Ngày 26.4 tới, Bộ Công Thương sẽ cử đoàn kiểm tra tới Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa để kiểm tra thực tế tại các khu vực sản xuất, xử lý chất thải và làm việc với lãnh đạo doanh nghiệp này.
Theo báoDân trí, ngày22.4, Bộ Công Thương đã phát đi công văn hỏa tốc tới Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa về việc cử đoàn công tác đến doanh nghiệp này làm việc về tình hình sản xuất, bảo vệ môi trường.
Thành phần đoàn công tác gồm có Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp làm trưởng đoàn; lãnh đạo Tổng cục Năng lượng; lãnh đạo Vụ Công nghiệp nặng; lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Hà Tĩnh.
Thời gian làm việc sẽ bắt đầu từ 8 giờ30ngày 26.4, trong đó sẽ bao gồm kiểm tra thực tế tại các khu vực sản xuất, xử lý chất thải. Sau đó, đoàn sẽ làm việc với lãnh đạo công ty tại văn phòng.
Trong công văn này, Bộ Công Thương cũng đề nghị phía Tập đoànHưng Nghiệp Formosa chuẩn bị tài liệu và bố trí lãnh đạo làm việc với đoàn công tác.
Khu liên hợp Formosa Hà Tĩnh là một trong nhiều dự án mà Formosa đầu tư vào Việt Nam. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án này khoảng 10 tỉUSD, bao gồm khu liên hợp sản xuất thép, nhiệt điện và cảng nước sâu tại khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh). Sau khi hoàn thành, đây dự kiến sẽ là một trong những khu liên hợp gang thép lớn nhất Đông Nam Á.
Sau nhiều tai tiếng liên quan đến xây dựng trái phép, sập giàn giáo... thì mới đây, dự án này lại dính nghi án lùm xùm xả thải ra môi trường. Hồi đầu tháng 3, lực lượng công an tỉnh Hà Tĩnh đã bắt tại trận và lập biên bản với hai xe ben đổ trộm hàng tấn chất thải gồm chai lọ, cao su, sắt thép, nhiều thùng chứa hóa chất... xuống khu đất sát đường thuộc phường Kỳ Liên, thị xãKỳ Anh, Hà Tĩnh.
Sau đó, Sở Tài nguyên Môi trường Hà Tĩnh cũng đã khẳng định sẽ thành lập đoàn công tác về làm việc với chính quyền địa phương và chủ đầu tư dự án để giải quyết việc đổ rác thải công nghiệp ra môi trường.
Vụ việc chưa kịp lắng xuống thì mới đây, trước hiện tượng cá biển dọc bờ biển miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế chết hàng loạt, dư luận tiếp tục nghi ngờ biển Vũng Áng bị nhiễm độc và có liên quan đến nguồn nước thải từ khu công nghiệp chưa được xử lý.
Nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng về sự cố này. Sự cố đã gây xáo trộn đời sống của các ngư dân ven biển miền Trung, đặc biệt là hoạt động kinh tế khai thác, tiêu thụ cá biển, cá nuôi cũng như dịch vụ du lịch ở những khu vực này.
Trong một diễn biến liên quan, hôm nay, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã có công văn chỉ đạo Bộ Tài nguyên -Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp -Phát triển Nông thôn, Ủy ban nhân dân (UBND) 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc cá chết bất thường tại các tỉnh ven biển miền Trung.
Theo Bích Diệp/Dân trí
Chú thích ảnh:Dư luận nghi ngờ vụ việc cá chết dọc bờ biển miền Trung có liên quan đến nhiễm độc từ Vũng Áng