Bộ Giao thông Vận tải (GTVT ) vừa có công văn gửi UBND tỉnh Bình Dương; Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh; Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải về việc cung cấp hồ sơ dự án đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.
Cụ thể, lãnh đạo Bộ GTVT giao Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải khẩn trương cung cấp toàn bộ hồ sơ, kết quả nghiên cứu và các tài liệu liên quan của Dự án cho UBND tỉnh Bình Dương, đồng thời phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Bình Dương trong quá trình triển khai Dự án.
Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh tiếp nhận các hồ sơ, tài liệu, kết quả nghiên cứu của Dự án.
Trước đó, tại thông báo số 96/TB-VPCP ngày 4.4.2022 của Văn phòng Chính phủ có nội dung Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng ý giao UBND tỉnh Bình Dương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai dự án đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành theo hình thức PPP. Dự án nhằm tạo tuyến giao thông trọng điểm, huyết mạch, góp phần kết nối, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Bình Dương với Bình Phước và với vùng Tây Nguyên.
Cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành có tổng chiều dài 68,7 km (đoạn qua TP.HCM khoảng 1,7km, đoạn qua tỉnh Bình Dương khoảng 60km, đoạn qua tỉnh Bình Phước khoảng 7km), bao gồm hai đoạn tuyến.
Đoạn tuyến nối cao tốc dài 8,6km từ nút giao Gò Dưa (vành đai 2 TP.HCM) đến nút giao An Phú (vành đai 3 tỉnh Bình Dương) có tốc độ thiết kế 80 - 100km/h gồm 6 làn xe chạy suốt và 4 làn đô thị 2 bên với bề rộng nền đường từ 60 - 64m .
Đoạn tuyến cao tốc từ nút giao An Phú đến quốc lộ 14 tại Chơn Thành (Bình Phước): giai đoạn hoàn chỉnh, đường cao tốc với tốc độ thiết kế 100 - 120km/h với 6 làn xe, phân kỳ giai đoạn 1 đầu tư 4 làn xe, bề rộng nền 17m.
Tổng mức đầu tư Dự án giai đoạn 1 là 24.274 tỉ đồng (chưa tính lãi vay), trong đó vốn Nhà nước tham gia 12.137 tỉ đồng, vốn nhà đầu tư tư nhân là 12.138 tỉ đồng.