Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết đã có kế hoạch mua tổng cộng gần 110 triệu liều vắc xin COVID-19. Trong số này, bao gồm cả những liều vắc xin được cho tặng. Bộ Y tế cố gắng trong năm 2021 này, sẽ tổ chức tiêm phòng vắc xin với quy mô lớn nhất lịch sử.

Bộ trưởng Bộ Y tế nói về kế hoạch mua 110 triệu liều vắc xin COVID-19 và chiến dịch tiêm phòng lịch sử

Nguyên Việt | 11/05/2021, 13:14

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết đã có kế hoạch mua tổng cộng gần 110 triệu liều vắc xin COVID-19. Trong số này, bao gồm cả những liều vắc xin được cho tặng. Bộ Y tế cố gắng trong năm 2021 này, sẽ tổ chức tiêm phòng vắc xin với quy mô lớn nhất lịch sử.

Sáng 11.5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long có mặt tại H.Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long để tham dự hội nghị tiếp xúc giữa cử tri và những người ứng cử đại biểu quốc hội khóa 15. Với tư cách là người ứng cử đại biểu quốc hội và là người đứng đầu ngành y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế đã nhận được nhiều kiến nghị, câu hỏi về tình hình dịch bệnh COVID-19 từ các cử tri.

110 triệu liều vắc xin và chiến dịch tiêm phòng lịch sử

Phản hồi ý kiến cử tri về vấn đề vắc xin phòng chống COVID-19, Bộ trưởng thông tin rằng nước ta là 1 trong 4 quốc gia trên thế giới phân lập và giải trình tự gien vi rút SARS-CoV-2 đầu tiên. Nước ta cũng là một trong số ít nước trên thế giới đã đưa thực nghiệm vắc xin vào con người và đã tính tới việc chuyển giao công nghệ vắc xin tại Việt Nam.

Vắc xin là một trong những "vũ khí" mà Bộ Y tế cho rằng rất quan trọng quyết định trong việc kiểm soát dịch bệnh. Chính vì vậy, Bộ Chính trị đã có những kết luận rất cụ thể về vấn đề này, Chính phủ cũng có Nghị quyết 21 để làm sao tập trung mua vắc xin. Nhưng vấn đề khó khăn hiện tại là tất cả các nguồn vắc xin trên thế giới rất khan hiếm và có sự tranh đua giữa các nước.

bo-truong-bo-y-te.jpg
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nói sẽ có chiến dịch tiêm phòng lớn nhất lịch sử - Ảnh: Nguyên Việt

Chính vì vậy, Việt Nam đã sớm đàm phán với các nước, tổ chức trên thế giới để tiếp cận nguồn vắc xin. Thứ nhất là nguồn vắc xin của COVAX Facility (cơ chế do Tổ chức Y tế Thế giới thiết lập nhằm đảm bảo các quốc gia được tiếp cận công bằng với vắc xin COVID-19), đơn vị này đã đồng ý hỗ trợ cho nước ta 40 triệu liều; nguồn thứ hai đã đặt mua vào năm ngoái từ AstraZeneca (do SK Bio Hàn Quốc sản xuất) khoảng 30 triệu liều; hiện Bộ Y tế đang trình phương án mua 31 triệu liều của Pfizer. Cộng thêm các nguồn vắc xin khác được cho, tặng, nước ta sẽ có khoảng 110 triệu liều vắc xin. Trong khi đó, Chính phủ cho phép mua đến 150 triệu liều.

cu-tri-vinh-long.jpg
Cử tri ở H.Bình Tân, Vĩnh Long gửi nhiều thắc mắc về vắc xin COVID-19 đến người đứng đầu ngành y tế - Ảnh: Nguyên Việt

“Với mục tiêu tăng độ bao phủ vắc xin, chúng ta sẽ có trong năm 2021. Vì vậy, khi có vắc xin chúng tôi sẽ tổ chức tiêm theo đúng tinh thần Nghị quyết 21. Về thời gian chính xác, chúng tôi cố gắng từ nay cho đến hết năm 2021 sẽ triển khai một chiến dịch tiêm lịch sử của ngành y tế. Chưa có một chiến dịch tiêm ở quy mô rộng lớn như thế này. Từ nay cho đến hết năm 2021 chúng ta sẽ tiếp cận vắc xin theo đúng lộ trình mà chính phủ và Bộ Y tế đang triển khai thực hiện”, Bộ trưởng nói trước cử tri Vĩnh Long.

Các tỉnh miền Tây giữ vững trước “bão” COVID-19

Về tình hình dịch bệnh và các giải pháp, Bộ trưởng nói rằng dịch bệnh COVID-19 là một trong những thảm họa toàn cầu. Tất cả các nước trên thế giới, kể cả những nước phát triển đang căng mình đối phó dịch bệnh. Nhiều nước trên thế giới, số ca mắc, tử vong vẫn đang gia tăng. Mặc dù nhiều nước đã áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng chống, triển khai tiêm vắc xin nhưng vẫn chưa đạt được quy mô để bảo vệ.

Dẫn chứng tình hình ở một số nước trong khu vực, Bộ trưởng cho biết Ấn Độ là nước có dân số rất đông, và hiện nay dịch bệnh tại nước này chưa dừng lại. Con số mắc bệnh ở Ấn Độ đều hơn 400.000 ca mỗi ngày, số ca tử vong ngày một tăng lên, nền y tế nước này đang bên bờ vực thẳm, có thể sụp đổ.

“Ở Campuchia tình hình cũng rất phức tạp, ở Lào có xu hướng giảm nhưng chưa ổn định. Nước ta 10 ngày qua đã xảy ra một số ổ dịch ở miền Trung, miền Bắc liên quan đến các chuyên gia nhập cảnh, các địa phương triển khai biện pháp phòng chống dịch”, Bộ trưởng nói.

cac-tinh-mien-tay-giu-vung-truoc-dai-dich.jpg
Các tỉnh miền Tây được Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đánh giá là giữ vững trước đại dịch. Trong ảnh là lực lượng biên phòng tỉnh Đồng Tháp đi tuần ở khu vực biên giới - Ảnh: H.H

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ trưởng cho biết Đảng và Nhà nước coi việc phòng chống COVID-19 là một trong những trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên trong chỉ đạo, điều hành, lãnh đạo. Bộ Chính trị, Ban bí thư đều có văn bản yêu cầu các cấp ủy tăng cường vai trò lãnh đạo, trách nhiệm của người đứng đầu tất cả các địa phương, đơn vị trong vấn đề phòng chống dịch.

Về giải pháp, Bộ trưởng nói có rất nhiều giải pháp đúc kết từ những bài học mà chúng ta đã chiến thắng 3 đợt dịch trước. “Chúng ta đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị và quan trọng hơn cả là huy động được sức mạnh nhân dân tham gia công cuộc phòng chống dịch. Một trong những bài học mà thế giới ngưỡng mộ chúng ta là sự tham gia của người dân, có ý thức, trách nhiệm trong việc phòng dịch”, Bộ trưởng nói.

Bộ Y tế là cơ quan chịu trách nhiệm chủ đạo trong vấn đề phòng chống dịch, đề xuất những chính sách, giải pháp về mặt chuyên môn, kỹ thuật để tham mưu Chính phủ. Thời gian qua, Bộ Y tế đã tổ chức 5 đoàn đi rà soát, kiểm tra đối với hoạt động chống dịch ở các tỉnh miền Tây. Trước tình hình phức tạp, các tỉnh miền Tây đã giữ vững.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Bộ Y tế nói về kế hoạch mua 110 triệu liều vắc xin COVID-19 và chiến dịch tiêm phòng lịch sử