Theo Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, có rất nhiều khó khăn trong phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nêu hàng loạt khó khăn trong phát triển nhà ở xã hội

Lam Thanh | 01/08/2022, 10:17

Theo Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, có rất nhiều khó khăn trong phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Tại hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp sáng 1.8, Thủ tướng cho rằng quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu.

"Vừa qua, tôi có đến thăm công nhân ở nhiều địa phương thì nhiều khu nhà ở công nhân vẫn rất chật hẹp, khó khăn, các chủ nhà trọ cũng có nhiều cố gắng và chia sẻ, các giải pháp cho vấn đề nhà ở công nhân còn tự phát, chưa triển khai bài bản, chưa đáp ứng yêu cầu về không gian, vệ sinh, môi trường… Một trong những quyền của con người là có chỗ ở, có công ăn việc làm, quyền mưu cầu hạnh phúc. Chúng ta đã có cố gắng về vấn đề nhà ở công nhân nhưng chưa đáp ứng nhu cầu”, Thủ tướng nói.

nghi-1.jpg
Thủ tướng phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết tính đến nay, cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân, quy mô xây dựng khoảng 156.000 căn, với tổng diện tích hơn 7,79 triệu mét vuông; đồng thời đang tiếp tục triển khai 401 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 455.000 căn, với tổng diện tích khoảng 22,718 triệu mét vuông.

Trong đó, cả nước đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 175 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng khoảng 93.000 căn hộ, với tổng diện tích khoảng 4,6 triệu mét vuông; đang tiếp tục triển khai 274 dự án, quy mô xây dựng khoảng 293.000 căn hộ, với tổng diện tích khoảng 14,6 triệu mét vuông.

Ngoài ra, chúng ta đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 126 dự án nhà ở công nhân, với quy mô xây dựng khoảng 62.700 căn hộ, tổng diện tích 3,1 triệu mét vuông, đang tiếp tục triển khai (bao gồm các dự án đã được chấp thuận đầu tư và đang triển khai đầu tư xây dựng) 127 dự án với quy mô xây dựng khoảng 160.000 căn hộ, tổng diện tích 8 triệu mét vuông…

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng đề cập đến một số tồn tại, khó khăn trong phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cụ thể là trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, mua-bán nhà ở xã hội còn kéo dài, thậm chí phức tạp hơn các dự án nhà ở thương mại, như: dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục tính tiền sử dụng đất để miễn; các đối tượng nhà ở xã hội phải được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định về đối tượng, điều kiện…

Thêm vào đó, việc xác định giá trước khi thực hiện bán, cho thuê, cho thuê mua đối với nhà ở xã hội đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách phải được cơ quan nhà nước cấp tỉnh thẩm định cũng kéo dài thời gian, tốn kém cho doanh nghiệp. Các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã ban hành chưa đủ hấp dẫn, không thực chất, không thu hút, khuyến khích chủ đầu tư.

Về quy định các dự án nhà ở xã hội phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà ở xã hội trong dự án để cho thuê và chủ đầu tư chỉ được bán sau 5 năm đưa vào sử dụng, trên thực tế có nhiều dự án không cho thuê được phần diện tích này dẫn đến tình trạng các căn hộ để không, lãng phí trong khi đó chủ đầu tư không được bán dẫn đến không thu hồi được vốn, làm giảm thu hút đầu tư.

Về thực hiện miễn tiền sử dụng đất đối với chủ đầu tư, theo quy định của pháp luật về nhà ở thì chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất trong phạm vi dự án (bao gồm cả phần kinh doanh nhà ở thương mại). Tuy nhiên theo pháp luật về đất đai (khoản 3 điều 8 Thông tư số 10/2018/TT-BTC) thì yêu cầu chủ đầu tư khi bán nhà cho khách hàng thì phải nộp lại số tiền sử dụng đất được miễn, trong khi chủ đầu tư đã dùng lợi nhuận của phần kinh doanh thương mại (trong cơ cấu giá bán đã tính tiền sử dụng đất) để bù đắp, giảm giá thành cho nhà ở xã hội dự án.

Ngân sách trung ương chưa bố trí được đầy đủ nguồn vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Hiện mới bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2016-2020 đạt thấp, khoảng 3.163/9.000 tỉ đồng (chỉ đáp ứng khoảng 35% so với nhu cầu của Ngân hàng Chính sách xã hội).

Nhiều địa phương chưa quan tâm đến phát triển nhà ở xã hội, chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp, chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội, dẫn đến thiếu quỹ đất sạch để triển khai các dự án nhà ở xã hội…

nghi-2.jpg
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị báo cáo tại hội nghị

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng chia sẻ, qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế của một số nước tương đồng với Việt Nam như Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, hầu hết các nước đều đẩy mạnh phát triển nhà ở cho thuê, thông qua các hình thức trực tiếp đầu tư công hoặc giao cho doanh nghiệp nhà nước đầu tư hoặc có các chính sách hỗ trợ chủ đầu tư hoặc người dân thuê, mua nhà ở xã hội.

Ông Nghị cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014 đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Thuế… trong đó quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện thụ hưởng; việc quy hoạch, dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; việc lựa chọn chủ đầu tư dự án; các cơ chế chính sách ưu đãi của nhà nước… đồng thời tách riêng chính sách nhà ở cho công nhân để có cơ chế khuyến khích, ưu đãi nhằm phát triển loại hình nhà lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp.

Đồng thời cần đôn đốc các địa phương thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân theo đúng quy định pháp luật; thực hiện nghiêm quy định dành quỹ đất 20% làm nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở, khu đô thị; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc thực hiện pháp luật về phát triển nhà ở xã hội.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nêu hàng loạt khó khăn trong phát triển nhà ở xã hội