Trong các ngày 9, 10 và 14.9, TAND huyện Cái Nước (Cà Mau) mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 4 bị cáo trong vụ tạt xăng làm 12 người trong đoàn cưỡng chế đất bị thương.

Cà Mau: Án tù cho người tạt xăng vào đoàn cưỡng chế

14/09/2020, 14:32

Trong các ngày 9, 10 và 14.9, TAND huyện Cái Nước (Cà Mau) mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 4 bị cáo trong vụ tạt xăng làm 12 người trong đoàn cưỡng chế đất bị thương.

Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm - Ảnh: Nguyệt Danh

Bốn bị cáo gồm: Phạm Hoàng Kiếm (SN 1959), Phạm Công Nguyên (SN 1996, con ruột ông Kiếm), Lê Thị Hiến (SN 1967, vợ ông Kiếm) cùng ngụ xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước và Nguyễn Văn Bé (SN 1990, con rể ông Kiếm, ngụ xã Phong Thạnh Tây, TX.Giá Rai, Bạc Liêu) bị Viện KSND huyện truy tố về tội “Chống người thi hành công vụ”. Bị cáo Kiếm và Nguyên còn bị truy tố thêm tội “Cố ý gây thương tích”.

Theo cáo trạng, vào ngày 23.7.2019 ông Kiếm và bà Hiến nhận được thông báo của Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Cái Nước. Theo đó vào ngày 7.8.2019 sẽ tiến hành cưỡng chế tháo dỡ nhà của gia đình để giao đất theo quyết định của bản án dân sự sơ thẩm số 148/2018/DSST ngày 12.7.2018 của TAND huyện.

Sau khi nhận được thông báo, do không đồng ý với quyết định của bản án nên ông Kiếm, bà Hiến cùng Nguyên và Bé bàn việc chống đối không cho cưỡng chế. Đến sáng 7.8, ông Kiếm kêu Nguyên đi mua 5 lít xăng đem về để sẵn trong nhà.

Khi Nguyên đi mua xăng về, Kiếm kêu con trai lấy sợi dây điện tuốt vỏ, lấy lõi đồng bên trong, một đầu gắn vào vách thiếc phía trước nhà, đầu còn lại ghim vào chuôi điện. Sau đó ông Kiếm kéo sợi dây ra để trên cỏ cặp lối đi vào để chờ lực lượng cưỡng chế đến tháo dỡ nhà sẽ ghim chuôi điện vào ổ cắm.

Đến khoảng 9 giờ cùng ngày khi lực lượng thi hành án đến thực hiện việc cưỡng chế, gia đình ông Kiếm la lớn, dùng lời lẽ đe dọa. Trong lúc lực lượng chức năng làm nhiệm vụ thì ông Kiếm ra phía sau nhà lấy xăng đổ ra thau và tạt lên mấy bó lá dừa khô rồi kêu Nguyên và Bé đem những bó lá dừa này từ nhà sau đến nhà trước để chuẩn bị sẵn.

Sau đó ông Kiếm lấy cây dao nhỏ giấu vào lưng, kêu Nguyên và Bé chặn cửa sau không cho lực lượng vào nhà, lấy chén đĩa chọi vào lực lượng chức năng. Khi lực lượng cưỡng chế khống chế ông Kiếm và bà Hiến đưa ra ngoài thì Nguyên châm lửa đốt mấy bó lá dừa khô ném vào một cán bộ trong đoàn cưỡng chế, rồi châm lửa đốt thau xăng hất thẳng vào lực lượng cưỡng chế gây cháy và làm một số cán bộ trong đoàn cưỡng chế bị bỏng.

Ngay sau đó, lực lượng cưỡng chế đã kịp thời dập tắt ngọn lửa, bắt giữ được ông Kiếm và bà Hiến, còn Nguyên và Bé bỏ trốn khỏi hiện trường. Đến ngày 9.8.2019, Nguyên và Bé ra đầu thú. Tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích kết luận đối với 12 bị hại nằm trong đoàn cưỡng chế người bị thương cao nhất 23% và thấp nhất là 1%.

Tại phiên tòa sở thẩm, đại diện Viện KSND huyện Cái Nước tham gia tố tụng cho rằng hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, gây mất an ninh trật tự địa phương, làm ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của lực lượng cưỡng chế thi hành án. Hành vi của các bị cáo cần phải áp dụng mức hình phạt thật nghiêm để giáo dục, cải tạo và răn đe chung cho toàn xã hội.

Do đó đại diện Viện KSND huyện đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo Kiếm, Nguyên 5 - 6 năm về tội “Chống người thi hành công vụ” và 8 - 9 năm tù đối với tội “Cố ý gây thương tích”. Tổng mức hình phạt là 13 - 15 năm tù. Xử phạt bị cáo Hiến 1 năm 1 tháng 2 ngày tù và bị cáo Bé từ 2 - 2 năm 6 tháng tù về tội “Chống người thi hành công vụ”.

Trước khi tòa tiến hành nghị án, các bị cáo được nói lời sau cùng trước tòa. Cả bốn bị cáo Kiếm, Nguyên, Bé, Nguyên đều gửi lời xin lỗi đến lực lượng cưỡng chế thi hành án của huyện Cái Nước. Riêng hoàn cảnh của bị cáo Bé rất khó khăn, cha mẹ thì nay ốm mai đau, đứa con còn quá nhỏ (3 tuổi) không ai chăm sóc. Trong khi đó vợ bị cáo Bé sắp phải chấp hành án ở một bản án khác.

Ngày 14.9 kết thúc phiên tòa xét xử sơ thẩm, HĐXX tuyên phạt bị cáo Kiếm và Nguyên 5 năm tù về tội “Chống người thi hành công vụ” và 8 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Bị cáo Hiến 1 năm, 1 tháng, 7 ngày tù và bị cáo Bé 1 năm 1 tháng 5 ngày tù về tội “Chống người thi hành công vụ”. Do thời gian tạm giam bằng thời gian chấp hành án nên bị cáo Hiến và Bé được trả tự do tại tòa. Ngoài ra, HĐXX còn buộc 4 bị cáo phải bồi thường số tiền hơn 20 triệu đồng cho các bị hại.

Nguyệt Danh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
5 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cà Mau: Án tù cho người tạt xăng vào đoàn cưỡng chế