Theo Bộ Công an, ông Phạm Hải Cảng, đội trưởng đội CSGT số 2, Công an Đồng Nai đã gọi điện can thiệp không xử lý 10 phương tiện vi phạm; ông Phan Cẩm Tú, Phó đội trưởng đội CSGT số 1, gọi điện can thiệp không xử lý 6 phương tiện vi phạm. Tổng cộng là can thiệp 16 phương tiện vi phạm.
Bộ Công an vừa tổ chức họp báo thông báo kết quả công tác công an năm 2019 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020 và thông tin nhiều vấn đề “nóng” được dư luận quan tâm.
Theo Báo cáo của Bộ Công an, năm 2019, lực lượng công an đã điều tra, khám phá gần 41.000 vụ phạm pháp hình sự, đạt tỉ lệ hơn 81%, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao gần 12%; đã kéo giảm 7,39% số vụ tội phạm về trật tự xã hội.
Qua đó, tạo chuyển biến tích cực về trật tự, an toàn xã hội. Lực lượng Công an cũng tập trung hoàn tất điều tra phục vụ truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, tạo môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về vụ án liên quan đến 6 bị can “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài” xảy ra tại Hà Nội và các địa phương khác, trong đó có cả người Trung Quốc, có liên quan gì đến vụ 39 nạn nhân thiệt mạng ở nước Anh hay không, Thiếu tướng Lý Anh Dũng, Cục trưởng Cục An ninh điều tra, Bộ Công an cho biết, vụ án đã đi vào giai đoạn kết thúc, qua điều tra vụ án này chưa có tài liệu, chứng minh các đối tượng này liên quan đến đường dây tổ chức cho công dân Việt Nam sang Anh khiến 39 người thiệt mạng. Vụ án 39 người thiệt mạng ở Anh nằm trong đường dây khác.
Thông tin về việc Nguyễn Quang Huy sau khi trốn truy nã vẫn vào được cơ quan nhà nước và giữ chức Chánh Văn phòng Tòa án nhân dân huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình, Thiếu tướng Lý Anh Dũng cho biết, hiện nay cơ quan an ninh điều tra địa phương này đã chính thức phục hồi điều tra đối với hành vi phạm tội của Nguyễn Quang Huy về tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng của an ninh quốc gia theo Luật 2015.
Đồng thời công an tỉnh cũng thành lập đoàn thanh tra để làm rõ những dấu hiệu sai phạm của cán bộ công an trong thực hiện quyết định truy nã cũng như tổ chức truy nã. Tuy nhiên sự việc đã xảy ra 27 năm, hiện nay công an Hòa Bình đang tích cực điều tra, khi có thông tin chúng tôi sẽ trả lời sớm cho cơ quan báo chí.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc có hay không Cảnh sát giao thông Đồng Nai bị tố “bảo kê”, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Hiếu, Phó chánh Thanh tra Bộ Công an cho biết, qua xác minh về vụ việc này xác định ông Phạm Hải Cảng, đội trưởng đội CSGT số 2, Công an Đồng Nai đã gọi điện can thiệp không xử lý 10 phương tiện vi phạm. Thứ hai là ông Phan Cẩm Tú, Phó đội trưởng đội CSGT số 1, gọi điện can thiệp không xử lý 6 phương tiện vi phạm. Tổng cộng là can thiệp 16 phương tiện vi phạm.
Cũng theo Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Hiếu, việc phản ánh về cán bộ, chiến sĩ CSGT Đồng Nai bị "trù dập" khi tố cấp trên bảo kê xe quá tải là không chính xác. Trong năm 2019, CSGT Đồng Nai đã luân chuyển 72 cán bộ, chiến sĩ. Việc điều chuyển được thực hiện theo quy định.
Về thông tin việc quyết toán, chi trả một số khoản tiền bồi dưỡng, tiền chế độ của Đội CSGT số 2 Công an tỉnh Đồng Nai không đúng quy định, có dấu hiệu ăn chặn, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Hiếu cho biết có hai khoản tiền.
Thứ nhất là tiền chế độ cán bộ, chiến sĩ khoảng 1,4 tỉ khi nhận về đã không được cấp phát mà giữ lại để sử dụng chung vào các mục đích trả tiền điện nước, thăm hỏi hiếu, hỷ… Khoản thứ hai có sai phạm trong sử dụng là 63 triệu đồng tiền bồi dưỡng tham gia kiểm dịch.
Trung tá Phạm Hải Cảng quản lý 27 triệu, 2 cán bộ khác là Trần Quang Giang và Dương Đình Thông đã nhận tiền kiểm dịch nhưng không phát cho cán bộ mà giữ lại sử dụng chung cho đơn vị. Thanh tra đã đề nghị lãnh đạo Bộ Công an giao đơn vị kiểm tra, xác minh cụ thể hơn để có kết luận chính thức.
Lam Thanh