Tính đến ngày 30.6.2022, số lượng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc là 39.552 người, trong đó, trình độ tiến sĩ có 653 người, thạc sĩ có 4.018 người.

Bộ Nội vụ: 653 tiến sĩ và hơn 4 nghìn thạc sĩ là công chức, viên chức nghỉ việc

Lam Thanh | 02/11/2022, 17:10

Tính đến ngày 30.6.2022, số lượng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc là 39.552 người, trong đó, trình độ tiến sĩ có 653 người, thạc sĩ có 4.018 người.

653 tiến sĩ thôi việc

Theo báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn thêm thuộc lĩnh vực Nội vụ tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 15, Bộ Nội vụ cho biết, tính từ ngày 1.1.2020 đến 30.6.2022, số lượng cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) nghỉ việc, thôi việc là 39.552 người, chiếm 1,94% tổng số biên chế được giao.

Theo trình độ đào tạo: Tiến sĩ có 653 người, chiếm 1,65%; Bác sỹ chuyên khoa II có 133 người, chiếm 0,33%; Thạc sĩ có 4.018 người, chiếm 10,16%; bác sĩ chuyên khoa I có 1.066 người, chiếm 2,70%; Đại học có 19.637 người, chiếm 49,65%; Cao đẳng có 6.027 người, chiếm 15,24%; Trung cấp có 6.972 người, chiếm 17,63%; Sơ cấp có 1.046 người, chiếm 2,64%.

Tỷ lệ CBCCVC ở địa phương nghỉ việc lớn hơn ở bộ, ngành và tỷ lệ nghỉ việc, thôi việc của viên chức chiếm tỷ lệ lớn (89,8%), tập trung ở 2 lĩnh vực giáo dục và y tế.

Bộ Nội vụ cho hay số người nghỉ, thôi việc chủ yếu là viên chức (chiếm 89,8%), công chức (chỉ chiếm 10,2%), cơ bản tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn, có tốc độ phát triển kinh tế nhanh (tập trung nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế), các đô thị có hệ thống dịch vụ công khu vực ngoài nhà nước phát triển nên nhiều cơ hội về việc làm; đồng thời ở nhóm tuổi từ 40 tuổi trở xuống, có trình độ đào tạo từ đại học, cao đẳng trở lên.

“Việc công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc thời gian qua cũng là xu hướng tích cực “vào - ra theo cơ chế thị trường””, Bộ Nội vụ nêu.

Dịch chuyển lao động là xu thế chung

Theo Bộ Nội vụ, vấn đề nghỉ việc, chuyển việc ở khu vực công thời gian qua cần nhìn nhận ở cả 2 góc độ. Một là, việc dịch chuyển này là xu thế của sự phát triển, vận động của kinh tế-xã hội của một quốc gia, là sự “phân công lao động” theo quy luật thị trường và đây là cơ hội để tuyển dụng mới (thay thế), cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức viên chức.

Hai là, việc dịch chuyển này cũng đặt ra yêu cầu cần phải nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế, bất cập của cơ chế quản lý CBCCVC để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp nhằm tạo động lực thúc đẩy người lao động hăng say làm việc cho tổ chức.

cc.jpeg
653 tiến sĩ và hơn 4 nghìn thạc sĩ là công chức, viên chức nghỉ việc

Hiện tượng công chức, viên chức nghỉ việc cũng đang diễn ra ở các nước phát triển trên thế giới như Anh, Pháp, Mỹ, Canada, Singapore.

Về nguyên nhân chủ quan, tiền lương và thu nhập của công chức, viên chức còn thấp so với thu nhập của người lao động cùng trình độ làm việc trong doanh nghiệp nhà nước, khu vực tư nhân, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa thực sự quan tâm nhiều đến công tác xây dựng quy hoạch đội ngũ chuyên gia giỏi của từng lĩnh vực, nên một bộ phận công chức, viên chức không định hình được hướng phát triển về chuyên môn, nghiệp vụ của mình nên dần bị mai một kiến thức, kinh nghiệm sẽ tìm cách khắc phục bằng việc thay đổi môi trường làm việc để tìm kiếm cơ hội tốt hơn.

Nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị phải giảm biên chế nhưng khối lượng công việc ngày càng tăng dẫn đến việc bị quá tải, áp lực lớn (như lĩnh vực giáo dục và y tế). Đặc biệt trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát, áp lực làm việc của đội ngũ nhân viên y tế nặng nề, nguy hiểm, đội ngũ nhà giáo phải thay đổi phương thức dạy - học trong khi trang thiết bị và cơ sở vật chất thiếu thốn nên tạo áp lực cho giáo viên.

Thêm vào đó, môi trường, điều kiện làm việc trong khu vực công ở nhiều đơn vị, địa phương chưa thật sự tạo động lực cống hiến và cơ hội để công chức, viên chức phát huy tốt năng lực...

Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác vì lý do cá nhân như: Sức khỏe không bảo đảm, bản thân muốn thay đổi định hướng, mục tiêu nghề nghiệp, môi trường làm việc; một số phải đối mặt với rủi ro trong thực thi công vụ do hệ thống pháp luật vẫn còn chưa phù hợp với thực tiễn và quá trình hoàn thiện

“Các cơ quan quản lý nhà nước cần nhìn nhận vấn đề này một cách nghiêm túc, công tâm, khách quan; đồng thời xác định đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức để hoàn thiện các chính sách, cơ chế quản lý, điều hành, bố trí, sử dụng hiệu quả đội ngũ công chức, viên chức, cải thiện môi trường làm việc và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức”, báo cáo nêu.

Cải cách chính sách tiền lương

Về giải pháp, Bộ Nội vụ cho biết trước mắt cần làm tốt công tác tư tưởng, động viên công chức, viên chức làm việc ở những vị trí có cường độ lao động cao, áp lực lớn yên tâm công tác; ưu tiên quan tâm trợ giúp, hỗ trợ kịp thời về điều kiện vật chất đối với công chức, viên chức có hoàn cảnh khó khăn, nhất là các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19; có các chính sách hỗ trợ phù hợp, ngoài các chính sách chế độ tiền lương chung của công chức, viên chức.

Giải pháp lâu dài là đề nghị cấp có thẩm quyền và Quốc hội cho thực hiện cải cách chính sách tiền lương để nâng cao thu nhập cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tổ chức bộ máy, biên chế tinh gọn gắn cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm và nâng cao chất ượng đội ngũ gắn với cải cách chính sách tiền lương, tiền thưởng và phúc lợi cho cán bộ, công chức, viên chức.

Đồng thời, sớm xây dựng cơ chế, chính sách thu hút và trọng dụng người có tài năng, các chuyên gia cho các ngành, lĩnh vực cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý thực sự có phẩm chất, trình độ, năng lực và uy tín để tạo niềm tin cho công chức, viên chức làm việc.

Ngoài ra, sớm hoàn thiện cơ chế khuyến khích cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; xây dựng môi trường làm việc năng động, công bằng, dân chủ, thân thiện, đoàn kết, chuyên nghiệp, hiện đại và có cơ chế tạo động lực để công chức, viên chức thể hiện năng lực, trách nhiệm, tận tụy, tâm huyết với công việc...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ Nội vụ: 653 tiến sĩ và hơn 4 nghìn thạc sĩ là công chức, viên chức nghỉ việc