“Với vụ án này, hiện nay mới có sơ thẩm thôi, án chưa có hiệu lực pháp luật. Chỉ khi bản án có hiệu lực pháp luật, Tòa án chuyển cho cơ quan Thi hành án dân sự thì chúng tôi sẽ căn cứ vào đó để thi hành”, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó tổng Cục Trưởng Tổng Cục thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) nói.
Liên quan đến số tiền hơn 600 tỉ đồng buộc bồi thường trong 2 bản án TAND TP.Hà Nội vừa tuyên đối với ông Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), tại cuộc họp báo quý 1/2018 diễn ra chiều 6.4, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó tổng Cục Trưởng Tổng Cục thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) cho biết, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền trách nhiệm là thi hành phần dân sự trong các bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật.
Theo ông Sơn, với vụ án này, hiện nay mới có sơ thẩm thôi, án chưa có hiệu lực pháp luật. “Đặt vấn đề này ra lúc này chỉ có tính chất chúng ta bàn với nhau về mặt nguyên tắc thôi. Chỉ khi bản án có hiệu lực pháp luật, Tòa án chuyển cho cơ quan THADS thì chúng tôi sẽ căn cứ vào đó để thi hành. Bây giờ khẳng định số tiền phải thi hành án là bao nhiêu, cụ thể thế nào thì đợi bản án phúc thẩm”, ông Sơn nói.
Trước đó, ngày 29.3, trong phiên tòa xét xử vụ PVN mất 800 tỉ đồng góp vốn vào Oceanbank, ông Đinh La Thăng bị TAND Hà Nội phạt 18 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, ông còn bị tuyên buộc bồi thường thiệt hại 600 tỉ đồng cho PVN.
Trước đó, ở phiên tòa diễn ra tháng 1, ông Thăng cùng ông Trịnh Xuân Thanh (cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và 20 người bị TAND Hà Nội xét xử về 2 tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản. Theo đó, ông Thăng bị phạt 13 năm tù, buộc bồi thường 30 tỉ đồng.
"Việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời thuộc thẩm quyền của các cơ quan tố tụng trước khi cơ quan thi hành án tiến hành phần việc của mình. Trong vụ án ông Đinh La Thăng, tại sao không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì chúng tôi khó trả lời. Chúng tôi mong muốn các cơ quan tố tụng nên áp dụng các biện pháp khẩn cấp để công tác thi hành án, thu hồi tài sản hiệu quả hơn", ông Nguyễn Văn Sơn cho biết.
Phó tổng cục trưởng cũng kiến nghị đối với các tài sản liên quan đến vụ án kinh tế, tham nhũng như bất động sản và tài khoản lớn, phải có luật điều chỉnh về sự minh bạch. Ở nhiều nước, các tài sản liên quan đến những vụ án đều được cơ quan Nhà nước nắm rõ. Do đó, ông Sơn cũng mong muốn có được hệ thống thể chế tương tự.
Trả lời cầu hỏi của phóng viên về việc Thanh tra Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về dự án bãi rác Đa Phước, có đề nghị Bộ Tài chính phối hợp các bộ, ngành liên quan, trong đó có Bộ Tư pháp cho ý kiến về việc trước đây Kiểm toán Nhà nước cho rằng TP.HCM trả trước 9 triệu USD cho chủ đầu tư bãi rác Đa Phước là không đúng quy định pháp luật, Vụ trưởng Vụ pháp luật dân sự - kinh tế Nguyễn Thanh Tú cho biết, theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Tài chính đã thành lập đoàn công tác liên ngành đi kiểm tra TP.HCM về vấn đề này.
“Bộ Tư pháp trên cơ sở ý kiến của Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Bộ Tài chính thể hiện ý kiến về vấn đề này. Tuy nhiên, văn bản này Bộ Tài chính đang để ở chế độ mật nên khi trả lời Bộ Tư pháp cũng để ở chế độ mật nên chưa thể cung cấp thông tin lúc này. Sau khi Bộ Tài chính được Chính phủ cho phép giải mật theo quy định của pháp luật, chúng tôi sẽ cung cấp thông tin cho báo chí”, đại diện Bộ Tư pháp nói.
Lam Thanh