bao nhiêu người là cư dân thành phố Vũ Hán (thuộc tỉnh Hồ Bắc), và cũng là ổ dịch.

Tính đến ngày 15.12, tổng số ca nhiễm là 27, và đây là mức tăng hai chữ số đầu tiên được báo cáo vào ngày 17.12. Đến ngày 20.12 thì tổng số ca nhiễm được khẳng định đã lên đến 60 ca.

Ngày 27.12, nữ bác sĩ Trương Kế Tiên, trưởng khoa hồi sức và hô hấp của Bệnh viện Đông Tây y tỉnh Hồ Bắc, báo cáo với lãnh đạo ngành y Trung Quốc rằng dòng virus chủng mới gây ra dịch COVID-19.

Từ sau ngày này, hơn 180 người bị nhiễm dịch, dù các bác sĩ có thể không hề biết tất cả những ca nhiễm này vào lúc đó. Đến ngày cuối cùng của năm 2019, số ca nhiễm được khẳng định đã tăng lên 266 ca, và vào ngày đầu năm 2020 đã tăng lên 381 ca.

Thủ tục giấy tờ lề mề gây chậm báo động dịch

Các cuộc phỏng vấn của SCMP với những “người tuýt còi” thuộc ngành y tế đã ám chỉ rằng các bác sĩ Trung Quốc chỉ biết họ đang phải đối mặt một cơn dịch mới kể từ cuối tháng 12.2019.

Nữ bác sĩ Ngải Phân là “người tuýt còi” đầu tiên, từng trả lời phỏng vấn của tạp chí Nhân dân (Trung Quốc) và cho biết các xét nghiệm đã phát hiện một người bệnh ở Bệnh viện Trung ương Vũ Hán đã được chẩn đoán vào ngày 16.12, và kết quả là người này đã tiếp xúc một virus corona lạ. Bài báo sau đó bị kiểm duyệt, phải gỡ bỏ, theo SCMP.

Thông tin của các bác sĩ khác xem ra ám chỉ giới y tế Vũ Hán đã biết có dịch này từ cuối tháng 12.2019. Các thông tin trước đó nói, dù các bác sĩ ở Vũ Hán đã lấy được các mẫu phẩm từ những ca nghi nhiễm vào cuối tháng 12, họ lại không thể khẳng định các phát hiện của mình, do họ vướng phải tình trạng quan liêu giấy tờ lề mề, ví dụ phải mất nhiều ngày mới có thể có được sự chấp thuận của Trung tâm Kiểm soát - Phòng dịch Trung Quốc (China CDC).

Đến ngày 11.1.2020, lãnh đạo ngành y tế Vũ Hán vẫn còn khẳng định chỉ có 41 ca nhiễm được xác nhận. Và mãi đến cuối tháng 1.2020, các quan chức Trung Quốc mới công bố COVID-19 có thể lây từ người qua người và bắt đầu công khai báo động.

Theo trang web của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ca nhiễm đầu tiên ở Trung Quốc được khẳng định là vào ngày 8.12, nhưng WHO không tự truy vết dịch, mà là dựa vào nguồn thông tin của các quốc gia.

Một bài viết của các bác sĩ Trung Quốc đăng trên tạp chí y học The Lancet thì nêu ca nhiễm đầu tiên được xác định vào ngày 1.12.2019. Các bác sĩ này thuộc bệnh viện Kim Ngân Đàm ở Vũ Hán, và là nơi chữa trị vài ca nhiễm đầu tiên.

Cho đến nay, chính quyền Trung Quốc đã xác minh được ít nhất 266 người đã nhiễm trong năm 2019, và tất cả những người này đều đã có lúc được giám sát y tế. Một vài ca được tính lùi thời gian, sau khi ngành y tế đã xét nghiệm các mẫu phẩm lấy từ người nghi nhiễm.

Theo SCMP, trong khi dữ liệu chính phủ Trung Quốc không được công bố cho quần chúng nhân dân biết, các dữ liệu này vẫn cung cấp những đầu mối có giá trị, về cách dịch lây lan trong giai đoạn đầu cùng tốc độ lây lan, cũng như về cách ghi nhận nhiều ca nhiễm mới của Bắc Kinh.

Các nhà khoa học đã cố gắng vẽ bản đồ phát tán sự lây nhiễm sớm, kể từ lúc dịch COVID-19 được ghi nhận ở thành phố Vũ Hán hồi tháng 1.2020, tức 2 tháng trước khi dịch trở thành một cuộc khủng hoảng sức khỏe cấp toàn cầu.

Nếu nắm bắt được cách dịch lây lan và biết được những ca nhiễm không được phát hiện và không được lập hồ sơ đã bằng cách nào góp phần lây nhiễm, thì sẽ cải thiện đáng kể kiến thức của các nhà khoa học về tầm cỡ của mối đe dọa hiện ở tầm đại dịch này.

Mỹ Trinh (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ca nhiễm COVID-19 đầu tiên ở Trung Quốc từ ngày 17.11.2019, không phải cuối tháng 1.2020