Chiều 27.12 Bộ GD-ĐT đã họp báo công bố chương trình giáo dục phổ thông mới gồm Chương trình tổng thể và 27 chương trình môn học, hoạt động giáo dục.
Giảm số môn học, tiết học ở toàn bộ các cấp
Theo chia sẻ của đại diện Bộ GD-ĐTcho biếtchương trình giáo dục phổ thông mới đã kế thừa và phát triển những ưu điểm của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, đồng thời khắc phục những bất cập của chương trình này.
Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại và các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học, giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực mà nhà trường và xã hội kì vọng.
So với chương trình hiện hành, chương trình giáo dục phổ thông mới phân biệt rõ hai giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).
Hệ thống môn học của chương trình mới gồm có môn bắt buộc và môn tự chọn. Ở tiểu học, lớp 1 và lớp 2 có 7 môn học; lớp 3 có 9 môn học; lớp 4 và lớp 5 có 10 môn học. Trong chương trình hiện hành, lớp 1, lớp 2 và lớp 3 có 10 môn học; lớp 4 và lớp 5 có 11 môn học.
Như vậy số môn học của chương trình mới giảm so với chương trình hiện hành. Ở chương trình mới của các lớp ở THCS số môn học cũng giảm. Trong chương trình hiện hành, lớp 6 và lớp 7 có 16 môn học; lớp 8 và lớp 9 có 17 môn học, còn chương trình mới sẽ chỉ còn 12 môn học. Chương trình mới của các lớp THPT đều có 12 môn học (trong khi chương trình hiện hành, lớp 10 và lớp 11 có 16 môn học; lớp 12 có 17 môn học).
Về thời lượng tiết học ở tiểu học cũng được giảm xuống còn 2 buổi/ngày(9 buổi/tuần), tính trung bình học sinh học 1,8 giờ/lớp/buổi học. Ở THCS, học sinh học 3.070 giờ. Cấp THPT, học sinh học 2.284 giờ, trong khi chương trình hiện hành, học sinh ban cơ bản học 2.546 giờ.
Theo Bộ GD-ĐT, tuy chương trình mới có thực hiện giảm tải so với chương trình hiện hành nhưng những tương quan về thời lượng dạy học giữa các môn học không có sự xáo trộn.
Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông, Bộ GD-ĐT cho biết, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ triển khai với lớp 1 trên toàn quốc từ năm học 2020-2021
Bộ GD-ĐT đặt mục tiêu chính là sựphát triển năng lực học sinh
Cũng theo chia sẻ của Bộ GD-ĐT, chương trình các môn học phổ thông cũng sẽ có nhiều thay đổi, đặc biệt là các hoạt động trải nghiệm sẽ là chương trình bắt buộc ở tất cả các cấp học. "Chương trình GDPT mới, bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc, đồng thời trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương và nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, của cơ sở giáo dục, góp phần bảo đảm kết nối hoạt động của nhà trường với gia đình, chính quyền và xã hội" - Bộ GD-ĐT thông tin
Cũng theo Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên của chương trình cũng khẳng định các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông mới có nội dung gắn với mỗi cấp học và những yêu cầu cần đạt cụ thể.
Chương trình tập trung phát triển năng lực học sinh, trong đó, năng lực là sự kết hợp tố chất, phân hóa phát triển kỹ năng của học sinh. Các chương trình đều tập trung vì năng lực là sự kết hợp giữa tố chất sẵn có và quá trình rèn luyện, học tập nên các chương trình đều đáp ứng yêu cầu phân hóa ở những mức độ khác nhau để phát triển tiềm năng của mỗi học sinh.
Về hệ thống môn học, trong chương trình mới chỉ có một số môn học và hoạt động giáo dục mới hoặc mang tên mới là: Tin học và công nghệ, Ngoại ngữ, hoạt động trải nghiệm ở cấp tiểu học; Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên ở cấp THCS; Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục kinh tế và pháp luật ở cấp THPT; hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở các cấp THCS, THPT.
Ở cấp THCS, môn Khoa học tự nhiên được xây dựng trên cơ sở tích hợp kiến thức của các ngành vật lý, hóa học, sinh học và khoa học trái đất; môn Lịch sử và Địa lý được xây dựng trên cơ sở tích hợp kiến thức của các ngành lịch sử, địa lý.
Về phương pháp giáo dục, chương trình mới định hướng phát huy tính tích cực của học sinh, khắc phục nhược điểm của phương pháp truyền thụ một chiều. Từ nhiều năm nay, Bộ GD-ĐT đã phổ biến và chỉ đạo áp dụng nhiều phương pháp giáo dục mới (như mô hình trường học mới, phương pháp bàn tay nặn bột, giáo dục STEM,…); do đó, hầu hết giáo viên các cấp học đã được làm quen, nhiều giáo viên đã vận dụng thành thạo các phương pháp giáo dục mới.
Dạ Thảo