Bà Winnie Byanyima, Giám đốc điều hành Oxfam cho rằng: “Sự bùng nổ về số lượng tỷ phú không phải là dấu hiệu của một nền kinh tế phát triển mà là một triệu chứng của một hệ thống kinh tế thất bại".

'Bùng nổ' tỉ phú không phải dấu hiệu của nền kinh tế phát triển

22/01/2018, 14:53

Bà Winnie Byanyima, Giám đốc điều hành Oxfam cho rằng: “Sự bùng nổ về số lượng tỷ phú không phải là dấu hiệu của một nền kinh tế phát triển mà là một triệu chứng của một hệ thống kinh tế thất bại".

Theo số liệu của Oxfam thì cứ 2 ngày lại có 1 tỷ phú - Ảnh minh họa từ Medium.com

Cứ 2 ngày là có 1 tỷ phú

Báo cáo "Đãi ngộ người lao động, không phải nhóm siêu giàu" do Oxfam công bố ngày 22.1 cho thấy: 1% dân số thế giới nắm giữ 82% phần trăm tổng của cải được tạo ra trong năm vừa qua, trong khi 3,7 tỉ người (chiếm nửa dân số nghèo nhất thế giới) lại không được hưởng lợi.

Tổ chức phi chính phủ Oxfam là liên minh quốc tế gồm 17 tổ chức hoạt động toàn cầu nhằm nỗ lực xóa đói giảm nghèo và đấu tranh cho bình đẳng.

Vẫn theo báo cáo nói trên của Oxfam thì tài sản của các tỷ phú đã tăng trung bình 13% mỗi năm kể từ năm 2010 - nhanh hơn gấp 6 lần so với mức tăng lương của những người lao động bình thường (2% mỗi năm). Số lượng tỷ phú tăng nhanh chưa từng thấy trong khoảng thời gian từ tháng 3.2016 đến tháng 3.2017, cứ 2 ngày lại có thêm 1 tỷ phú.

Hay chỉ cần 4 ngày là 1 giám đốc điều hành của 1 trong 5 thương hiệu thời trang quốc tế có thể kiếm được số tiền tương đương với tổng thu nhập cả đời của 1 nữ công nhân may mặc bình thường tại Bangladesh.

Cái giá phải trả

Theo đó tại Việt Nam, để tăng lương thành mức đủ sống cho 2,5 triệu công nhân may mặc sẽ cần 2,2 tỉ đô la mỗi năm. Con số này chỉ tương đương 1/3 số tiền mà 5 công ty may mặc hàng đầu trả cho các cổ đông năm 2016.

Việc tăng thưởng cho các cổ đông và lãnh đạo tập đoàn dẫn đến cái giá phải trả là lương và điều kiện làm việc của người lao động. Những nguyên nhân bao gồm sự suy thoái về quyền lao động, tầm ảnh hưởng quá lớn của các công ty lớn lên các chính sách của chính phủ và nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp về việc giảm các chi phí để có thể tối đa hóa lợi nhuận của cổ đông.

Theo Oxfam, độc quyền là yếu tố tạo nên lợi nhuận khổng lồ cho các ông chủ cũng như các cổ đông và phần còn lại của thế giới lại phải trá giá cho việc đó. Sức mạnh độc quyền lại càng trở nên mạnh mẽ hơn nhờ chủ nghĩa thân hữu, khả năng mà các lợi ích của các cá nhân có quyền lực thao túng chính sách công để bảo vệ tình trạng độc quyền hiện có và tạo ra các độc quyền mới.

"Các thỏa thuận tư hữu hóa, các nguồn tài nguyên thiên nhiên bị bán dưới mức giá trị đáng có, tham nhũng trong mua sắm công, hoặc miễn thuế, các lỗ hổng thuế là tất cả những hình thức mà qua đó các lợi ích cá nhân, được gắn kết tốt, có thể làm giàu cho bản thân với cái giá phải trả của người dân", báo cáo nêu.

Cứ 9 trong 10 tỷ phú hiện là nam giới

Hơn nữa, bà Winnie Byanyima, Giám đốc điều hành Oxfam cho rằng: “Sự bùng nổ về số lượng tỷ phú không phải là dấu hiệu của một nền kinh tế phát triển mà là một triệu chứng của một hệ thống kinh tế thất bại. Những người may bộ quần áo chúng ta đang mặc, lắp ráp điện thoại chúng ta đang sử dụng và nuôi trồng thực phẩm ta đang ăn hàng ngày bị bóc lột để đảm bảo nguồn hàng giá rẻ ổn định và tăng lợi nhuận của các tập đoàn và nhà đầu tư tỷ phú”.

Bên cạnh đó, quyền lợi của lao động nữ thường bị đặt ở vị trí cuối cùng. Trên khắp thế giới, phụ nữ kiếm được số tiền ít hơn nam giới và chiếm phần lớn số lượng người có mức thu nhập thấp nhất, trong khi họ lại có những công việc ít được đảm bảo nhất. Trong khi đó, cứ 9 trong số 10 tỷ phú hiện là nam giới.

Bà Byanyima nhấn mạnh: “Oxfam đã nói chuyện với phụ nữ trên khắp thế giới. Họ là những người bị ảnh hưởng nặng nề từ bất bình đẳng. Phụ nữ phải làm việc xa nhà trong các nhà máy may mặc tại Việt Nam với mức lương bèo bọt, không đủ để họ thoát nghèo. Họ không được gặp con cái mình trong nhiều tháng trời. Phụ nữ làm việc trong ngành chăn nuôi tại Mỹ buộc phải mặc bỉm vì họ không được nghỉ đi vệ sinh. Phụ nữ làm việc trong các khách sạn tại Canada không dám tố cáo việc bị lạm dụng tình dục vì sợ bị mất việc”.

Khó tìm lãnh đạo thực sự hành động

Oxfam kêu gọi các chính phủ đảm bảo nền kinh tế mang lại lợi ích cho mọi người, chứ không chỉ vì vài người may mắn.

Theo đó, giới hạn lợi nhuận trả cho cổ đông và các giám đốc điều hành, đảm bảo tất cả công nhân nhận được mức lương đủ sống tối thiểu. Mức lương này sẽ cho phép họ có được chất lượng sống thỏa đáng.

Cần xóa bỏ chênh lệch thu nhập giữa các giới và bảo vệ quyền của lao động nữ. Với tốc độ thay đổi hiện tại, sẽ mất 217 năm để xóa bỏ chênh lệch thu nhập và cơ hội việc làm giữa phụ nữ và nam giới. Đảm bảo những người giàu có phải đóng đủ và đúng trách nhiệm thuế của mình bằng cách tăng thuế và giải quyết tình trạng tránh thuế. Tăng chi ngân sách cho các dịch vụ công như giáo dục và y tế.

Oxfam ước tính rằng nguồn thu từ việc áp mức thuế quốc tế 1.5% với tài sản của tỉ phủ, sẽ đủ để tất cả trẻ em có thể đến trường.

Kết quả của cuộc khảo sát trên phạm vi toàn cầu do Oxfam thực hiện cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ với các hành động để chống lại bất bình đẳng. Có gần 2/3 trong số 70.000 người được khảo sát tại 10 quốc gia cho rằng khoảng cách giữa người giàu và người nghèo cần được giải quyết một cách cấp bách.

“Khó có thể tìm thấy một nhà lãnh đạo chính trị hoặc kinh tế mà không nói rằng họ quan ngại về bất bình đẳng. Nhưng còn khó hơn để tìm một người đang thực sự hành động để giải quyết tình trạng này. Thậm chí, nhiều người trong số họ còn làm mọi việc tệ hơn bằng cách giảm thuế và loại bỏ quyền lao động”, theo lời bà Byanyima.

Hoài Phong

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
4 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Bùng nổ' tỉ phú không phải dấu hiệu của nền kinh tế phát triển