Ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết trình tự và quy định cụ thể liên quan đến phạt nguội thông qua hệ thống giám sát chưa được ban hành nên việc thực hiện các thủ tục trong quá trình xử phạt gặp khó khăn.

Bộ Tư pháp nói gì về việc không đăng kiểm xe bị phạt nguội?

Trí Lâm | 19/10/2017, 20:17

Ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết trình tự và quy định cụ thể liên quan đến phạt nguội thông qua hệ thống giám sát chưa được ban hành nên việc thực hiện các thủ tục trong quá trình xử phạt gặp khó khăn.

Ngày 19.10, tại cuộc họp báo thông tin về kết quả công tác tư pháp quý 3/2017 do Bộ Tư pháp tổ chức, ông Đặng Thanh Sơn - Cục trưởng Xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) đã thông tin đến báo chí một số vấn đề liên quan đến việc hàng loạt xe ô tô bị tạm dừng đăng kiểm do phạt nguội.

Ông Đặng Thanh Sơn cho biết, hiện nay trình tự và quy định cụ thể liên quan đến phạt nguội thông qua hệ thống giám sát chưa được ban hành. Điều đó dẫn đến việc thực hiện các thủ tục trong quá trình xử phạt gặp khó khăn, vướng mắc.

Theo ông Sơn, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã áp dụng quy định tại khoản 6 điều 4 Thông tư số 70/2015 của Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Theo đó, không kiểm định đối với xe “đã có văn bản đề nghị không kiểm định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền”.

Do đó, ông Sơn cho biết tới đây sẽ đề xuất với lãnh đạo Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Công an xây dựng ban hành thông tư quy định cụ thể về quy trình, trình tự xử phạt hành chính thông qua hệ thống giám sát về an toàn giao thông đường bộ. Đồng thời sửa đổi, bổ sung cơ sở pháp lý trong Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.

Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Đồng Ngọc Ba - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật khẳng định đã tiến hành kiểm tra đối với Thông tư 70/2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

“Chúng tôi đã có văn bản báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Bước đầu xác định, riêng khoản 6 điều 4 Thông tư 70 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chưa được chặt chẽ, rõ ràng nếu đối chiếu với Luật Giao thông đường bộ, các quy định và thẩm quyền của Bộ trưởng Giao thông vận tải. Chúng tôi đã báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp để có trao đổi với Bộ Giao thông vận tải về việc này”, ông Ba cho hay.

Trao đổi thêm với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới về vấn đề nói trên, luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết“phạt nguội” là hình thức xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ mà việc xử phạt không được thực hiện cùng thời điểm vi phạm. Trong khi đó “đăng kiểm” là thủ tục hành chính, thực hiện kiểm tra, đánh giá tình trạng an toàn kỹ thuật bảo vệ môi trường của xe cơ giới theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định. Đây là hai vấn đề khác nhau.

Theo ông, phạt nguội là áp dụng đối với hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện, còn đăng kiểm là áp dụng đối với chính phương tiện đó, nhằm mục đích đảm bảo an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường. Nếu vì bị phạt nguội mà từ chối đăng kiểm thì không hợp lý, đó là sự từ chối việc đảm bảo an toàn cho phương tiện. Về mặt pháp lý, cũng không có cơ sở để từ chối đăng kiểm vì lý do bị phạt nguội.

Cụ thể, ông Vũ cho biết, theo khoản 6 điều 4 Thông tư số 70/2015/TT-BGTVT ngày 9.11.2015 của Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, chỉ không kiểm định khi “xe có vi phạm đã cảnh báo trên Chương trình quản lý kiểm định”, người điều khiển phương tiện bị “phạt nguội” (như lỗi vượt quá tốc độ, vượt đèn đỏ,…) thì không phải là xe bị cảnh báo trên Chương trình quản lý kiểm định.

Ngoài ra, theo quy định tại điều 7 Thông tư số 70/2015/TT-BGTVT, xe không được cấp Giấy chứng nhận kiểm định nếu có khiếm khuyết, hư hỏng quan trọng; khiếm khuyết, hư hỏng nguy hiểm. Khoản 1 điều 4 thông tư này cũng nghiêm cấm hành vi “từ chối kiểm định cho xe cơ giới khi không có lý do chính đáng”.

“Với những căn cứ pháp lý này, tôi cho rằng việc từ chối đăng kiểm đối với xe do người điều khiển phương tiện bị phạt nguội là không phù hợp. Trường hợp nếu người bị phạt không thực hiện nghĩa vụ, biện pháp xử phạt thì phải xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính, thực hiện cưỡng chế theo quy định chứ không vì vậy mà từ chối đăng kiểm xe”, ông Vũ nêu.

Trước đó, theo thông tin từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong năm 2016, Cục chỉ nhận được đề nghị từ chối đăng kiểm 2.800 trường hợp xe ô tô. Tuy nhiên, trong năm 2017, số lượng xe bị đề nghị từ chối đăng kiểm đã tăng mạnh. Cụ thể, chỉ từ đầu năm đến ngày 15.9.2017, danh sách đề nghị từ chối đăng kiểm đã lên hơn 16.000 trường hợp, tăng hơn 5 lần năm 2016.

Được biếtcác trường hợp ấy gồm cả các xe bị phạt nguội và những người bị các lực lượng chức năng lập biên bản nhưng cố tình không nộp phạt. Sau khi bị từ chối, mới có hơn 5.500 xe chấp hành nộp phạt và được tiếp nhận đăng kiểm trở lại.

Cũng theo Cục Đăng kiểm, việc số lượng xe đề nghị từ chối đăng kiểm do không nộp phạt tăng mạnh gây phát sinh nhiều thủ tục, giấy tờ, thậm chí chi phí cho bộ phận chức năng của Cục Đăng kiểm Việt Nam và các đơn vị đăng kiểm. Bên cạnh đó, còn có những trường hợp đơn vị xử phạt quên phản hồi, khiến có trường hợp đã chấp hành xử phạt nhưng chưa được đăng kiểm ngay.

Phòng CSGT Hà Nội cho biết9 tháng đầu năm đơn vị đã xử lý 4.252 trường hợp vi phạm luật giao thông đường bộ qua hệ thống camera, tước 4.009 giấy phép lái xe. Trong đó, hơn 1.000 lượt vi phạm chưa chấp hành việc nộp phạt theo giấy thông báo vi phạm, nộp phạt của Trung tâm tín hiệu đèn. Đơn vị đã gửi thông báo hơn 1.000 phương tiện này này tới trung tâm đăng kiểm.

Hoài Phong
Bài liên quan
OpenAI định phát triển trình duyệt web kết hợp với ChatGTP trước khi Bộ Tư pháp Mỹ đề xuất Google bán Chrome
OpenAI gần đây đã cân nhắc phát triển trình duyệt web kết hợp với chatbot trí tuệ nhân tạo ChatGTP của mình và thảo thuận về các nhà phát triển để hỗ trợ tính năng tìm kiếm, trang The Information đưa tin.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
10 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ Tư pháp nói gì về việc không đăng kiểm xe bị phạt nguội?