Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Gina Raimondo dự kiến, tháng 3.2022 sẽ dẫn đầu phái đoàn thương mại lớn sang tìm kiếm cơ hội đầu tư, thương mại tại Việt Nam.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ sẽ đưa phái đoàn thương mại, đầu tư lớn sang Việt Nam vào tháng 3.2022

Tuyết Nhung | 10/09/2021, 17:48

Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Gina Raimondo dự kiến, tháng 3.2022 sẽ dẫn đầu phái đoàn thương mại lớn sang tìm kiếm cơ hội đầu tư, thương mại tại Việt Nam.

Bộ trưởng Công Thương, Chủ tịch Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Mỹ (TIFA) Nguyễn Hồng Diên mới đây đã có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Thương mại Mỹ (DOC) Gina Raimondo để trao đổi về các vấn đề kinh tế, thương mại song phương giữa hai nước.

2021_09_10_08_15_321_f875e.jpg
Bộ trưởng Công Thương, Chủ tịch Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Mỹ (TIFA) Nguyễn Hồng Diên - Ảnh: BCT

Đối với những vấn đề kinh tế thương mại Việt Nam quan tâm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị Bộ Thương mại Mỹ tăng cường trao đổi để đạt được tiến bộ trong vấn đề công nhận kinh tế thị trường và có đánh giá khách quan, công bằng, theo đúng các quy định của WTO trong các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại.

Giải đáp lo ngại của Mỹ về khả năng đứt gãy chuỗi cung ứng tại Việt Nam do tác động của đại dịch COVID-19, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa, duy trì các hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu là ưu tiên quan trọng hàng đầu của Bộ Công Thương hiện nay.

Bộ Công Thương đã đưa ra các quy chuẩn, phối hợp với các địa phương vừa hướng dẫn, vừa hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện nhiều biện pháp phòng chống dịch tại nơi ở, nơi làm việc, nơi sinh hoạt của người lao động; hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng các phương án phục hồi sản xuất theo nhiều kịch bản khác nhau tương ứng với từng mức độ dịch bệnh.

Đồng thời, Việt Nam cũng sẽ đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp huy động người lao động trở lại làm việc, đảm bảo lưu thông hàng hóa thuận lợi, để đưa hoạt động sản xuất trở lại ổn định, đáp ứng nhu cầu của các chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có việc cung ứng cho các doanh nghiệp Mỹ.

Nói đến một số vấn đề kinh tế, thương mại còn tồn tại giữa hai nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định quan điểm của Việt Nam là sẵn sàng tăng cường đối thoại với Mỹ để giải quyết; đồng thời hoan nghênh phía Mỹ có ý kiến đóng góp để hoàn thiện hơn nữa khuôn khổ pháp luật hiện hành, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, đáp ứng được lợi ích của cả hai nước.

Về phần mình, Bộ trưởng Gina Raimondo cho biết kinh tế, thương mại vẫn là chủ đề được ưu tiên cao dưới thời của Tổng thống Joe Biden. Các doanh nghiệp Mỹ hiện rất quan tâm và mong muốn được tham gia hợp tác, đầu tư vào nhiều lĩnh vực tại Việt Nam, trong đó hợp tác năng lượng là ưu tiên hàng đầu.

gina-raimondo.jpg
Bộ trưởng Thương mại Mỹ (DOC) Gina Raimondo - Ảnh: Internet

Chia sẻ những khó khăn Việt Nam đang gặp phải do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Bộ trưởng Gina Raimondo khẳng định Mỹ sẽ tích cực hợp tác với Việt Nam nhằm bảo đảm tính liên tục của chuỗi cung ứng hàng hóa tại Việt Nam trong bối cảnh đại dịch còn diễn biến phức tạp.

Bộ Thương mại Mỹ sẽ làm việc với Nhóm COVID-19 của Tổng thống Joe Biden để tìm kiếm thêm các biện pháp hỗ trợ Việt Nam.

Bộ trưởng Gina Raimondo thông báo, dự kiến tháng 3.2022, bà sẽ dẫn đầu phái đoàn thương mại lớn sang tìm kiếm cơ hội đầu tư, thương mại tại Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên gửi lời cảm ơn Chính phủ Mỹ đã hỗ trợ 6 triệu liều vắc xin COVID-19 cho Việt Nam, đồng thời đề nghị Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo chuyển thông điệp tới Chính phủ Mỹ về việc tiếp tục ưu tiên hỗ trợ Việt Nam về vắc xin.

Đặc biệt là đẩy nhanh thực hiện các hợp đồng cung cấp vắc xin COVID-19 đã ký để Việt Nam nhận được sớm nhất trong năm 2021. Cùng với đó là hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin, thiết bị, vật tư y tế và và đặc biệt là sản xuất thuốc điều trị COVID-19 cho Việt Nam.

5 năm qua, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã tăng 230%, trong khi xuất khẩu từ Mỹ vào Việt Nam cũng tăng trưởng tới hơn 175%. Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Mỹ.

Năm 2020 là năm đầu tiên tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước vượt qua mốc 90 tỉ USD (đạt 90,8 tỉ USD) và cùng hướng tới con số 100 tỉ USD vào năm 2021.

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tính đến hết tháng 7.2021, tổng kim ngạch trao đổi thương mại song phương đạt 62,98 tỉ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đạt 53,96 tỉ USD (tăng 38,4% so với cùng kỳ 2020); nhập khẩu từ Mỹ 9,02 tỉ USD (tăng 11,2% so với cùng kỳ 2020).

Thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam tiếp tục tăng, đạt con số 44,94 tỉ USD (tăng 45,5% so với cùng kỳ 2020).
Bài liên quan
Đầu tư lâu dài ở Việt Nam, Boeing chính thức mở văn phòng tại Hà Nội
Boeing khẳng định cam kết đầu tư lâu dài ở Việt Nam và chính thức mở văn phòng tại Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
5 phút trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Thương mại Mỹ sẽ đưa phái đoàn thương mại, đầu tư lớn sang Việt Nam vào tháng 3.2022