Tôi không quan tâm chuyện ra đề thi Văn THPT quốc gia 2016 về câu thơ “Tiếng Việt như bùn, như lụa” của Lưu Quang Vũ là đúng nguyên bản hay không. Tôi cũng chả quan tâm câu thơ được Phạm Tiến Duật sửa lại chuyển “bùn” thành “đất cày" là hay hay dở.
Câu thơ Tôi tôn trọng sự sáng tạo của mỗi người.
Lưu Quang Vũ có ý của Lưu Quang Vũ.
Phạm Tiến Duật có ý của Phạm Tiến Duật.
Không liên quan gì tới tôi mặc dù nếu là tôi thì có thể tôi sẽ viết: Tiếng Việt như phù sa, như ...kén, như tơ.
Tuy vậy tôi thú thật, tất cả “như” ấy đều chả xúc cảm mấy gì so với lời hát của Phạm Duy:
Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi!
Và:
Tiếng nước tôi bốn ngàn năm ròng rã buồn vui.
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi. Nước ơi!
Thôi, cứ giả dụ như câu thơ của Lưu Quang Vũ là “Tiếng Việt như bùn” thì sao nào?
Thì điều tôi quan tâm là lớp trẻ tức các thí sinh dự thi viết gì, bình phẩm gì về câu thơ này của Lưu Quang Vũ?
Tôi nhớ hồi 16 tuổi học lớp chín ở phủ Quốc Oai, tôi được đi thi học sinh giỏi văn toàn tỉnh Hà Tây. Bài thi phân tích cái hay, cái đẹp trong một bài thơ của Tế Hanh nói về đất nước xây dựng CNXH. Tôi lĩnh trọn điểm "không"... tuyệt đối. Giản đơn vì tôi chả thấy bài thơ đó hay và đẹp gì sất. Tôi thẳng thừng... chê.
Vậy thì với cái đề thi “Tiếng Việt như bùn...” này thì những cô cậu học trò tuổi 18 bình gì, viết gì, có đứa nào dám chê như nhiều nhà thơ tên tuổi, nhiều nhà giáo, nhà báo, nhà phê bình văn học không? Hoặc ngược lại có đứa nào dám khen “bùn” là “ biểu hiện sự tinh tế”, là “vẻ đẹp óng nắng”, là “hồn sâu lắng của đất” hay không?
Thú vị lắm đấy chứ.
Tôi chả biết động cơ nào mà những thầy uyên bác văn chương của Bộ GD & ĐT ra đề thi này? Nhưng tôi thấy rất hào hứng với nó, vì đây sẽ là một phép thử độc đáo, táo bạo cho các học trò - những chủ nhân của tương lai đất nước bộc lộ chính mình - trung thực hay dối trá, cá tính hay ăn theo, nhạt hay sâu, đời bùn âm thầm chấp nhận...tanh nhưng nuôi sen lớn, trổ bông thơm ngát hay sen kênh kiệu, bất nhẫn chê bùn... “gần bùn mà chả hôi tanh mùi bùn” theo như một câu ca dao gán cho sen chứ chưa chắc do ý nghĩ của chính sen.
Và điều quyết định của phép thử này chính là những điểm số thế nào, cao thấp ra sao dành cho sự dối trá hay hay trung thực, dành cho tư duy phóng khoáng hay khuôn phép, dành cho đời thường bụi bặm hay ru rú trong chuồng sực nức nước hoa thơm?
Chỉ có chủ trương chấm điểm như thế nào mới là hồi kết có ý nghĩa hay tào lao vô vị cho câu chuyện “Bùn hay không bùn” này.
Chờ xem!
Tôi hồi hộp lắm để được biết các bài trả lời nhiều góc độ của các bạn trẻ như thế nào và kết quả chấm điểm của các cô thầy ra sao.
Chưa có đề thi môn văn nào từ trước đến nay có thể tạo sức hút cho tôi để chờ đợi như thế. Vậy thì vì lẽ gì mà tôi lại không có một lời cám ơn tới người ra đề thi này cơ chứ?
Lưu Trọng Văn