Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) vừa có văn bản trả lời công văn của Văn phòng Chính phủ về phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), do Bộ Xây dựng trình lên.

Bộ KH-ĐT chỉ ra hàng loạt điều bất hợp lý trong phương án cổ phần hóa HUD

Trí Lâm | 01/08/2017, 15:37

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) vừa có văn bản trả lời công văn của Văn phòng Chính phủ về phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), do Bộ Xây dựng trình lên.

Không cần nhà đầu tư chiến lược

Theo Quyết định số 1242/QĐ-BXD ngày 21.11.2016 của Bộ Xây dựng về giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa HUD, tại thời điểm ngày 31.12.2014, giá trị doanh nghiệp của HUD là hơn 10.943 tỉ đồng, trong đó vốn nhà nước hơn 3.405 tỉ đồng.

Theo phương án cổ phần hóa, HUD sẽ cổ phần hóa theo hình thức bán một phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Cơ cấu vốn điều lệ dự kiến như sau: Nhà nước nắm 51%; cổ đông chiến lược nắm 25%; cán bộ công nhân viên nắm 0,31%; nhà đầu tư bên ngoài nắm 23,69%. Mức giá khởi điểm là 10.000 đồng/cổ phiếu. Giá bán cho nhà đầu tư chiến lược được thực hiện theo hình thức thỏa thuận trực tiếp sau khi bán đấu giá công khai, theo mức giá không thấp hơn giá thành công thấp nhất.

Về tỷ lệ vốn nhà nước, Bộ Xây dựng đề xuất HUD tiếp tục nắm giữ 51% vốn nhà nước sau cổ phần hóa vì HUD có rất nhiều nguồn lực về đất đai. Tuy nhiên, căn cứ Danh mục DNNN cổ phần hóa giai đoạn 2016-2020 ban hành kèm Quyết định 58 của Thủ tướng Chính phủ thì HUD thuộc diện Nhà nước giữ dưới 50% vốn điều lệ sau cổ phần. Thế nhưng theo kết luận của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ về việc sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu DNNN thì HUD lại thuộc diện Nhà nước giữ 51% vốn điều lệ đến năm 2019.

Do đó, Bộ KH-ĐT đề nghị Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng bổ sung vào phương án cổ phần hóa về tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại HUD đảm bảo phù hợp với Quyết định 58.

Công văn này dẫn quan điểm đề nghị của Bộ Xây dựng dành 25% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược. Bộ KH-ĐT cho rằng, nhà đầu tư chiến lược là những nhà đầu tư có thể hỗ trợ doanh nghiệp sau cổ phần hóa về chuyển giao công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực tài chính… HUD là doanh nghiệp lớn của Việt Nam về phát triển nhà ở và thị trường bất động sản nên không cần thiết phải có nhà đầu tư chiến lược, do đó Bộ KH-ĐTđề nghị Bộ Xây dựng đấu giá rộng rãi toàn bộ phần vốn nhà nước thoái đợt này nhằm tăng sức hấp dẫn cho lần bán đợt đầu, tránh thất thoát vốn Nhà nước.

Kiểm toán phải vào cuộc trước IPO

Về kiến nghị của Bộ Xây dựng cho phép lấy kết quả xác định giá trị doanh nghiệp này ngày 31.12.2014 để làm căn cứ xác định giá trong IPO, Bộ KH-ĐT cho biết Thông tư 127 của Bộ Tài chính quy định, việc công bố giá trị doanh nghiệp và IPO cách thời điểm xác định giá trị không quá 18 tháng, trừ các trường hợp đặc thù theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Như vậy, trong trường hợp xác định giá của HUD đã quá 29 tháng nên không tránh khỏi khả năng có nhiều biến động về giá trị tài sản. Đặc biệt, HUD là doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực phát triển nhà ở, thị trường bất động sản, việc cổ phần hóa cần thực hiện cẩn trọng, đảm bảo tính đầy đủ giá trị đất đai, tránh thất thoát cho Nhà nước. Bộ KH-ĐT đề nghị Thủ tướng cho phép Kiểm toán Nhà nước vào cuộc rà soát để cập nhật, bổ sung giá trị doanh nghiệp trước khi định giá để cổ phần hóa.

Bộ Xây dựng cũng kiến nghị cho phép gia hạn thời gian bán cổ phần lần đầu của HUD là 120 ngày kể từ khi phương án được phê duyệt. Tuy nhiên, Bộ KH-ĐT cho rằng, theo quy định của Bộ Tài chính, trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày phương án cổ phần hóa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, doanh nghiệp phải hoàn thành việc bán cổ phần lần đầu theo các phương thức đã được duyệt. Do đó, Bộ KH-ĐT đề nghị Bộ Xây dựng thực hiện theo quy định này.

Bộ Xây dựng cũng đề nghị áp dụng phương pháp xác định giá trị chênh lệch quyền sử dụng đất của HUD đã bao gồm chi phí đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật và chi phí giải phóng mặt bằng. Kiểm toán Nhà nước cho rằng phương pháp xác định giá trị nêu trên hiện chưa có hướng dẫn trong văn bản pháp luật nên Bộ KH-ĐT đề nghị Bộ Xây dựng yêu cầu đơn vị tư vấn giải trình thêm về phương pháp này trong thực tiễn.

Cũng theo công văn, tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, các dự án của HUD chưa hoàn thành và một số dự án có trích trước chi phí đầu tư kết cấu hạ tầng để tiếp tục đầu tư hiện đang được hạch toán tại tài khoản chi phí phải trả là hơn 3.797 tỉ đồng. Bộ Xây dựng đề nghị cho HUD tiếp tục dùng nguồn chi phí trích trước này sau khi cổ phần hóa, nếu không dùng hết thì phần chênh lệch còn lại sẽ nộp ngân sách nhà nước.

“Sau khi chuyển thành công ty cổ phần, HUD vẫn phải có trách nhiệm hoàn thành các hạng mục cơ sở hạ tầng để dự án hoàn thành đồng bộ theo quy định”, Bộ Xây dựng nêu. Tuy nhiên, Bộ KH-ĐT cho rằng, từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến nay đã gần 30 tháng và khoản chi phí trích trước này cũng đã dùng một phần vào các hạng mục cam kết. Do vậy, Bộ KH-ĐT đề nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể nội dung này.

Về đề nghị tạm trừ toàn bộ giá trị tài sản tại 22 cơ sở nhà, đất tại Hà Nội với tổng giá trị 19 tỉ đồng do đến nay địa phương chưa có ý kiến chính thức cuối cùng về phương án sử dụng đất của Công ty TNHH MTV Dịch vụ nhà ở và khu đô thị (HUDS). Tuy nhiên, tại Tờ trình số 25/TTr-BXD, UBND TP Hà Nội đã có ý kiến cho phép HUDS tạm giữ lại tiếp tục quản lý, sử dụng 10 cơ sở nhà, đất; thực hiện bàn giao cho thành phố 12 cơ sở nhà, đất đang sử dụng không đúng mục đích được giao. Bộ Xây dựng được đề nghị chỉ đạo tính toán, điều chỉnh theo ý kiến của thành phố.

Hoài Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ KH-ĐT chỉ ra hàng loạt điều bất hợp lý trong phương án cổ phần hóa HUD