Sau mỗi lần HLV nội thất bại trong việc đưa đội tuyển Việt Nam gặt hái thành tích tại các giải đấu quan trọng, sự lựa chọn thầy ngoại lại được tính đến. Nhưng đó có phải căn nguyên của vấn đề?
Thầy ngoại bại, thầy nội còn tệ hơn
Còn nhớ hồi cuối tháng 1.2016 sau khi cùng U.23 Việt Nam bị loại từ vòng bảng tại VCK U23 châu Á với 3 trận toàn thua, HLV người Nhật Bản, Toshiya Miura đã bị VFF sa thải 3 tháng trước khi thời hạn hợp đồng khép lại.
Cơ quan quyền lực nhất bóng đá Việt Nam tin rằng các đội tuyển hoàn toàn có thể giành kết quả tốt hơn tại AFF Cup và SEA Games năm tới nếu được dẫn dắt bởi một HLV nội tài năng, am hiểu bóng đá nước nhà hơn.
Không lâu sau đó, VFF bổ nhiệm Hữu Thắng ngồi vào nghế nóng thay ông Miura với rất nhiều hy vọng. Nhiều người đã mơ và vẽ ra viễn cảnh về “Kiatisak phiên bản Việt” với ông thầy sinh năm 1972. Sau thất bại và trước mỗi sự đổi mới, sự kỳ vọng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên đời không như mơ. Dù tuyên bố và áp dụng lối chơi phối hợp nhỏ, thiên về kỹ thuật được cho là phù hợp với tố chất và thể hình nhưng ĐT Việt Nam dưới thời Hữu Thắng cũng bị hất văng ở bán kết AFF Cup 2016, bằng với thành tích mà HLV Miura từng giành được cách đó 2 năm.
Thậm chí cái cách chúng ta rời cuộc chơi ở giải đó còn cay đắng và khó chấp nhận hơn người tiền nhiệm.
Không cần phải đến khi U.22 Việt Nam bị loại ngay từ vòng bảng SEA Games 29 những người am hiểu chuyên môn mới nhìn ra sự hạn chế, kém sắc sảo trong cách dùng người, đấu pháp chiến thuật của HLV Hữu Thắng mà nó đã lộ ra từ khi đội tuyển Việt Nam thua đau Indonesia ở AFF Cup 2016 theo cách bạc nhược.
Chỉ có điều sau khi U.22 Việt Nam bật bãi ngay từ vòng bảng tại giải đấu SEA Games trên đất Malaysia, tất cả những hạn chế đó mới phơi bày ra một cách rõ ràng, trần trụi nhất đến mức khó bào chữa.
Nếu coi HLV Miura trải qua một nhiệm kỳ 2 năm thất bại với bóng đá Việt Nam thì thành tích mà Hữu Thắng có được còn thảm hơn nhiều.
Tại SEA Games 28, U.23 Việt Nam của Miura đã giành huy chương đồng, ngoài ra thời Miura, chúng ta còn giành quyền vào vòng đấu loại trực tiếp ASIAD 17 và lần đầu tiên trong lịch sử có vé dự vòng chung kết U.23 châu Á.
Sau khi HLV người Nghệ An chủ động xin từ chức và được VFF chấp thuận thì câu chuyện tìm một HLV mới cho các đội U.23 và đội tuyển quốc gia lại được đem ra bàn luận.
Do đội tuyển Việt Nam có chuyến làm khách trên sân Campuchia đầu tháng 9 nên VFF buộc phải tìm người nắm đội tạm thời và cái tên Mai Đức Chung được chọn.
Đó là giải pháp ngắn hạn, còn về lâu dài VFF sẽ phải tìm kiếm một HLV mới. Lúc này có nhiều ý kiến cho rằng nên đặt niềm tin vào một thầy ngoại.
Điều này rất lý giải sau khi một chiến lược gia nội vừa đón nhận thất bại ê chề dù từng được tung hô, kỳ vọng hết mức. Không chỉ VFF e dè mà ngảy cả chính các HLV nội cũng chẳng mấy mặn mà khi nhìn vào những gì đồng nghiệp của họ vừa trải qua.
Sự giải thích đơn giản hơn đó là việc khi không đạt được thành công với thầy nội thì giải pháp thầy ngoại sẽ được tính tới như lẽ thường của sự hy vọng mong khởi sắc trong tương lai.
HLV nội hay ngoại chỉ là bề nổi
Câu chuyện chọn thầy nội hay thầy ngoại cho đội tuyển lại được xới lên như vòng quay luẩn quẩn bao năm qua. Cứ khi nào thầy nội thất bại, thầy ngoại sẽ được nhắm đến nhưng suy cho cùng đó không phải là vấn đề cốt yếu mang đến sự thành công.
Việc đội tuyển Việt Nam và gần đây là U.22 lỡ hẹn với ngôi vị cao nhất nếu nhìn rộng ra thì vấn đề đến từ nội tại của nền bóng đá, từ sự hoạch định phát triển mang tầm vĩ mô, từ chất lượng cầu thủ, sự thiếu chuyên nghiệp của V.League vốn được gắn mác chuyên nghiệp...
Một khi những vấn đề nổi cộm nói trên không được giải quyết rốt ráo thì thầy nội hay ngoại dẫn dắt thì thành tích của đội tuyển cũng chẳng khác nhau là mấy.
Đó chẳng phải là căn nguyên của bóng đá trên dải đất hình chữ S đang gặp phải. Thay vì loay hoay, mải miết chọn HLV ngoại khi HLV nội vừa rụng, việc cải tổ triệt để nền bóng đá đang cấp thiết hơn bao giờ hết.
Nếu không những cú ngã như tại SEA Games còn tiếp diễn. Và khi một điều gì xảy ra nhiều lần, thường xuyên thì đó chẳng phải là chuyện may hay không may nữa rồi...
Lê Sơn