Bộ trưởng Trương Trọng Nghĩa cho biết với chuyện ở Cai Lậy thì người dân tại chỗ không có phản ứng mà chỉ có 7 doanh nghiệp ở địa phương khác phản ứng và có hiện tượng dàn xe tại chỗ để dựng chuyện.
Thực hiện chương trình làm việc, chiều 15.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT)
Theo Vietnamplus, các nội dung liên quan đến công tác thu phí sử dụng dịch vụ; việc lựa chọn nhà đầu tư; công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án... tiếp tục được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên thảo luận.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu ví dụ, có những tuyến đường đã được đầu tư bằng ngân sách, tức là đã dùng tiền thuế của người dân để làm đường, sau đó nhà đầu tư chỉ tráng một lớp lên trên rồi lập trạm thu phí khiến người dân phản ứng.
Ngoài ra, có những tuyến đường có rất nhiều trạm thu phí như từ Hà Nội về Thái Bình chỉ khoảng 100km mà có đến 4 trạm thu phí; lại có những dự án hết thời hạn thu phí ở đường chính, nhà đầu tư mở tiếp đường tránh để thu phí để nhanh hồi vốn. Sự thiếu kiên quyết của cơ quan Nhà nước trong những trường hợp này đã làm ảnh hưởng tới người dân.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh người dân rất đồng thuận với việc thu phí, quan trọng là thu như thế nào để bảo đảm đúng quy định của pháp luật và mức thu như thế nào cho hợp lý. Bên cạnh đó, khoảng cách đặt trạm thu phí cũng cần xem xét lại.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải phân tích theo quy định, cứ 70 km đặt một trạm thu phí. Tuy vậy, theo số liệu của Bộ Giao thông Vận tải, có 88 trạm thu phí thì chỉ có 9 trạm có khoảng cách từ 60 đến 70km, tức là chỉ có 10% được đặt đúng quy định.
"Những trạm không đảm bảo khoảng cách đang ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân như hiện nay thì phương án giải quyết như thế nào," Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải băn khoăn.
Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị Bộ Giao thông Vận tải làm rõ thêm vấn đề được dư luận quan tâm tại Trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang).
Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa phát biểu tại phiên họp
Theo Dân Trí, khi báo cáo giải trình thêm một số vấn đề, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa đề cập trước hết đến sự việc căng thẳng đang diễn ra tại Cai Lậy. Theo ông, đây là dự án điển hình có nhiều cái khó mà địa phương, Bộ Giao thông phải giải quyết nhiều vấn đề thời gian qua.
“Tuyến tránh Cai Lậy có 21km nằm trên Quốc lộ 1 cộng với phần đường tránh. Đoạn nằm trên Quốc lộ 1 thì ngoài việc nâng cấp, cải tạo mặt đường ra, còn phải xử lý 14 cái cầu. Dự án thì được làm trước hết vì nhu cầu của địa phương. Bộ Giao thông đã cho tìm hiểu, lấy đầy đủ các ý kiến, từ HĐND đến đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đảng, chính quyền, hiệp hội vận tải...” – ông Nghĩa khẳng định.
Bộ trưởng Giao thông giải thích, xảy ra sự việc, mọi người thường nghĩ tới vấn đề này kia ở nhà đầu tư nhưng thực tế cần nhìn nhận công bằng hơn, trước hết đó phải là trách nhiệm của địa phương và Bộ Giao thông.
“Thậm chí trưa nay tôi còn nhận được cuộc điện thoại nói phải thanh tra, điều tra ngay dự án này. Dư luận cứ nghĩ nhà đầu tư có đó vấn đề gì nhưng không phải, trách nhiệm trước hết của chúng tôi” – Bộ trưởng Nghĩa phân trần.
Ông Nghĩa thông tin, thực tế tại Tiền Giang, Hiệp hội vận tải, người địa phương không có ý kiến gì. Chỉ có 7 doanh nghiệp ở địa phương khác phản ứng. Bộ trưởng Giao thông đề cập hiện tượng có người tổ chức dàn hàng xe dừng ở trạm thu phí để gây tắc đường, cuối cùng trạm phải tháo khoán để giải toả ách tắc.
Sở GTVT tỉnh Tiền Giang đề cập nhóm 'bạn hữu đường xa'
Theo Zing, sáng cùng ngày, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, ôngTrần Văn Bon ký công văn số 1754, gửi Bộ GTVT để báo cáo tình hình tại BOT Cai Lậy. Theo báo cáo, sau khi trạm Cai Lậy đưa vào hoạt động hơn một tuần, ngày 9.8, có 14 ôtô gắn logo "Bạn hữu đường xa" chạy chậm từ hướng Mỹ Thuận về Trung Lương, tạo thành đoàn nối đuôi vào trạm để phản đối giá vé và vị trí đặt trạm.
Đến chiều 13.8, nhiều tài xế sử dụng tiền lẻ qua trạm đã gây ùn tắc giao thông kéo dài trên quốc lộ 1 và đường tránh thị xã Cai Lậy khoảng 3 km. Trước tình hình này, BOT Tiền Giang cho xả trạm nửa giờ. Đến 20h, trạm Cai Lậy tiếp tục kẹt xe, buộc phải xả trạm lần 2 đến 0h ngày 14.8.
16h20 ngày 14.8, có khoảng 35 tài xế của nhóm "Bạn hữu đường xa" chạy xe chậm vào trạm Cai Lậy và dùng tiền lẻ mua vé. Do tài xế kiểm đếm tiền lẻ thật lâu khiến cho hàng trăm ôtô bị ùn tắc kéo dài hơn 1 km về hướng thị xã Cai Lậy.
BOT Tiền Giang sau đó xả trạm Cai Lậy và đóng lại sau vài phút giải tỏa ách tắc giao thông. Tuy nhiên, tình trạng kẹt xe tiếp tục diễn ra khi có khoảng 20 người tụ tập quanh trạm để la hét nên BOT Cai Lậy xả trạm đến sáng 15.8.
"6h ngày 15.8, nhà đầu tư triển khai thu giá trở lại thì có một nhóm người quá khích cản trở. Nhà đầu tư tiếp tục xả trạm, trích xuất dữ liệu camera, cung cấp thông tin phương tiện có hoạt động chống đối bằng cách đưa tiền mệnh giá thấp hay gây khó khăn cho công tác thu giá, gửi đến công an", báo cáo của Sở GTVT Tiền Giang nêu.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới về việc này, Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, hiện nay chưa có bất kỳ một quy định pháp luật nào quy định là người dân không được bỏ tiền lẻ trong ống nhựa để thanh toán tiền khi qua trạm thu phí giao thông.
Theo vị này, về nguyên tắc pháp luật không cấm thì người dân được làm. Do vậy, rất khó có căn cứ để xử lý tài xế về hành vi này.
Cũng theo ông Hùng, việc nhân viên trạm thu phí ghi hình tài xế và giao cho công an cũng không trái quy định. “Quan trọng là nhân viên miễn không được ghi hình ảnh của tài xế để xúc phạm nhân phẩm, nhân thân mà pháp luật bảo vệ cho mọi người”.
“Nếu ghi hình vì những mục đích làm ảnh hưởng đến tài xế thì tài xế có quyền khởi kiện yêu cầu chấm dứt và bồi thường, xử lý. Nếu việc anh ghi hình, tố cáo tài xế không đúng, không có căn cứ thì tài xế có quyền tố cáo nhân viên có hành vi vu khống để được cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định”, ông Hùng nhấn mạnh.
PV