Đánh giá năng lực, tiềm năng của một nền bóng đá luôn dựa vào hai yếu tố: giải vô địch quốc gia và đội tuyển quốc gia, và bóng đá Việt Nam cũng không thể nằm ngoài quy luật vận hành của bóng đá thế giới.

Bóng đá Việt Nam cần sự lựa chọn khôn ngoan sau thời COVID-19

06/05/2020, 19:35

Đánh giá năng lực, tiềm năng của một nền bóng đá luôn dựa vào hai yếu tố: giải vô địch quốc gia và đội tuyển quốc gia, và bóng đá Việt Nam cũng không thể nằm ngoài quy luật vận hành của bóng đá thế giới.

Việt Nam cần hướng tới mục tiêu vươn tầm - Ảnh: Internet

Chính vì vậy, làm thế nào để V-League ngày càng phát triển đồng thời thành tích đội tuyển quốc gia thường xuyên đem lại niềm vui cho người hâm mộ luôn là hai mục tiêu phấn đấu hàng đầu của những người điều hành bóng đá Việt Nam.

Trên cơ sở này, đồng thời trước tình hình phức tạp của đại dịch COVID-19 đã và đang được khống chế tốt ở Việt Nam, theo chúng tôi, có hai mục tiêu quan trọng của BĐVN cần tập trung trong mùa bóng 2020, đó là:

- Tổ chức V-League đầy đủ 26 vòng đấu, có thể kéo dài đến cuối tháng 11 hoặc giữa tháng 12-2020 thay vì tự trói buộc vào cột mốc thời gian: V-League phải kết thúc vào ngày 31-10-2020

- Đội tuyển BĐVN đoạt vé vào vòng đấu cuối của Vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á.

Vì sao không xem mục tiêu bảo vệ danh hiệu vô địch AFF Cup 2020 là quan trọng hàng đầu của BĐVN? Vì rằng:

Phải giữ cho thương hiệu V-League dừng rớt giá

Năm 2009, V-League xếp vị trí 41 trong TOP 100 giải VĐQG hấp dẫn nhất thế giới do Liên đoàn Thống kê lịch sử bóng đá thế giới (IFFHS) xếp hạng.

Cuối mùa giải 2012, V-League tụt xuống vị trí 87, đứng thứ 3 khu vực, sau Thái Lan (hạng 49 thế giới) và Malaysia (hạng 74).

Năm 2017 V-League ra ngoài TOP 100 với vị trí 102 thế giới, trong khi Thai League hạng 63. V-League thua cả các giải VĐQG Indonesia (hạng 95), Singapore (93), Malaysia (88), chỉ hơn Myanmar (hạng 120).

Thực trạng V-League sa sút dẫn đến hậu quả: kể từ khi nhà tài trợ Toyota rút lui đầu năm 2018, V-League trong 3 mùa liên tiếp đã 3 lần thay đổi nhà tài trợ chính là NutiFood (2018), Masan (2019) và năm nay 2020 là LS. Đáng buồn hơn, cho đến thời điểm này, ngoài LS chỉ có 3 đơn vị tài trợ phụ là Bảo hiểm Bưu điện, Next Media và Động Lực Group. Thực trạng này đã phản ánh đầy đủ thương hiệu V-League đã mất giá trầm trọng ra sao.

Và khi V-League mất giá sẽ ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của các câu lạc bộ từ bản quyền truyền hình, bán vé… cho đến việc kêu gọi tài trợ và từ đó ảnh hưởng đến nhiệt huyết của các nhà đầu tư vào BĐVN nói chung và các CLB ở V-League, Hạng Nhất nói riêng.

Vì vậy, nếu V-Legue 2020 không được tổ chức trọn vẹn với đầy đủ 26 vòng đấu, sân nhà, sân đối phương và có đội xuống hạng, thay vào đó tổ chức chắp vá viện lý do không có thời gian vì nghỉ quá lâu do đại dịch COVID-19, cũng như tập trung vào thành tích đội tuyển quốc gia ở Vòng loại World Cup 2022 và AFF Cup 2020, thì V-League sẽ tiếp tục trượt dốc không phanh.

Ưu tiên vòng loại World Cup

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, LĐBĐ châu Á đã đưa ra quyết định chính thức về việc hoãn các trận đấu Vòng loại World Cup 2022. Các trận đấu thay vì diễn ra vào tháng 3, tháng 6 đã được hoãn sang tháng 10 và tháng 11/2020.

Cụ thể các trận đấu giữa Việt Nam gặp Malaysia, UAE và Indonesia csẽ lần lượt diễn ra vào các ngày 13/10, 12/11 và 17/11/2020.

Do đó, nếu V-League được tổ chức bình thường đầy đủ 26 lượt đấu với mỗi tuần 1 lượt (thay vì dồn lịch phải đá 2 lượt/tuần, hoặc thi đấu cầm chừng nếu như V-League chỉ thi đấu 13 lượt, không có đội xuống hạng), thì các tuyển thủ Việt Nam sẽ có thể trạng tốt nhất từ chuyên môn đến thể lực, và có nhiều hy vọng: lần đầu tiên trong lịch sử, BĐVN vào đến vòng đấu cuối cùng của Vòng loại World Cup khu vực châu Á.

AFF Cup 2020 chỉ là bước đệm?

Có một thực tế không thể phủ nhận,

AFF Cup không phải là giải được FIFA công nhận nên các CLB có quyền từ chối cung cấp cầu thủ cho đội tuyển. Vì là giải không được FIFA đưa vào hệ thống thi đấu chính thức, nên thành tích các đội ở AFF Cup không được tính và đưa vào bảng xếp hạng thế giới của FIFA.

Với những gì các đội tuyển BĐVN liên tục gặt hái thành công từ đầu năm 2018 đến nay, cũng như là từ bài học sau khi đọat Huy chương vàng SEA Games 2019 với đội hình U22 tăng cường 3 cầu thủ ngoài U22, là đội U23 Việt Nam bị loại ngay từ vòng bảng Vòng chung kết U23 châu Á mà Việt Nam đến với giải với tư cách là á quân, đã đến lúc VFF và VPF cần xác định:

- Bóng đá Việt Nam phải đặt mục tiêu vươn hẳn ra ngoài khu vực Đông Nam Á và hướng đến châu Á

- BĐVN năm 2020 không thể đặt cùng lúc 2 mục tiêu trong thời gian quá ngắn đối với đội tuyển quốc gia: đoạt vé vào vòng đấu cuối cùng của Vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á (cuối tháng 10-2020) và bảo vệ thành tích vô đich AFF Cup từ 23/11 đến 31/12. Bài học từ thành công ở SEA Games 2019 diễn ra vào tháng 12 đến thất bại ở Vòng chung kết U23 châu Á 2020 diễn ra vào tháng 1, BĐVN không được quên.

Chính vì vậy AFF Cup 2020 chỉ nên là đấu trường chuẩn bị cho SEA Games 2021 khi Việt Nam là nước chủ nhà, thậm chí là đội U19 nếu đội U19 VN đoạt được vé tham dự vào vòng chung kết U20 World Cup 2021.

Theo danh sách đăng ký dự V-League 2020, có 46 cầu thủ còn đủ tuổi tham dự SEA Games 2021 (sinh năm 1999 - 2000 trở về sau). Thực tế số cầu thủ này rất ít khi được thi đấu ở V-League, do đó VFF vẫn có thể thỏa thuận được với các CLB cho phép các cầu thủ ở lứa tuổi này tham gia chuẩn bị và thi đấu ở AFF Cup 2020.

Trong khi đó, lãnh đạo VFF và Huấn luyện viên trưởng đội U19 Việt Nam, ông Philippe Troussier đã lên kế hoạch chi tiết cho việc chinh phục vòng chung kết giải U19 châu Á 2020 diễn ra tại Uzbekistan từ 14 đến 31.10.2020, với mục tiêu giành suất vào tứ kết để có mặt tại FIFA U20 World Cup 2021.

Nếu đội U19 Việt Nam đạt được mục tiêu, thì AFF Cup 2020 là đấu trường quá tốt cho BĐVN chuẩn bị và hướng đến tương lai gần Vòng chung kết U20 World Cup 2021 và xa hơn nữa là lực lượng kế thừa cho đội tuyển quốc gia. Đừng quên, thế hệ vàng của BĐVN hôm nay là những chàng trai của Vòng chung kết U20 World Cup 2017.

Tóm lại, với những phân tích trên dựa trên mong muốn bóng đá Việt Nam phát triển bền vững, VFF và VPF trong mùa bóng 2020 này nên:

- Tập trung tổ chức thật tốt V-League

- Đội tuyển Việt Nam được chuẩn bị tốt nhất để giành vé tham dự vòng đấu cuối của Vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á

- AFF Cup là giải chuẩn bị cho SEA Games 2021 và có thể là Vòng chung kết U20 World Cup 2021.

Hoàng Tú

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
2 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bóng đá Việt Nam cần sự lựa chọn khôn ngoan sau thời COVID-19