Tựa bài là câu hỏi của báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 15.11, đề cập cuộc họp trong ngày này của “Bộ tứ kim cương” gồm Mỹ-Nhật-Ấn-Úc, với mục tiêu đề phòng sức mạnh kinh tế-quân sự của Trung Quốc trỗi dậy đang ngày càng lớn ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

‘Bộ tứ kim cương’ Mỹ - Nhật - Ấn - Úc chĩa mũi nhọn với Trung Quốc

Trần Trí | 16/11/2018, 06:00

Tựa bài là câu hỏi của báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 15.11, đề cập cuộc họp trong ngày này của “Bộ tứ kim cương” gồm Mỹ-Nhật-Ấn-Úc, với mục tiêu đề phòng sức mạnh kinh tế-quân sự của Trung Quốc trỗi dậy đang ngày càng lớn ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Theo tuyên bố ngày 14.11 của Bộ Ngoại giao Mỹ, tại cuộc họp, Mỹ sẽ tái khẳng định cam kết duy trì, củng cố một khu vực Ấn Độ Dương tự do và mở cửa, dựa trên luật lệ rõ ràng và tôn trọng luật pháp quốc tế”.

Tại cuộc họp thứ ba ở Singapore ngày 15.11, “Bộ tứ kim cương” (QUAD) bàn luận cách đối phó với tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, như một cuộc họp bên lề của hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS 2018).

Nhóm cũng cẩn trọng thuyết phục các nước Đông Nam Á, rằng đây không phải chiến lược kiềm chế Trung Quốc, mà là một sự cân bằng với Trung Quốc.Thủ tướng Úc Scott Morrison cho biết: Úc xem QUAD là một cơ chế quan trọng ở khu vực, có thể hợp tác về kinh tế, quân sự và chiến lược.

Tuy nhiên, Bắc Kinh nhìn QUAD với thái độ nghi ngờ, Ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố nhóm này là “một ý tưởng giật gân sẽ tiêu tan như bọt biển của Ấn Độ Dương hoặc của Thái Bình Dương”.

Theo SCMP, mục tiêu hành động của QUAD phản ánh sự lo ngại ngày càng lớn, về chính sách đối ngoại “hung hăng” do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng, và QUAD muốn có một mô hình đối trọng với Trung Quốccùng dự án Vành đai và Con đường(BRI).

BRI do ông Tập khởi xướng, nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối Trung Quốc với 65 quốc gia ở châu Á, châu Âu và châu Phi, thông qua vô số cầu-đường, cảng, đường sắt và đường bộ, với vốn vay từ Bắc Kinh và chủ yếu do các công ty nhà nước Trung Quốc thực hiện.

Đã có những cáo buộc rằng những nước ký tham gia BRI đều khôngthể tạo việc làm cho dân bản địa, và bị ngập nợ với Bắc Kinh đến độ phải nhượng gán đất hoặc cho thuê đất thời hạn dài cho Trung Quốc.

Nhưng Bắc Kinh liên tục phủ nhận các cáo buộc Trung Quốc “hà hiếp các nước khác bằng tiền vay nợ và phải tăng lệ thuộc Bắc Kinh”, dù một số nước trong nămnay đã tạm ngưng hoặc sửa hợp đồng, vì các dự án liên quan BRI bị đánh giá là quá tốn tiền hoặc không cần thiết.

Một mục tiêu chính của QUAD là tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng được lập kế hoạch tốt và bảo đảm được sự bền vững về mặt tài chính, dù khối này không có nguồn tiền mặt nhiều như BRI.

Các quan chức QUAD nhấn mạnh đấy là một phần của chiến lược lớn hơn, vốn có thể gồm các nước khác nữa. Ví dụ Mỹ, Úc, Nhật, Hàn Quốc và đã quyết định tài trợ cho một chương trình mạng Internet và một nhà máy thủy điện cho Papua New Guinea, theo báo The Australian đưa tin hôm 13.11.

Ngày 12.11, khi dự Hội nghị cấp cao ASEAN ở Singapore, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton nói với giới báo chí: “QUAD có tương lai là một phần của chiến dịch lớn của Mỹ, nhằm quảng bá một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở cửa. Chiến lược này vẫn đang được định hình, nhưng được hoan nghênh và chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi. Các nỗ lực ngoại giao đã tăng tốc”.

Vài nét về QUAD

QUAD là một nhóm không chính thức gồm quan chức ngoại giao của Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc. Ý tưởng lập QUAD từ sau vụ sóng thần 2004 tàn phá nhiều vùng ở châu Á, sau đó “bộ tứ” cùng nhau cứu hộ.

Qua năm 2007, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Phó tổng thống Mỹ Dick Cheney đề xuất lập QUAD, và nhóm tổ chức tập trận hải quân chung.

Tại cuộc họp đầu tiên năm đó, các quan chức QUAD bàn về các quyền lợi chung ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, rồi nhất trí một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở cửa, nhằm phục vụ lâu dài quyền lợi của tất cả các quốc gia trong khu vực này và toàn thế giới.

Nhưng động thái này khiến Bắc Kinh phản đốivà nhóm tan rã, nhất là sau khi ông Kevin Rudd trở thành Thủ tướng Úc vào cuối năm 2007. Ông Rudd nói thạo tiếng Hoa và chủ trương làm thân với Trung Quốc.

Theo SCMP, từ đó Trung Quốc hành xử hung hăng, xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông, lập căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài tại Djbouti trên đường vào Kênh Suez, và tài trợ cho các công trình giao thông trên toàn khu vực. Các đồng minh của Mỹ như Úc cũng cáo buộc Trung Quốc âm mưu can thiệp vào chính trị nội bộ của mình.

Đến tháng 11.2017, QUAD được tái lập, nhằm đề phòng sức mạnh kinh tế-quân sự của Trung Quốc trỗi dậy. Lần này, QUAD chưa chính thức hóa các cuộc họp, vì lo ngại tác động đến quan hệ kinh tế với Trung Quốc.

Cuộc họp QUAD thứ hai diễn ra tháng 6.2018 ở Singapore, và Thủ tướng Modi khẳng định tầm nhìn của Ấn: Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương phải là khu vực tự do và mở cửa, trong đó Đông Nam Á là trung tâm và Ấn sẽ hợp tác để xây dựng hòa bình và ổn định ở khu vực này.

Vĩnh Thụy (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
25 phút trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Bộ tứ kim cương’ Mỹ - Nhật - Ấn - Úc chĩa mũi nhọn với Trung Quốc