Những bước tiến nhanh chóng của Việt Nam về trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ đang tác động tới các khoản đầu tư vào công nghệ y tế trong nước, đặc biệt là lĩnh vực y học chính xác, theo hãng tin Nikkei Asia (Nhật Bản).
Nhịp đập khoa học

Bước tiến nhanh của Việt Nam về AI và công nghệ thúc đẩy sự phát triển các startup y học chính xác

Sơn Vân 04/03/2024 17:55

Những bước tiến nhanh chóng của Việt Nam về trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ đang tác động tới các khoản đầu tư vào công nghệ y tế trong nước, đặc biệt là lĩnh vực y học chính xác, theo hãng tin Nikkei Asia (Nhật Bản).

Theo báo cáo "Đánh giá giao dịch Đông Nam Á: Quý 4 năm 2023" của dịch vụ Data Vantage thuộc trang DealStreetAsia, bất chấp tình hình huy động vốn nhìn chung ảm đạm trong năm 2023, các khoản đầu tư vào công nghệ y tế ở Đông Nam Á vẫn tăng trưởng khi các công ty khởi nghiệp (startup) ở lĩnh vực này huy động được 580 triệu USD từ 60 giao dịch. Trong khi các startup ở Singapore và Indonesia chiếm phần lớn trong việc gây quỹ cho công nghệ y tế, Việt Nam đứng thứ ba ở khu vực Đông Nam Á với 3,9% tỷ lệ đầu tư.

Các chuyên gia nói công nghệ y tế của Việt Nam đã nhận được sự quan tâm mạnh mẽ do hy vọng rằng việc ứng dụng AI sẽ đẩy nhanh sự phát triển lĩnh vực này, gồm cả y học chính xác.

Bà Lê Hoàng Uyên Vy, đồng sáng lập hãng đầu tư mạo hiểm Do Ventures, nói với Nikkei Asia: “Việt Nam có nhiều công ty đầy triển vọng trong lĩnh vực này, thị trường vẫn còn ở giai đoạn đầu”.

Y học chính xác, đôi khi được gọi là "y học cá nhân hóa", sử dụng hồ sơ di truyền của một cá nhân để cung cấp các phương pháp điều trị phù hợp cho các bệnh như Alzheimer, tiểu đường hoặc ung thư. Nói cách khác, phương pháp chẩn đoán và điều trị chung cho mọi người được chuyển thành phương pháp cá nhân hóa dựa trên DNA của bệnh nhân. Lợi ích của AI trong lĩnh vực này là cho phép các cá nhân giải trình tự bộ gien của họ với chi phí hợp lý.

Trong số các công ty khởi nghiệp Việt Nam về y học chính xác thu hút được đầu tư mạo hiểm có Gene Solutions. Gene Solutions đã huy động được 21 triệu USD trong vòng Series B vào năm 2023. Được dẫn dắt bởi công ty Mekong Capital, giao dịch này là thương vụ công nghệ y tế lớn thứ 7 ở Đông Nam Á vào năm 2023, theo báo cáo của Data Vantage. Năm 2021, Mekong Capital đầu tư 15 triệu USD vào Gene Solutions.

Tháng 9.2023, trang DealStreetAsia đưa tin Gene Solutions đang tìm cách huy động 50 triệu USD trong vòng Series C.

Được thành lập vào năm 2017, Gene Solutions chuyên về việc phát hiện sự hiện diện của một số bệnh dựa trên các dấu hiệu di truyền của chúng. Công ty đã giúp các bậc cha mẹ phát hiện ra các rối loạn nhiễm sắc thể trong thai kỳ, ngăn ngừa các vấn đề về di truyền và hỗ trợ thụ thai bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Gene Solutions hướng tới mục tiêu làm cho các xét nghiệm di truyền trở nên phổ biến và có giá cả phải chăng.

Ông Chris Freund, người sáng lập Mekong Capital, nhận xét: “Gene Solutions có tốc độ phát triển cực kỳ nhanh, đó là một trong những lợi thế cạnh tranh của họ. Ví dụ, khi đầu tư lần đầu vào Gene Solutions, chúng tôi chỉ có ý tưởng mở rộng ra ngoài Việt Nam, nhưng trong hai năm qua, họ đã chuyển trụ sở đến Singapore và thiết lập thành công quan hệ đối tác với các nhóm bệnh viện cùng viện ung thư hàng đầu ở Indonesia, Thái Lan, Philippines và Malaysia; các quy trình có thể được thực hiện một phần tại phòng thí nghiệm ở Singapore. Điều này liên quan đến việc xây dựng các nhóm, quan hệ đối tác và thậm chí cả mô hình kinh doanh hoàn toàn riêng biệt cho mỗi quốc gia đó".

Trong 5 năm qua, Gene Solutions đã thực hiện hơn 350.000 xét nghiệm di truyền.

Một công ty khởi nghiệp khác trong lĩnh vực này là GeneStory, được tập đoàn VinGroup thành lập vào năm 2022 với vốn điều lệ 102,3 tỉ đồng (4,4 triệu USD). Tuy nhiên, tới cuối tháng 5.2022, VinGroup đã thoái vốn khỏi công ty này; tỷ lệ bán và giá trị không được tiết lộ.

GeneStory đặt mục tiêu cung cấp “dịch vụ xét nghiệm di truyền nhanh chóng và toàn diện dựa trên bộ dữ liệu tiếng Việt lớn, dành riêng cho người Việt Nam”. Công ty đưa ra các đánh giá về rủi ro y tế, thể chất và dinh dưỡng của cá nhân cũng như các yếu tố di truyền để tạo ra các kế hoạch chăm sóc sức khỏe tùy chỉnh.

Ví dụ khác về các startup y học chính xác của Việt Nam được hỗ trợ bởi liên doanh là Genetica Company, chuyên ứng dụng AI để giải mã gien. Genetica Company được thành lập vào năm 2018, đã huy động được 2,5 triệu USD trong vòng cấp vốn trước Series A vào năm 2021 từ các nhà đầu tư ở Thung lũng Silicon (Mỹ).

Genetica Company vừa cho ra mắt sản phẩm giải mã gien ứng dụng AI để phát hiện nguy cơ di truyền của một người khi bị nhiễm các loại vi rút đường hô hấp.

buoc-tien-nhanh-cua-viet-nam-ve-ai-thuc-day-su-phat-trien-cac-startup-y-hoc-chinh-xac.jpg
Những bước tiến nhanh chóng của Việt Nam về AI và công nghệ đang tác động tới các khoản đầu tư vào công nghệ y tế trong nước, đặc biệt là lĩnh vực y học chính xác - Ảnh: Nikkei Asia

Mối quan tâm đến y học chính xác trùng hợp với sự gia tăng nghiên cứu và phát triển về gien ở Đông Nam Á. Cả những chương trình do các chính phủ hỗ trợ và sáng kiến của khu vực tư nhân đều đang đi đầu trong việc tạo ra các bộ dữ liệu gien, làm nổi bật bản sắc di truyền riêng biệt và đa dạng của khu vực, theo báo cáo của DealStreetAsia và Genetica Company được phát hành vào tháng 8.2023.

Ông Yinglan Tan, Giám đốc điều hành hãng đầu tư mạo hiểm Insignia Ventures Partners, nói AI đã được sử dụng trong chăm sóc sức khỏe từ lâu hơn so với nhiều lĩnh vực khác, cho các mục đích từ chụp ảnh y tế đến phân tích dự đoán và đánh giá rủi ro. Ông nhấn mạnh rằng với 13% thị phần chăm sóc sức khỏe AI toàn cầu, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là Đông Nam Á, mang lại tiềm năng tăng trưởng đáng kể.

Một trong những động lực chính thúc đẩy nguồn tài trợ cho các công ty khởi nghiệp về y học chính xác là nhu cầu ngày càng tăng về những giải pháp chăm sóc sức khỏe được cá nhân hóa. Khi ngày càng quan tâm đến sức khỏe hơn, người tiêu dùng đang tìm kiếm các giải pháp y tế phù hợp.

Ông Chris Freund nói: "Khi các xét nghiệm trở nên chính xác hơn trong những năm tới, Gene Solutions sẽ có thể phát hiện bệnh tật với các đoạn DNA ngày càng nhỏ hơn. Chi phí cho các xét nghiệm đó cũng sẽ giảm xuống. Cuối cùng, các xét nghiệm như vậy sẽ trở nên phù hợp cho thị trường đại chúng ở Việt Nam và Đông Nam Á”.

Chính phủ Việt Nam cũng đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy sự phát triển của các startup về y học chính xác thông qua nhiều sáng kiến và ưu đãi khác nhau. Sự hỗ trợ của chính phủ Việt Nam đã tạo ra môi trường thuận lợi cho các startup, thu hút cả những nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào lĩnh vực công nghệ y tế đang phát triển.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng nhận thức được những hạn chế, chẳng hạn quy định pháp lý mới mẻ với các startup công nghệ y tế. Bà Lê Hoàng Uyên Vy nói với Nikkei Asia: “Đầu tư vào các hãng công nghệ sinh học thường là thách thức với các quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam. Ngành này đòi hỏi các nguồn vốn chuyên biệt với các chuyên gia trong lĩnh vực”.

Hơn nữa, các quỹ đầu tư mạo hiểm thường duy trì thời hạn đầu tư từ 4 đến 5 năm, trong khi ngành công nghệ sinh học đòi hỏi khung thời gian dài hơn để thành công. Điều này có nghĩa là cần có thêm nguồn tài trợ của các chính phủ. Bà Lê Hoàng Uyên Vy lấy Hàn Quốc làm ví dụ, nơi chính phủ vận hành một quỹ chuyên đầu tư vào các quỹ công nghệ sinh học ở nhiều giai đoạn phát triển khác nhau.

Tuy nhiên, xu hướng gây quỹ gần đây làm tăng hy vọng cho lĩnh vực này.

Theo báo cáo của Data Vantage có tiêu đề "Trạng thái công nghệ y tế ở Đông Nam Á 2023", các khoản đầu tư vào những lĩnh vực công nghệ sâu liên quan đến chăm sóc sức khỏe như gien, sinh học phân tử, AI và cảm biến sinh trắc học chiếm 46% tổng số giao dịch và 72% tổng vốn cổ phần mà các startup công nghệ y tế trong khu vực huy động được từ tháng 1.2020 đến tháng 9.2023.

Lĩnh vực công nghệ y tế ở Đông Nam Á cũng nằm trong số những lĩnh vực được tài trợ nhiều nhất vào năm 2023, theo báo cáo "Đánh giá giao dịch Đông Nam Á: Quý 4 năm 2023".

Bài liên quan
Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm dẫn đầu châu Á về công nghệ sinh học
Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành một trong 10 quốc gia hàng đầu châu Á về sản xuất và dịch vụ thông minh công nghệ sinh học.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
4 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bước tiến nhanh của Việt Nam về AI và công nghệ thúc đẩy sự phát triển các startup y học chính xác