Cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) được đặt nhiều kỳ vọng giúp ngành thuế chống chuyển giá hiệu quả. Tuy nhiên, với dự thảo thông tư hướng dẫn APA vừa công bố, Bộ Tài chính vẫn bày tỏ nhiều lo ngại.
Theo lý giải của Bộ Tài chính, APA thực chất là thỏa thuận bằng văn bản giữa cơ quan thuế với người nộp thuế hoặc giữa cơ quan thuế trong nước, người nộp thuế và cơ quan thuế các nước, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đã ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần. Thỏa thuận này được xác lập trước khi người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế và các bên sẽ cùng đàm phán để xác định cụ thể căn cứ tính thuế hoặc giá tính thuế theo giá thị trường.
Về lý thuyết, APA có thể giúp giảm bớt tình trạng khai gian giá và điệp khúc “lỗ giả lãi thật” mà dư luận đã nhắc tới ở nhiều doanh nghiệp. Thế nhưng chưa chắc doanh nghiệp có vốn nước ngoài đã tự nguyện làm APA. Bởi APA áp dụng trên nguyên tắc tự nguyện, cơ quan thuế không thể ép doanh nghiệp phải thực hiện.
Các doanh nghiệp rất hiểu, nếu tham gia APA sẽ không bị thanh tra trong thời hạn ký kết đã ghi trong thỏa thuận. Nhưng họ chỉ “hứng thú” với điều này nếu thấy rằng việc thanh tra chuyển giá có thể khiến họ chịu thiệt hại hơn là tham gia APA.
Mặt khác, một khó khăn trong việc thỏa thuận với doanh nghiệp là cơ quan thuế vẫn thiếu thông tin và sự hợp tác của ngành thuế nước ngoài để nắm được những yếu tố quan trọng như giá nguyên liệu đầu vào của các sản phẩm. Nghèo thông tin có thể khiến việc thỏa thuận của cơ quan thuế gặp bất lợi khi doanh nghiệp khai giá đầu vào cao mà ngành thuế thì rất khó chứng minh điều ngược lại.
Năng lực của những cán bộ thuế hiện tại cũng là yếu tố rất đáng lo. Ở nước ngoài, ngành thuế thường có hẳn một cơ quan cưỡng chế thuế riêng. Đơn vị này gồm nhiều chuyên gia thuế giỏi, có năng lực tìm kiếm, phát hiện nhanh và sẵn sàng yêu cầu đối chất với doanh nghiệp khi phát hiện nghi vấn.