Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) vừa có báo cáo gửi Chính phủ về việc triển khai xây dựng nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP.HCM.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất chưa đánh thuế nhà, đất thứ 2 tại TP.HCM

H.Đ | 02/03/2023, 06:43

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) vừa có báo cáo gửi Chính phủ về việc triển khai xây dựng nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP.HCM.

Theo Bộ KH-ĐT, đến cuối tháng 2.2023, đã có 16 bộ, ngành gửi văn bản góp ý về dự thảo Nghị quyết, bày tỏ quan điểm thống nhất cao về sự cần thiết phải xây dựng dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54.

Đáng chú ý, đối với đề xuất đánh thuế cao đối với người sở hữu nhà thứ 2, trở lên, báo cáo của Bộ KH-ĐT nêu rõ đây là cơ chế tạo nguồn thu ngân sách cho TP và kết quả thí điểm là cơ sở xem xét áp dụng trên phạm vi rộng hơn.

Tuy nhiên, quá trình lấy ý kiến, tham vấn các đơn vị liên quan cho thấy còn một số vấn đề bất cập. Chẳng hạn, chính sách này không đảm bảo tính công bằng trong nhiều trường hợp. Ví dụ, người có một nhà, đất ở diện tích hoặc giá trị lớn sẽ không bị đánh thuế, trong khi người sở hữu hai nhà, đất ở diện tích, giá trị nhỏ lại chịu thuế cao.

Đề xuất cũng chưa phù hợp với điều kiện thực tế vì các giao dịch mua bán bất động sản chủ yếu thực hiện trên hệ thống văn bản giấy tờ và việc áp dụng công nghệ thông tin vẫn còn hạn chế nên nhiều tổ chức, cá nhân sẽ tìm cách lách thuế bằng cách cho người khác đứng tên.

Các ý kiến góp ý cũng cho rằng cơ chế này còn tác động đến thị trường bất động sản, làm giảm cả cung và cầu thị trường bất động sản trên địa bàn thành phố. Cũng theo Bộ KH-ĐT, hiện có rất ít quốc gia trên thế giới đánh thuế cao đối với việc sở hữu nhà đất thứ hai trở lên. Do đó, cơ quan này đề nghị cân nhắc chưa đưa vào dự thảo Nghị quyết.

Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị chưa đưa chính sách này vào dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54.

Trước đó, tại dự thảo nghị quyết gửi Bộ KH-ĐT hồi đầu tháng 2 và cuối năm 2022, TP.HCM kiến nghị 2 phương án. Bao gồm: tăng thu thuế nhà, đất mà người sở hữu không trực tiếp sử dụng (phương án 1); hoặc thu thuế bất động sản thứ 2 trở lên (phương án 2) như tăng lệ phí trước bạ khi mua, nhận chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên, thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động này, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Cụ thể, là tăng lệ phí trước bạ chuyển nhượng nhà, đất thứ hai lên 2% giá chuyển nhượng (hiện nay là 0,5%).

TP.HCM đề xuất lựa chọn phương án 2 với các ưu điểm có thể xem xét điều chỉnh hành vi đầu cơ nhà đất trên địa bàn để làm cơ sở, tiền đề cho việc ban hành sắc thuế mới. TP.HCM cho rằng việc thí điểm đánh thuế này sẽ hạn chế đầu cơ bỏ hoang nhà, đất trong dự án bất động sản và là cơ sở xây dựng chính sách chung sau này.

Tuy nhiên ý tưởng đánh thuế bất động sản thứ hai nhận được ý kiến trái chiều từ giới chuyên gia. Họ lo ngại việc thí điểm này có thể tác động tới thị trường bất động sản TP.HCM, và tâm lý nhà đầu tư, vốn đang lâm vào cảnh ảm đạm từ nửa cuối năm ngoái.

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 15 đã thông qua Nghị quyết 76 yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 54, đồng thời giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 trong thời gian sớm nhất.

Thủ tướng đã giao Phó thủ tướng Lê Minh Khái trực tiếp chỉ đạo; Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp với TP.HCM và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố.

Quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết, ban soạn thảo, tổ biên tập đã tổ chức 15 cuộc họp, hội thảo với các bộ, ngành và TP.HCM, các chuyên gia, nhà khoa học.

Dự thảo nghị quyết với mục đích xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, góp phần xây dựng và phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất chưa đánh thuế nhà, đất thứ 2 tại TP.HCM