Thông tin này được ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó chánh Văn phòng Bộ Tư pháp xác nhận với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới. Theo đó, sau cuộc họp, Bộ Y tế sẽ báo cáo với Thủ tướng về vấn đề này.

Bộ Y tế và Bộ Tư pháp đang họp bàn về việc công bố tình trạng khẩn cấp do Coronavirus

Bùi Trí Lâm | 31/01/2020, 11:13

Thông tin này được ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó chánh Văn phòng Bộ Tư pháp xác nhận với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới. Theo đó, sau cuộc họp, Bộ Y tế sẽ báo cáo với Thủ tướng về vấn đề này.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó chánh Văn phòng phụ trách Văn phòng - người phát ngôn của Bộ Tư pháp cho biết, sáng nay, Bộ Y tế và Bộ Tư pháp họp bàn về việc ban hành văn bản đảm bảo tính pháp lý để công bố tình trạng khẩn cấp về dịch do Coronavirus gây ra.

Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ hôm qua, Thủ tướng cũng giao Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tư pháp chuẩn bị cơ sở pháp lý để có thể sẵn sàng công bố tình trạng khẩn cấp khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.

Cũng tại cuộc họp chiều qua, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết WHO đã có 4 lần công bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu vì dịch bệnh nhưng Việt Nam chưa bao giờ công bố tình trạng khẩn cấp.

Trước đó, trong cuộc họp báo diễn ra lúc gần 3 giờ sáng 31.1 (giờ Việt Nam) ở Geneva (Thụy Sĩ), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố sự bùng phát chủng coronavirus mới (2019-nCoV) từ Trung Quốc là "tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu".

Động thái này của WHO diễn ra khi số ca nhiễm 2019-nCoV gây bệnh viêm phổi cấp đã gia tăng như vũ bão lên đến hơn 8.200 ca, vượt qua số ca nhiễm SARS (Hội chứng Hô hấp cấp nặng) giai đoạn 2002-2003.

Tại 2 lần họp vào tuần trước, WHO đã từ chối ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng khi cho rằng còn thiếu bằng chứng lây truyền từ người sang người bên ngoài Trung Quốc.

Hiện có 9.692 ca nhiễm bệnh được xác nhận trên thế giới, 213 người tử vong. Tổng số ca nhiễm bệnh bên ngoài Trung Quốc lên tới 98 ca ở 18 nước.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của coronavirusgây ra, Bộ Y tế đã thành lập 45 đội cơ động phản ứng nhanh chống dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV (gọi tắt là đội cơ động).

Trong đó, Cục Quản lý khám, chữa bệnh thành lập đội thường trực chống dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV gồm 3 tổ: Tổ chuyên môn, tổ thông tin và tổng hợp báo cáo và tổ hậu cần.

Các đội cơ động có nhiệm vụ thường trực sẵn sàng phản ứng nhanh, hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện thu dung, điều trị, chăm sóc và kiểm soát lây nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi có yêu cầu và mức độ dịch; thực hiện theo lệnh điều động của Bộ Y tế và Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh dịch nCoV.

Thành phần của mỗi đội cơ động bao gồm 1 lãnh đạo bệnh viện; 1 bác sĩ hồi sức cấp cứu; 1 bác sĩ truyền nhiễm; 1 cán bộ kiểm soát nhiễm khuẩn; 1 điều dưỡng hồi sức cấp cứu hoặc truyền nhiễm; 1 lái xe.

Mỗi đội cơ động được trang bị 1 ô tô cứu thương với đầy đủ phương tiện hồi sức cấp cứu trên xe (máy thở cơ động, oxy, thuốc, dịch truyền), phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khử khuẩn, tiệt khuẩn… theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch.

Các bệnh viện được chỉ đạo thành lập từ 1-2 đội cơ động. Đối với các địa phương, Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo mỗi bệnh viện đa khoa tỉnh thành lập tối thiểu 2 đội cơ động. Kinh phí cho hoạt động của đội cơ động lấy từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, mặc dù Việt Nam đã có kinh nghiệm trong điều trị bệnh dịch Sars và các dịch bệnh khác như Mer Cov; Cúm A H1, N1…., nhưng các cán bộ y tế không được chủ quan, cần thận trọng trong chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh nhiễm và nghi nhiễm nCoV.

Lam Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
11 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ Y tế và Bộ Tư pháp đang họp bàn về việc công bố tình trạng khẩn cấp do Coronavirus