Theo thông tin từ Bộ KH-CN, Bộ đã ra thông báo tuyển chọn tổ chức chủ trì và cá nhân chủ nhiệm thực hiện nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia đặt hàng.
Bộ KH-CN đã ra thông báo tuyển chọn tổ chức chủ trì và cá nhân chủ nhiệm thực hiện nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia đặt hàng “Nghiên cứu phát triển du lịch biển đảo bền vững gắn với bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên ở tỉnh Quảng Ngãi và vùng lân cận” bắt đầu từ năm 2021.
Với nhiệm vụ KH-CN nêu trên, Bộ KH-CN yêu cầu kết quả cần đạt được, bao gồm cơ sở dữ liệu về du lịch, văn hóa, thiên nhiên ở tỉnh Quảng Ngãi; Bộ tiêu chí đánh giá mức độ phát triển du lịch biển đảo bền vững. Mô hình về phát triển du lịch biển đảo bền vững gắn với bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên ở tỉnh Quảng Ngãi và mô hình liên kết phát triển du lịch biển đảo bền vững giữa Quảng Ngãi với vùng lân cận được vận hành thử nghiệm.
Báo cáo đề xuất hệ thống các giải pháp khả thi về phát triển du lịch biển đảo bền vững gắn với bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên ở tỉnh Quảng Ngãi và liên kết với vùng lân cận. Bên cạnh đó, xác định rõ nội dung và địa chỉ sử dụng sản phẩm cụ thể của đề tài phục vụ chuyển giao, sử dụng.
Ngoài nhiệm vụ KH-CN nêu trên, lãnh đạo Bộ KH-CN cũng đã phê duyệt danh mục đề tài KH-CN cấp quốc gia đặt hàng “Nghiên cứu phát triển chế phẩm sinh học từ các chủng vi khuẩn tía quang hợp bản địa để cải thiện chất lượng nước, bổ sung dinh dưỡng và phòng bệnh hoại tử gan tụy cấp trong ao nuôi tôm thẻ chân trắng (Penaeus vannamei)” để tuyển chọn thực hiện.
Định hướng mục tiêu tạo được chế phẩm sinh học từ các chủng vi khuẩn tía quang hợp bản địa nhằm giảm thiểu ô nhiễm nước, bổ sung dinh dưỡng và phòng bệnh hoại tử gan tụy cấp trong ao nuôi tôm thẻ chân trắng.
Bộ chủng giống vi khuẩn tía quang hợp không lưu huỳnh (> 5 chủng, từ 2 - 4 loài): có khả năng giảm thiểu COD, H2S, kim loại nặng; có chất lượng dinh dưỡng cao (lipid ³ 20%; PUFA ³ 30% tổng axit béo); có khả năng kháng vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy cấp.
Trên cơ sở mục tiêu đã đề ra, kết quả cần đạt được đối với nhiệm vụ KH-CN này, gồm 1 quy trình tạo sinh khối vi khuẩn tía quang hợp (quy mô 1.000 lít/mẻ), mật độ vi khuẩn 109 CFU/ml; 1 quy trình hướng dẫn sử dụng chế phẩm; 1 hệ thống thiết bị sản xuất chế phẩm vi khuẩn tía quang hợp công suất 1.000 lít/mẻ (kèm theo hồ sơ tính toán thiết kế, lựa chọn, lắp đặt, hướng dẫn vận hành).
Ngoài ra, Bộ KH-CN cũng yêu cầu nhiệm vụ cần đạt được 20.000 lít chế phẩm sinh học dạng dung dịch: mật độ vi khuẩn 109 CFU/ml, tối thiểu 5 chủng, cải thiện chất lượng nước (các chỉ tiêu COD, H2S, kim loại nặng đạt tiêu chuẩn QCVN 02 - 19 : 2014/BNNPTNN Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia), bổ sung dinh dưỡng (đạt lipid ³ 20%; PUFA ³ 30% tổng axit béo), có khả năng phòng bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm thẻ chân trắng và xây dựng được tiêu chuẩn cơ sở...
Theo Bộ KH-CN, phương thức tuyển chọn tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 08/2017/TT-BKHCN ngày 26.6.2017 của Bộ trưởng Bộ KH-CN quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia sử dụng ngân sách Nhà nước.