Theo thống kê của Bộ Y tế, tới ngày 11.6 số ca mắc sốt xuất huyết tại nước ta đã tăng 53% so với cùng kỳ năm trước.

Bộ Y tế cảnh báo dịch sốt xuất huyết có thể bùng phát trên diện rộng

Dạ Thảo | 12/06/2022, 09:00

Theo thống kê của Bộ Y tế, tới ngày 11.6 số ca mắc sốt xuất huyết tại nước ta đã tăng 53% so với cùng kỳ năm trước.

sot-xuat-huyet(1).jpg
Trẻ điều trị bệnh sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi Trung ương

Dịch sốt xuất huyết có thể bùng phát trên diện rộng

Theo Bộ Y tế, hiện nay số ca mắc sốt xuất huyết tại nước ta đã tăng 53% so với cùng kỳ năm trước và có 22 trường hợp tử vong, tập trung nhiều ở các tỉnh thành phía Nam. Dự báo số ca mắc thời gian tới tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

Để dịch sốt xuất huyết không bùng phát và lan rộng, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đề nghị lãnh đạo các Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; Pasteur TP.HCM; Pasteur Nha Trang và Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên thành lập ngay các đoàn công tác trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ các địa phương, đặc biệt là các vùng ghi nhận số mắc và tử vong do sốt xuất huyết tăng cao.

Bộ Y tế cũng đã hướng dẫn các địa phương giám sát chặt chẽ tình hình trên địa bàn, đảm bảo phát hiện bệnh nhân sớm để điều trị kịp thời, tránh bệnh chuyển độ nặng.

Bộ Y tế cũng yêu cầu tổ chức xử lý triệt để ngay khi phát hiện các ổ dịch và phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại khu vực có nguy cơ cao; tập trung truyền thông trước và trong khi triển khai các chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy và chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi để người dân biết, phối hợp thực hiện.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM cho biết tuần qua, khoa Cấp cứu của bệnh viện tiếp nhận 2 bệnh nhi đều 12 tuổi bị sốc SXH Dengue kèm suy hô hấp, rối loạn đông máu, tổn thương gan nặng. May mắn là sau hơn 1 tuần điều trị, đến nay tình trạng các trẻ cải thiện dần, tỉnh táo, thở khí trời.

Trước nguy cơ bùng phát mạnh của dịch sốt xuất huyết, các chuyên gia cảnh báo người dân không lơ là phòng dịch. Nhất là đang trong thời điểm giao mùa, thời tiết nóng ẩm là điều kiện lý tưởng để muỗi vằn truyền bệnh sinh sôi, phát triển.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến cũng lưu ý người dân không được chủ quan, đưa trẻ đến nhập viện muộn. Tất cả trẻ bị sốt cao từ ngày thứ 2 trở đi và ở trong khu vực có người bị sốt xuất huyết phải được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và theo dõi cụ thể.

Tại phía Bắc, dịch sốt xuất huyết cũng đang diễn biến phức tạp và có dấu hiệu lan nhanh. Theo thống kê tại thành phố Hà Nội, một số quận, huyện phía tây có số trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue ở mức cao như Cầu Giấy, Nam Từ Liên, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Đống Đa... Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, Hà Nội đã ghi nhận 820 trường hợp xuất hiện nhiều dấu hiệu bệnh ở vào các cấp độ khác nhau của sốt xuất huyết.

Dấu hiệu nhận biết sốt xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết thường phát triển qua 3 giai đoạn chính với nhiều dấu hiệu khác nhau. Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân thường phải đối mặt với cơn sốt cao từ 39-40 độ C. Triệu chứng ở giai đoạn này thường không rõ ràng, chính vì thế người bệnh thường có tâm lý chủ quan hoặc nhầm lẫn với các vấn đề sức khỏe khác.

Thông thường giai đoạn 1 của bệnh sốt xuất huyết sẽ kéo dài từ 1-2 ngày. Nếu chủ quan bỏ qua các triệu chứng sốt xuất huyết, bệnh nhân có nguy cơ đối mặt với nhiều biến chứng nặng nề, đe dọa trực tiếp tới tính mạng và sức khỏe. Suy tim hoặc suy thận là biến chứng thường gặp của bệnh nhân sốt xuất huyết.

Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa có thuốc đặc trị. Chính vì thế bệnh nhân cần dựa vào hướng dẫn điều trị sốt xuất huyết do Bộ Y tế khuyến cáo để chủ động chăm sóc sức khỏe. Trong đó, bệnh nhân cần ưu tiên bổ sung nước, có thể dùng nước bù điện giải, nước đun sôi để nguội hoặc nước ép trái cây - những loại này đều rất tốt cho cơ thể.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân và các cơ quan cùng thực hiện biện pháp phòng chống sốt xuất huyết như: dành 10-15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi làm việc, sinh sống, từ trong nhà đến xung quanh nhà, không để đọng nước làm phát sinh lăng quăng, muỗi… Người dân cần đậy kín lu, hồ, phuy chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng.

Đối với những nơi chứa nước không dùng để sinh hoạt thì có thể thả cá để diệt lăng quăng. Người dân cũng cần sử dụng bình xịt, hương muỗi, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ màn kể cả ban ngày để tránh bị muỗi đốt.

Để tích cực phòng bệnh sốt xuất huyết cho bản thân, gia đình và người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

3. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng chống dịch.

6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ Y tế cảnh báo dịch sốt xuất huyết có thể bùng phát trên diện rộng