Một người cha rất mực yêu con đã hứa với con gái một ngày cô sẽ trở thành công chúa. Và ông vừa thực hiện ước mơ đó với việc tuyên bố thành lập một vương quốc mới trên sa mạc ở Phi châu.

Bố lập vương quốc ở châu phi cho con gái làm công chúa

Một Thế Giới | 14/05/2015, 09:53

Một người cha rất mực yêu con đã hứa với con gái một ngày cô sẽ trở thành công chúa. Và ông vừa thực hiện ước mơ đó với việc tuyên bố thành lập một vương quốc mới trên sa mạc ở Phi châu.

Jeremiah Heaton, một nông dân ở Virginia, Mỹ, và câu chuyện của con gái ông, bé Emily quả là một chuyện cổ tích ngoài đời thực. Thậm chí, họ đã bán được bản quyền làm phim cho hãng Disney.
“Vua” Heaton đã tới “vùng đất không người” Bir Tawil để cắm lá cờ “vương quốc” của ông hôm 16/6 năm 2014, cũng là sinh nhật bảy tuổi của Emily.
Bo lap vuong quoc o chau phi cho con gai lam cong chua-hinh-anh-1
 Heaton tự xưng vương, phong con gái làm công chúa (Ảnh: Daily Mail)

Heaton, 37 tuổi và đã có ba con, nói: “Tôi đã cố gắng tìm một khu đất không thuộc về quốc gia, bộ lạc hay chính phủ nào, và phát hiện ra Bir Tawil, vùng đất duy nhất trên thế giới chưa ai tuyên bố chủ quyền. Khu đất này không thuộc về Sudan hay Ai Cập, theo các bản đồ của họ trong 100 năm qua, nên đó là nơi lý tưởng để lập quốc”.

Sau khi liên lạc với nhà chức trách Ai Cập, Heaton đã vượt hơn 9.600 km để tuyên bố chủ quyền với “quốc gia” mới rộng 2.000 km2 mà ông đặt tên là Vương quốc Bắc Sudan, cùng lá quốc kỳ do ông tự nghĩ ra, hình ảnh ước lệ của gia đình ông xung quanh một bàn ăn trong nhà hàng.

Heaton đã đệ đơn lên Liên Hiệp Quốc xin quy chế quan sát viên, một tiến trình phức tạp và rất dài, đồng thời đặt đại sứ quán ở Đan Mạch.

“Tôi đã hỏi các con chúng ta nên làm gì với vùng đất đó, và chúng nói chúng muốn trồng một khu vườn lớn để nuôi sống tất cả mọi người trên thế giới”, ông nói, đồng thời khẳng định thời kỳ “trị vì” của ông giờ sẽ tập trung vào việc nghiên cứu để sản xuất nông nghiệp ở một vùng thiếu nước và khô cằn cũng như các giải pháp khác trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

"Công chúa" Emily thì nói cô rất vui vì giờ đã là thành viên của “hoàng gia”. Khi được hỏi tại sao muốn trở thành công chúa, cô nói: “Vì con muốn giúp mọi người”. “Con rất tự hào về bố. Giờ con muốn đất nước có một khu vườn thật lớn để nuôi sống tất cả mọi người”, Emily nói.

Heaton tiết lộ ông đã nhận được sự ủng hộ của chính phủ Ai Cập trong nỗ lực thành lập một cộng đồng mới trên vùng đất “Bắc Sudan”, nơi có lượng mưa chỉ 290 mm mỗi năm.

“Mục tiêu phát triển của chúng tôi nhận được sự ủng hộ từ Ai Cập, nước cũng đang đầu tư mạnh tay vào năng lượng tái tạo, và nguồn nước cũng là vấn đề lớn ở Ai Cập hiện giờ… Xây dựng một đất nước hoàn toàn mới cũng sẽ tạo ra việc làm, và ở Ai Cập giờ tỉ lệ thất nghiệp đang rất cao và nếu chúng tôi có thể giúp họ thì thật tuyệt vời. Tôi chưa trao đổi với Sudan, vì tôi là người Mỹ, với Sudan sẽ mất thời gian hơn vì họ đang phải chịu lệnh cấm vận”, ông cho biết.

Heaton cũng đã khởi động một chương trình gây quỹ trên mạng để hiện thực hóa giấc mơ của mình, và ông hy vọng sẽ huy động được ban đầu là 500 triệu USD, dù chi phí cuối cùng để xây dựng một quốc gia có thể gấp bốn lần số đó.
Bo lap vuong quoc o chau phi cho con gai lam cong chua-hinh-anh-2
 
Bỏ ra 1,75 triệu USD, bạn có thể đặt tên cho thủ đô, trong khi quyên góp 50.000 USD sẽ giúp bạn có cơ hội xuất hiện trên đồng tiền của vương quốc mới.

Tuy nhiên, dự án này cũng nhận nhiều chỉ trích từ các học giả. Các chuyên gia trong khu vực nói trên đài Al Jazeera rằng “không lý nào” Ai Cập hay Sudan có thể cho phép một chương trình như thế trở thành hiện thực.

Tiến sĩ Kathleen Miller, một chuyên gia về xã hội học và môi trường ở Trung tâm quốc gia về nghiên cứu khí quyển, Boulder, Colorado, nói bà chưa biết dự án của Heaton, nhưng cho rằng việc canh tác nông nghiệp ở vùng đất khô cằn này là bất khả thi, vì lượng mưa quá thấp và chất lượng đất quá kém.

Eric Reeves, một chuyên gia về Sudan và giáo sư tiếng Anh ở Đại học Smith, nói năm 1899, nước Anh từng dàn xếp những mâu thuẫn giữa Ai Cập và Sudan. Ai Cập lúc đó vẫn còn tuyên bố chủ quyền với vùng tam giác Hala’im, dù hầu hết các bản đồ thể hiện đó là lãnh thổ Sudan.

Ông Reeves nói: “Việc vùng đất chưa có ai tuyên bố chủ quyền lúc này không nói lên điều gì về tương lai của nó, phụ thuộc hoàn toàn vào quan hệ Sudan-Ai Cập và vào việc có gì giá trị ở đó không. Vương quốc của ông Heaton tồn tại chỉ vì Sudan và Ai Cập chưa thể dàn xếp được bất đồng về lãnh thổ".

"Nếu họ đạt được điều đó, mọi ý tưởng và tầm nhìn của ông Heaton sẽ tan biến. Đây hoàn toàn là một ảo tưởng, và nếu ông Heaton thực sự nghiêm túc nghĩ tới việc tuyên bố chủ quyền với tam giác Hala’im, ông sẽ phải đối mặt với sự thù địch mà ông không thể tưởng tượng được từ phía Sudan”, ông kết luận.

Theo Depplus

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bố lập vương quốc ở châu phi cho con gái làm công chúa