Hơn 25 năm làm nghề, tôi không thể nào nhớ hết mình đã hoàn thành bao nhiêu căn nhà, chùa chiền, cơ sở tôn giáo, thờ tự trong cả nước, mà chỉ biết trung bình mỗi tháng tôi di dời, nâng nền được 4 căn nhà”. Đó là chia sẻ của người được mệnh danh là “thần đèn”, đang thực hiện công trình nâng Tòa thánh Cao Đài nặng khoảng 1.500 tấn lên cao hơn 2 mét so với mặt đất.

Cà Mau: ‘Thần đèn’ nâng tòa thánh nặng 1.500 tấn lên cao hơn 2 mét

01/08/2020, 08:33

Hơn 25 năm làm nghề, tôi không thể nào nhớ hết mình đã hoàn thành bao nhiêu căn nhà, chùa chiền, cơ sở tôn giáo, thờ tự trong cả nước, mà chỉ biết trung bình mỗi tháng tôi di dời, nâng nền được 4 căn nhà”. Đó là chia sẻ của người được mệnh danh là “thần đèn”, đang thực hiện công trình nâng Tòa thánh Cao Đài nặng khoảng 1.500 tấn lên cao hơn 2 mét so với mặt đất.

Tòa thánh nặng 1.500 tấn được ‘thần đèn’ Nguyễn Văn Lý nâng lên cao hơn 2 mét so với mặt đất - Ảnh: Quốc Trần

Gia đình có 3 đời làm “thần đèn”

Mấy ngày qua, người dân xứ Cà Mau rất hiếu kỳ tìm đến Tòa thánh Cao Đài (tại P.5, TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau) để xem “thần đèn” Nguyễn Văn Lý (57 tuổi, ngụ H.Chợ Mới, tỉnh An Giang) thực hiện nâng tòa thánh nặng khoảng 1.500 tấn lên độ cao hơn 2 mét so với mặt đất.

“Thần đèn” Lý bên con đội chịu lực 50 tấn để nâng tòa thánh - Ảnh: Quốc Trần

Được tận mắt chứng kiến chuyện có 1 không 2 này ở xứ Cà Mau, anh Minh (42 tuổi, ngụ P.8, TP.Cà Mau) có phần kinh ngạc: “Tôi nghe việc di dời từ nhà tường từ vị trí này sang vị trí khác hoặc nâng nền lên cao đã lâu rồi, nhưng đây là lần đầu tôi được tận mắt chứng kiến, công nhận hay thiệt. Trước giờ, chỉ có việc đập đi xây lại chứ đâu có ai nâng như vậy. Việc này, giúp cho gia chủ giảm chi phí xây dựng rất nhiều”.

Còn ông Hai Sơn (ngụ P.5, TP.Cà Mau) cũng thấy lạ: “Đây là lần đầu tôi nhìn thấy chuyện lạ lùng này. Họ làm rất tỉ mỉ và công phu, đây là điều có rất ít người làm được. Mấy ngày nay, hôm nào tôi cũng đến đây xem và có thể nói những người thợ làm công việc này rất vất vả, họ làm chậm, đến đâu phải chắc chắn ở đó”.

Các cộng sự của ông Lý làm khung sắt trước khi đổ cột bê tông đất - Ảnh: Quốc Trần

Gia đình ông Lý có 3 đời làm nghề “thần đèn”, riêng ông gắn bó với công việc này đến nay đã 25 năm. Ông Lý cho biết: “Vào năm 1982, gia đình tôi chuyển sang Campuchia sinh sống bằng nghề thợ mộc, đến năm 1993 thì quay về quê hương Chợ Mới, An Giang sinh sống cho tới bây giờ. Ban đầu, tôi được cha tôi là ông Nguyễn Cẩm Lũy truyền đạt lại kiến thức, kinh nghiệm trong việc nâng nền, di dời nhà từ vị trí này sang vị trí khác.

Cận cảnh tòa thánh được nâng lên cao hơn so với mặt đất trên 2 mét đất - Ảnh: Quốc Trần

Sau đó, tôi mới truyền lại cho con tôi. Lúc mới vào nghề, tôi chỉ di dời nhà gỗ, chứ đâu có làm nhà tường. Sau này mới tìm hiểu để tìm cách di dời nhà tường. Ban đầu tôi chỉ nhận làm những ngôi nhà nhỏ, có kết cấu đơn giản để lấy kinh nghiệm. Dần dà thạo nghề tôi mới dám nhận những công trình lớn hơn. Thật ra, việc làm này không quá khó, người thợ chỉ cần nắm được những nguyên lý cốt lõi trong xây dựng nhà ở là có thể làm được”.

Nghề giúp nhiều người tiết kiệm tiền cất nhà lại

Quan sát của PV, dụng cụ hành nghề của ông Lý khá phức tạp. Gồm con đội, xích kéo, máy bắn, máy cắt… Ông Lý nói, kỹ thuật nâng nền, di dời nhà khá phức tạp, ngoài những kỹ thuật vốn có thì người thợ phải sử dụng “mẹo” để làm. Với ông Lý, nghề “thần đèn” khó nhất là việc di dời ngôi nhà rồi xoay từ hướng này sang hướng khác. Việc này, người có kinh nghiệm hơn chục năm mới làm được. Đa số những cộng sự của ông Lý đều là những người lành nghề, có kinh nghiệm từ hơn 10 - 20 năm.

Người dân đo chiều cao từ mặt đất đến vị trí móng tòa thánh - Ảnh: Quốc Trần

“Muốn nâng tòa thánh này lên cao được dễ dàng, điều trước tiên của chúng tôi là đào phần móng sâu xuống lòng đất xung quanh vị trí của tòa thánh. Sau đó, dùng gỗ, cát để chấn giữ các vị trí mố trụ, cột móng. Cuối cùng, là niêm cột cho chắn chắn rồi bắt đầu cắt từng cây cột, cắt xong cây nào thì mình gài con đội vào đó. Mỗi con đội có thể chịu được trọng lực 50 tấn. Trong tất cả các công đoạn của việc nâng tòa thánh này thì việc đào sâu xuống lòng đất là khó khăn nhất”, ông Lý tâm tình.

Được biết, với những ngôi nhà tường từ 2 - 3 tấm muốn nâng nền lên cao hơn mặt đất khoảng 5 mét thì ông Lý chỉ mất khoảng 10 ngày là hoàn thiện. Ông cho hay: “Người làm công việc này luôn hướng đến lợi nhuận, song làm nhà thì lợi nhuận hơn nhiều so với làm chùa chiền. Bởi, nhà là tiền của gia chủ, còn tiền ở chùa là của bá gia, bá tánh nên tôi luôn cân nhắc tính toán làm sao để khi nhận thầu có mức lợi nhuận vừa phải. Làm những công trình đó, như mình đi chùa làm phước vậy”.

Lần đầu tiên, người dân xứ Cà Mau được tận mắt nhìn thấy việc “thần đèn” nâng tòa thánh thất lên cao 2 mét đất - Ảnh: Quốc Trần

Nói về cơ duyên chuyển từ nghề thợ mộc sang hành nghề di dời, nâng nền nhà, ông Lý cho biết, xuất phát từ việc nhiều đại gia làm ăn thất bại muốn thay đổi phong thủy cải thiện chuyện làm ăn nên có nhiều người tháo dỡ, đập đi xây lại cho phù hợp. Thấy việc đó là lãng phí nên ông Lý đã lóe ra ý tưởng và bắt đầu làm giàu từ công việc này cho tới bây giờ.

Hằng năm cứ đến ngày 13.6 và 20 tháng chạp là ông Lý bắt đầu cúng Tổ nghề của mình. Ông nói thêm: “Hơn 25 năm làm nghề, tôi không thể nào nhớ hết mình đã hoàn thành bao nhiêu căn nhà, chùa chiền, cơ sở tôn giáo, thờ tự trong cả nước mà chỉ biết trung bình mỗi tháng tôi di dời, nâng nền được 4 căn nhà”.

Quốc Trần

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
5 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cà Mau: ‘Thần đèn’ nâng tòa thánh nặng 1.500 tấn lên cao hơn 2 mét