"Burning" của đạo diễn Lee Chang Dong đã có màn ra mắt để lại nhiều ấn tượng tại LHP Cannes hôm 16.5 vừa qua.​

'Burning'- Phim Hàn duy nhất tranh giải tại Cannes 2018: Một tác phẩm giàu chất thơ và đầy vẻ bí ẩn

mai huong | 17/05/2018, 16:03

"Burning" của đạo diễn Lee Chang Dong đã có màn ra mắt để lại nhiều ấn tượng tại LHP Cannes hôm 16.5 vừa qua.​

Là tác phẩm đánh dấu sự trở lại của đạo diễn Lee Chang Dong sau 8 năm kể từ Poetry, Burning được hãng thông tấn Yonhap nhận xét là sự hòa quyện khéo léo của một tác phẩm giật gân chính kịch âm ỉ, miêu tả những khát vọng, sự bất lực và tức giận của thế hệ trẻ hiện nay. Bộ phim "giàu chất thơ và đầy vẻ bí ẩn" này vừa hoàn thành màn ra mắt tại LHP Canneshôm 16.5 với tràng pháo tay kéo dài 5 phút từ các khách mời.

Burning - Phim Hàn duy nhất tranh giải tại Cannes 2018: Sự tàn phá thầm lặng - Ảnh 1.

Jong Su (Yoo Ah In), một người giao hàng bán thời gian, mơ ước viết nên cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình. Một ngày nọ, Jong Su tình cờ gặp lại Hye Mi (Jeon Jong Seo), một cô gái anh quen hồi nhỏ, và nhanh chóng bị cái tính thất thường nhưng bí ẩn của cô gái ấy mê hoặc. Thế rồi, anh được Hye Mi nhờ trông hộ chú mèo của cô trong thời gian cô tới châu Phi.

Trở về trang trại của bố mẹ ở Paju sau khi bố vào tù vì tội bạo lực, Jong Su vẫn thường xuyên ghé thăm căn hộ trống trải của Hye Mi ở Seoul để cho mèo ăn như đã hứa. Một thời gian sau, Hye Mi trở về và dẫn theo Ben (Steven Yeun), một người đàn ông mà cô gặp trên chuyến đi. Anh ta phong lưu giàu có, sôi động, thích giao du nhưng lại đầy bí hiểm. Không giống như Jong Su và Hye Mi, Ben là kẻ thuộc cái tầng lớp có thể lái một chiếc xế hộp nhập khẩu đắt tiền, sống một cuộc sống xa hoa dù bản thân không có một việc làm ổn định.

Burning - Phim Hàn duy nhất tranh giải tại Cannes 2018: Sự tàn phá thầm lặng - Ảnh 2.

Jong Su dần trở nên không thoải mái vì mối quan hệ giữa anh và hai người bạn. Sau đó, Hye Mi và Ben đến trang trại của Jong Su và ăn uống cùng nhau. Tại đây, Ben thú nhận một thói quen bí mật đầy đen tối của mình với Jong Su, đó là đốt cháy các nhà kính bằng nhựa vinyl bị bỏ hoang để khiến chúng biến mất khỏi thế giới này.

Sợ hãi trước lời thú nhận của Ben, Jong Su bắt đầu đi quanh khu ở mỗi sáng để xem thử đã có nhà kính nào bị đốt cháy hay chưa. Thế rồi Hye Mi biến mất, Jong Su nhận ra thứ "nhà kính vinyl" mà Ben nói đến có thể là một phép ẩn dụ cho điều gì đó. Anh bắt đầu theo dõi Ben...

Burning - Phim Hàn duy nhất tranh giải tại Cannes 2018: Sự tàn phá thầm lặng - Ảnh 3.

Burning được xây dựng dựa trên truyện ngắn của nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami "Barn Burning" và được thay đổi bối cảnh từ Nhật Bản thành Hàn Quốc. Trong câu chuyện dài hai tiếng rưỡi của mình, đạo diễn Lee Chang Dong giữ nguyên diễn biến của tác phẩm gốc trong nửa đầu phim nhưng dần rời xa cốt truyện của Barn Burning trong nửa sau. Ở nửa này, bộ phim có thêm nhiều yếu tố thể loại mới khi nhân vật Jong Su bắt đầu nghi ngờ Ben là một kẻ giết người.

Một cốt truyện thuyết phục không phải là tất cả những gì Burning có. Vị đạo diễn gạo cội xứ Hàn đưa khán giả bước vào thực tế khốc liệt mà những người trẻ đang phải đối mặt. Họ là những người trẻ của một đất nước đang bị thách thức bởi nạn thất nghiệp ngày một gia tăng ở giới trẻ. Bên cạnh đó, Lee còn phản ánh sự khác biệt lớn giữa các tầng lớp giàu nghèo trong xã hội khi làm nổi bật sự tương phản giữa trang trại và chiếc xe cũ kĩ của Jong Su với căn nhà sang trọng của Ben ở Gangnam và chiếc xe nhập khẩu của anh ta.

Burning - Phim Hàn duy nhất tranh giải tại Cannes 2018: Sự tàn phá thầm lặng - Ảnh 4.

Cuối phim, đạo diễn Lee để lại cho khán giả một cái kết mở đầy sức tàn phá và có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau. Ngay trước đoạn kết là phân cảnh Jong Su viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình trong căn nhà của Hye Mi. Chúng ta đều không biết liệu Hye Mi có thực sự biến mất hay không, và liệu Jong Su có thực sự viết ra tất cả những gì anh ta nghĩ đến để trả thù thế giới hay không.

Xét về kĩ thuật, Burning sở hữu những thước phim đầy chuyên nghiệp và xuất sắc. Bộ phim đặc tả khung cảnh yên bình nơi quê hương của Jong Su bằng thứ ánh sáng tự nhiên. Phần việc này được đảm nhận bởi Hong Gyung Pyo, người đứng sau hàng loạt tác phẩm ăn khách như Mother (2009), Snowpiercer (2013) và The Wailing (2016).

Phân cảnh Hye Mi biểu diễn một điệu nhảy với đầy sự mãnh liệt của cảm xúc trước mặt hai người đàn ông khi họ cùng nhau ngắm mặt trời lặn, màn đêm dần buông xuống để lại cho khán giả một trải nghiệm khó quên.

R.GLOVER (Theo Yonhap News)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Burning'- Phim Hàn duy nhất tranh giải tại Cannes 2018: Một tác phẩm giàu chất thơ và đầy vẻ bí ẩn