Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, việc quy định cho phép chuyển đổi giới tính là bước tiến quan trọng bởi chúng ta đã chính thức công nhận quyền của một bộ phận người, tuy không lớn, trong xã hội. 

Bộ trưởng Tư pháp: Cho phép chuyển đổi giới tính là bước tiến quan trọng

25/11/2015, 12:00

Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, việc quy định cho phép chuyển đổi giới tính là bước tiến quan trọng bởi chúng ta đã chính thức công nhận quyền của một bộ phận người, tuy không lớn, trong xã hội. 

Liên quan đến điều luật cho phép chuyển đổi giới tính trong Bộ luật Dân sự vừa được Quốc hội thông qua cũng như những đề xuất về việc nâng độ tuổi trẻ em lên 18, báo giới đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường.
- Thưa Bộ trưởng, hiện chưa có luật nào quy định về vấn đề chuyển giới, như vậy việc chuyển đổi giới tính đến thời điểm này là chưa được phép?

- Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Chính xác!

- Tức là hiện không cho cũng không cấm việc chuyển đổi giới tính. Người dân hiểu như vậy có đúng không, thưa ông?

- Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Bộ luật Dân sự là luật nền của tất cả những luật liên quan đến quan hệ dân sự kinh tế, thương mại, gia đình nói chung.

Lần này, Quốc hội biểu quyết thông qua là bước tiến vô cùng quan trọng. Nhưng Bộ luật Dân sự không thể đi giải quyết những vấn đề cụ thể như điều kiện, cách thức chuyển giới, ai có quyền được chuyển giới, kỹ thuật chuyển giới, chăm sóc sức khỏe người chuyển giới... Đó là cả vấn đề lớn, là đối tượng điều chỉnh của luật riêng.

Khi Bộ luật Dân sự đã quy định như vậy rồi thì chắc chắn nhiệm kỳ Quốc hội tới phải có luật quy định về vấn đề này. Đây là bước mở ra để đạo luật riêng về vấn đề chuyển giới sẽ được xây dựng, ban hành. Khi nào luật đó có hiệu lực thì việc chuyển giới mới được thực hiện.

Nhưng đây là bước tiến quan trọng vì thay đổi tư duy công nhận quyền của một nhóm người, tuy không lớn, trong xã hội. Đó là tinh thần của Hiến pháp 2013, tôn trọng quyền con người, cái gì của con người cũng gần gũi với mình, dù người ta là thiểu số

- Theo Bộ trưởng, Quốc hội cần phải ra một đạo luật riêng hay ghép vào Luật Hôn nhân và gia đình?

- Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Không thể nào ghép được vì đây là những quy định, điều kiện rất sâu về chuyên môn, kỹ thuật, y học... để bảo đảm người được chuyển giới phải thành công.

Luật cũng sẽ có quy định hạn chế, quy định cấm để làm sao xã hội không rối loạn, nhất là thanh niên, thiếu niên chưa nhận thức đầy đủ về hệ lụy của vấn đề này mà nhiều khi theo đà, theo phong trào làm thì rất nguy hiểm. Xin nói thêm ở châu Á cũng rất ít nước thừa nhận quyền này. Bộ luật Dân sự Việt Nam thừa nhận, tôi cho là điều hết sức tiến bộ trong khu vực châu Á.

- Phải chờ thêm thì đạo luật mới được thực hiện, vậy Quốc hội có ấn định thời gian không, thưa Bộ trưởng?

- Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Chính xác. Điều này phụ thuộc vào chương trình xây dựng pháp luật của nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14. Tháng 7.2016 tới, Quốc hội khóa mới họp sẽ bàn về chương trình xây dựng pháp luật. Chắc chắn nếu bộ chuyên ngành không đề xuất, thì Bộ Tư pháp cũng sẽ đề xuất. Bao giờ xây dựng được thì chưa thể trả lời ngay. Tin rằng nhiệm kỳ khóa 14 sẽ phải làm, nếu không sẽ là quyền treo.

- Như vậy là hiện tại vẫn chưa cho phép chuyển giới, thừa nhận quyền chuyển giới?

- Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Thừa nhận quyền thì có, nhưng thực thi quyền thì phải chờ luật.
- Cá nhân Bộ trưởng có ủng hộ?

- Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Tôi ủng hộ chứ.

- Thưa ông, việc ban hành luật có phụ thuộc vào trình độ y tế của Việt Nam không?

- Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Tất nhiên vì còn nhiều thứ đi theo. Y học Việt Nam nhìn chung không thua kém gì thế giới. Người ta phải nghiên cứu kỹ kinh nghiệm các nước để chuyển giới an toàn, thành công, bảo đảm sức khỏe con người.

- Liên quan đến các đề nghị nâng độ tuổi quy định trẻ em lên 18 có khá nhiều ý kiến. Một trong số ý kiến đó là thắc mắc vậy những người dưới 18 tuổi mà quan hệ tình dục thì có bị coi là hiếp dâm trẻ em không? Xin Bộ trưởng cho biết ý kiến về vấn đề này?

- Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Tôi hiểu rằng xã hội vì con người mà Nhà nước ta đã quy định trong Hiến pháp thì phải dành cái ưu ái cao nhất cho trẻ em. Xác định tuổi trẻ em từ 16 lên 18 là mở rộng khái niệm trẻ em thì sẽ tăng lượng trẻ em lên rất đông, tương đương với việc sẽ có thêm nhiều người được hưởng quyền bảo hộ của Nhà nước và pháp luật.

Cá nhân tôi nghĩ đây là bước tiến rất quan trọng trong việc thể hiện bản chất nhà nước của dân, do dân, vì dân.

Đương nhiên, việc này sẽ có tác động lớn đến chính sách kinh tế - xã hội. Về phương diện pháp luật hình sự lại khác. Ở khía cạnh này, người ta xét theo giác độ sự phát triển của con người, ý chí của con người đến một chừng nào thì quyết định được.
Ví dụ như yêu cầu nâng độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự của trẻ em lên thì không cần thiết. Khi tâm sinh lý đã phát triển rồi thì lại khác, nên tôi nghĩ là không ảnh hưởng đến nội dung của Bộ luật Hình sự.
Tuệ Minh (ghi)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
15 phút trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Tư pháp: Cho phép chuyển đổi giới tính là bước tiến quan trọng