Làng báo” Cà Mau là nơi luôn nhộn nhịp hoạt động nghề. Không chỉ anh em PV thường trú hoạt động sôi nổi mà hoạt động nghề của anh em báo đài địa phương vẫn thể hiện rõ sự xông xáo, dấn thân, đương đầu.
Dấn thân, lăn xả để tìm ra sự thật
Đồng nghiệp các tỉnh khác khi về Cà Mau thường nói các nhà báo, phóng viên ở đây “máu nghề”. Bởi, tại vùng đất cuối trời Tổ quốc này, có những người đồng nghiệp không ngại khó khăn, nguy hiểm để tìm ra sự thật.
Anh Phong Phú (Lê Phong Phú, PV Báo Cà Mau) khi mới chập chững theo nghề đã cùng đồng nghiệp đi điều tra về thực trạng tiêm chích ma túy theo thư bạn đọc. Bị phát hiện, gần chục người bao vây anh PV trẻ. Công an đến, do chưa nắm hết sự vụ đã gom tất cả về phường tạm giữ chung 1 phòng. Những tiếng chửi bới, hù dọa của nhóm "anh chị" từ khu vực nhà hoang đến căn phòng ở phường đã từng mang lại nỗi lo lắng với anh.
Nhưng nỗi sợ đó vơi dần khi Ban biên tập nhanh chóng đến bảo lãnh PV về lúc 3 giờ sáng. Rồi nỗi sợ đó không còn khi đại diện những hộ dân khu vực đã đến tòa soạn cảm ơn sự vào cuộc của cơ quan báo đã trả lại cuộc sống bình yên cho họ.
Trong hoạt động nghề báo, nhiều khi phải đối diện với sự hiểm nguy nhưng được đổi lại bằng tình cảm, niềm tin của người dân. Cũng chỉ cần như vậy thôi, với anh Phong Phú và nhiều anh em làm nghề tại Cà Mau: “Là đáng để dấn thân”.
Anh Phong Phú nói: “Dấn thân vào nghề báo trước hết phải máu lửa. Từ hoạt động nghề nghiệp, quan điểm là phải đi tìm ra ngọn ngành của vấn đề để có tiếng nói phản biện lại những vấn đề chưa đúng. Động lực làm nghề chỉ gom lại trong 2 chữ là yêu nghề”.
Những ngày gần 21.6, ngồi ôn lại chuyện làm nghề, anh Nguyễn Phú (Nguyễn Văn Phú, PV Báo Cà Mau) sôi nổi kể lại kỷ niệm đáng nhớ nhất trong hành trình làm báo 12 năm của mình. Năm trước, khi thực trạng khai thác trái phép đất mặt ruộng nở rộ trên địa bàn, nhóm PV báo Cà Mau lên kế hoạch viết loạt bài. Trong đó, chủ công vẫn là 2 tay viết cứng cựa Phong Phú và Nguyễn Phú.
Phóng viên Phong Phú (Lê Phong Phú - Báo Cà Mau) - Ảnh: Trung Hiếu
Khi những ánh đèn nhà dân tắt thì nhóm hành động. Để đảm bảo kế hoạch thành công, họ lựa chọn lội vòng đường ruộng hơn 2 km thay vì chỉ đi 200 mét ra thẳng vị trí các xe tải, xe cuốc đang ầm ầm hoạt động trong đêm. Điểm tác nghiệp được chọn là 1 cụm mồ mả giữa cách đồng. Gần tới nơi thì họ phải bò chứ không dám đi vì sợ lộ.
Bỗng anh Phong Phú níu áo đồng nghiệp đòi đổi địa điểm ghi hình. Trong khi, trên cánh đồng rộng lớn, ngoài chùm mồ mả này thì không còn chỗ nào có thể che chắn hiệu quả để tác nghiệp. Vẫn chưa hiểu tại sao thì anh Phong Phú, với gương mặt tái nhợt nhìn chùm mả lắc đầu: “Tao sợ ma”.
Khi kể tới đây, anh Nguyễn Phú vội kéo cổ áo lên cắn, làm lại hành động để anh không bật ra tiếng cười đêm đó: “Trước giờ vẫn tưởng nó không biết sợ gì, sau này mới biết... có sợ”. Nhưng để có những cảnh quay đắt giá, 2 người vẫn vào khu mộ, chỉ có điều 1 người luôn khép nép bò sau.
Điểm tựa vững chắc
Cũng trong đề tài này, ở 1 cảnh quay khác, anh Phong Phú lại xông xáo đi tiên phong. Lần này “lá chắn” của họ là bức tường của 1 cơ quan quân sự. Trong khi đang bò nhích từng tí để tác nghiệp thì tiếng loa phát lên: “Đề nghị 2 người vào trình báo nếu không chúng tôi sẽ nổ súng”. Hai phóng viên hoảng hồn vội giơ thẻ nhà báo lên đầu rồi làm theo yêu cầu. Lại một lần trong đêm, Ban biên tập báo Cà Mau phải đi bảo lãnh PV của mình về.
Sau khi loạt bài về vụ việc được đăng tải, 1 chủ tịch xã bị kỷ luật, nhiều cán bộ CSGT bị điều chuyển công tác. Nhóm PV thực hiện được tặng giấy khen của Ban biên tập kèm theo khoản tiền thưởng cho loạt bài chất lượng. Nhưng niềm vui lớn nhất của họ là cơ quan chức năng vào cuộc, quản lý chặt hơn thực trạng khai thác đất mặt ruộng. Những cây lúa tốt tươi lại tiếp tục vươn mầm trên những mảnh ruộng đó.
Anh Trần Chuyển (Trần Văn Chuyển, PV Đài PT-TH Cà Mau) - “gương mặt thân quen” của những giải báo chí địa phương và khu vực cũng được biết đến là người lăn xả với nghề. Những phóng sự Cống tiền tỉ cứ rò rỉ, nói về thực trạng đầu tư các cống thủy lợi chưa hiệu quả; hay những phóng sự Buôn lậu dầu xuyên biên giới; Bán bãi trên biển, phản ánh thực trạng trên vùng biển Tây Nam của anh được nhiều người biết đến.
Niềm vui của anh cũng như các anh em là cơ quan chức năng đã ghi nhận vấn đề để khắc phục. Anh Chuyển cho biết, PV cần có 1 điểm tựa vững chắc, kết hợp cùng sự xông xáo của bản thân để tạo ra những tác phẩm hay.
“Làm báo để chất lượng, ấn tượng thì nhà báo phải xông xáo. Tức là mình phải đi đến nơi ghi nhận, tìm hiểu cụ thể vụ việc để tạo ra “đứa con tinh thần” ưng ý nhất. Phải thâm nhập mới làm rõ ra được những vấn đề và có đề tài chất lượng”, anh Chuyển cho biết.
Những PV nhiệt huyết của báo, đài ở Cà Mau đã và đang hoạt động năng nổ để tạo ra những tác phẩm hay. Bởi họ luôn có sự hậu thuẫn vững chãi ở phía sau. Ông Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Đài PT-TH tỉnh Cà Mau cho biết: “Để anh em thể hiện được hết khả năng, Ban biên tập đài luôn tạo điều kiện tác nghiệp hết mức có thể.
Bên cạnh vật chất, trang thiết bị điều quan trọng nữa là khích lệ tinh thần, là chỗ dựa của anh em. Báo chí chúng ta không chỉ tuyên truyền, phổ biến theo hướng suông. Như vậy chúng ta chưa làm tròn vai trò, trách nhiệm của mình, của 1 cơ quan báo chí.
Làm những đề tài phản biện xã hội vẫn là một cách tuyên truyền. Thậm chí nó có hiệu quả rất là tốt. Bởi nó phản ánh hiện thực cuộc sống, so lại với chủ trương, chính sách của mình có cái gì còn chênh nhau, chỗ nào cần điều chỉnh. Báo chí chức năng định hướng thông tin cũng rất là quan trọng. Quan điểm của chúng tôi phản biện là một cách tuyên truyền”.
Bất kể ngày hay đêm, những PV báo đài nơi cuối trời Tổ quốc đều có mặt ở những điểm nóng để ghi nhận lại chân thực những sự kiện cung cấp cho bạn đọc. Trong đó có những loạt bài có sức nặng như vụ việc phản ánh thực trạng tại xã Rạch Chèo đã góp thêm tiếng nói để sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã rút quyết định công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới.
Nghề báo phải lăn xả, dấn thân mới cho ra 1 tác phẩm hay - Ảnh: Trung Hiếu
Những tác phẩm báo chí của họ hình thành từ trong rừng phòng hộ, vượt ra biển và về các vùng nông thôn. Mỗi chuyến đi là cả một hành trình, kỳ công và lắm chuyện vui, buồn. Để những ngày gần 21.6 họ lại ngồi kể với nhau những câu chuyện về nghề, như chuyện anh Nguyễn Phú đi tác nghiệp chữa cháy rừng U Minh bị lạc, cơ quan phải tổ chức đi tìm...
Ông Nguyễn Văn Đen, Phó giám đốc Sở TT-TT tỉnh Cà Mau cho biết: “Hoạt động của các cơ quan báo chí không chỉ là tuyên truyền mà còn đóng vai trò phản biện xã hội. Thời gian qua, các cơ quan báo đài địa phương đã phát huy tốt vai trò của mình.
Nhiều bài viết đã mạnh dạn phản ánh đúng thực tế, góp phần giúp các đơn vị liên quan kịp thời khắc phục. Phản biện nhưng không đả phá, công kích vẫn là xây dựng. Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cà Mau cũng không có chủ trương hạn chế hoạt động của báo đài địa phương”.
Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau, khi tiến hành họp giao ban Báo chí định kỳ từ năm 2018, Phòng Tuyên truyền - Báo chí - Xuất bản của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã ghi nhận hàng trăm lượt câu hỏi của các phóng viên, nhà báo. Ban cũng đã tham mưu cấp uỷ đề nghị các địa phương, cơ quan, đơn vị có liên quan trả lời các vấn đề được các nhà báo, phóng viên đạt ra.
Với những vấn đề nóng, vấn đề dư luận quan tâm, ban mời lãnh đạo sở, ngành liên quan cùng dự họp và trực tiếp hồi đáp. Qua đó, đã kịp cung cấp thông tin và tạo điều kiện thuận lợi để PV, nhà báo trong và ngoài tỉnh tác nghiệp hiệu quả, đúng pháp luật.
Trần Khải – Trung Hiếu