Trâu là con vật quen thuộc với người dân Việt Nam tự cổ xưa đến nay. Lịch sử trung đại ghi nhận nhà Lý là triều đại chịu khó bảo vệ trâu giúp dân chúng ấm no. Thậm chí, việc bảo vệ trâu được coi là quốc sách.

Biết bảo vệ trâu, nhà Lý mới tạo ra kỳ tích phá Tống, phạt Chiêm

02/07/2017, 08:14

Trâu là con vật quen thuộc với người dân Việt Nam tự cổ xưa đến nay. Lịch sử trung đại ghi nhận nhà Lý là triều đại chịu khó bảo vệ trâu giúp dân chúng ấm no. Thậm chí, việc bảo vệ trâu được coi là quốc sách.

Thời Lý có thể coi là lúc các bậc cầm quyền chịu khó bảo vệ trâu nhất. Sự kiện đầu tiên liên quan đến trâu ở nhà Lý phải là câu chuyện được Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Khi vua (Lý Thái Tông) mới sinh, ở phủ Trường Yên có con trâu của nhà dân tự nhiên thay sừng khác, người ấy cho là điềm không lành, lấy làm lo. Có người giỏi chiêm nghiệm đi qua nhà ấy cười mà nói: "Đó là điềm đổi mới, can dự gì đến nhà anh".

Thời xưa thì với mỗi vua hiền sinh ra là thường kèm theo những câu chuyện dị thường kiểu chém rắn trắng (Lưu Bang), thấy rồng dưới sông (vua Đinh Tiên Hoàng) hay sét đánh thành chữ (vua Lý Thái Tổ). Thế nên việc trâu đổi sừng khi vua Lý Thái Tông ra đời cũng chẳng phải là điều gì lạ cả. Có cái lạ ở đây là theo mô típ xưa thì khi có sự lạ, người ta thường diệt đi cho yên tâm nhưng con trâu đổi sừng gắn với vua Lý Thái Tông chẳng nhũng không bị giết mà còn được cho là điềm lành. Từ đó suy ra, vị vua mới góp phần quan trọng xây dựng nước Việt bền vững là người bảo vệ trâu.

Thực vậy, mùa thu, tháng 7 (1042), (vua Lý Thái Tông) xuống chiếu kẻ nào ăn trộm trâu của công thì xử 100 trượng, 1 con phạt thành 2 con. Tại sao vua thứ 2 triều Lý lại lo cho con trâu. Ngoài lòng nhân của các vua Lý vốn tin Phật pháp thì đây còn là chuyện gốc rễ nước nhà. Vua Lý Thái Tông là người thông minh, thừa hiểu dân chúng no ấm để quốc gia cường thịnh hay không thì trước hết họ phải no bụng và muốn no bụng thì phải lo sản xuất nông nghiệp. Vua Lý Thái Tông là người đi đầu trong việc xuống ruộng cày cùng dân.

Đại Việt sử ký toàn thư chép: Mùa xuân, tháng 2 (1038), vua ngự ra cửa Bố Hải cày ruộng tịch điền. Sau Hữu ty dọn cỏ đắp đàn. Vua thân tế Thần Nông, tế xong tự cầm cày để làm lễ tự cày. Các quan tả hữu có người can rằng: "Đó là công việc của nông phu, bệ hạ cần gì làm thế?" Vua nói: "Trẫm không tự cày thì lấy gì làm xôi cúng, lại lấy gì cho thiên hạ noi theo?" Nói xong đẩy cày ba lần rồi thôi.

Sử gia Ngô Sỹ Liên đánh giá rất cao hành động này khi viết: "Thái Tông không phục lễ cổ, tự mình cày ruộng tịch điền để nêu gương cho thiên hạ trên để cúng tông miếu, dưới để nuôi muôn dân, công hiệu trị nước dẫn đến dân đông, của giàu, nên thay!".

Cái tinh thần bảo vệ sức cấy để phát triển nông nghiệp nước nhà được các vua Lý thời sau chấp hành rất triệt để. Đại Việt sử ký toàn thư chép: Tháng 2 (1117 - thời vua Lý Nhân Tông, vua thứ 4 nhà Lý), định rõ lệnh cấm giết trộm trâu. Hoàng thái hậu (Ỷ Lan) nói: "Gần đây ở kinh thành, hương ấp, có nhiều người trốn tránh, lấy việc ăn trộm trâu làm nghề nghiệp, trăm họ cùng quẫn, mấy nhà cày chung một con trâu. Trước đây, ta đã từng nói đến việc ấy nhà nước đã có lệnh cấm. Nay giết trâu lại càng nhiều hơn trước". Bấy giờ vua xuống chiếu kẻ naò mổ trộm trâu thì phạt 80 trượng, đồ làm khao giáp, vợ xử 80 trượng, đồ làm tang thất phụ và bồi thường trâu; Láng giềng biết mà không tố cáo, phạt 80 trượng.

Mùa hạ, 1123, vua Lý Nhân Tông lại cấm giết trâu. xuống chiếu rằng: "Trâu là vật quan trọng cho việc cày cấy, làm lợi cho người không ít. Từ nay về sau ba nhà làm một bảo, không được giết trâu ăn thịt, ai làm trái thì trị tội theo hình luật".

Không chỉ lo bảo vệ đàn trâu Việt, vua quan nhà Lý rất tích cực trong việc bắt trâu nước khác. Đại Việt sử ký toàn thư chép: Mùa xuân 1060 (thời vua Lý Thái Tông), châu mục Lạng Châu là Thân Thiệu Thái đi bắt những binh lính bỏ trốn vào đất Tống, bắt được chỉ huy sứ là Dương Bảo Tài và quân lính, trâu ngựa đem về. Hay năm 1119, vua (Lý Nhân Tông) tự làm tướng đánh động Ma Sa, phá tan được, bắt được bọn động trưởng Ngụy Bàng vài trăm người, lấy được vàng lụa trâu dê không kể xiết.

Bắt ngựa để dùng làm ngựa chiến chống lại giặc thì ai cũng biết nhưng bắt trâu không chỉ để làm lương thực mà còn phá nền nông nghiệp của địch và củng cố cho nền nông nghiệp của ta. Các xứ đến triều cống nhà Lý thường phải mang cả trâu tốt dê béo. Ngoài mặt thì việc cống này để cho việc cúng thái lao (dâng trâu dê lợn) nhưng trong đó còn có cả việc lựa trâu để tạo ra những giống trâu tốt ở nước ta.

Cũng chính vì biết chăm lo nền nông nghiệp, ý thức từ những việc cốt lõi như bảo vệ trâu, bảo vệ sức kéo hay xa hơn là bảo vệ nền sản xuất cơ bản của nước nhà mà các vua đầu triều Lý đều được coi là minh quân. Nếu không có một nền nông nghiệp vững chắc, một xã hội no ấm thì nhà Lý không thể nào trở thành triều đại đầu tiên có được nền móng trăm năm trong lịch sử nước ta. Nếu không có một nền sản xuất dồi dào và lòng người quy tụ, nhà Lý không thể nào tạo ra những cuộc chiến thần thánh như bắc Phạt đánh sang đất Tống, trừng phạt ý đồ xâm lăng của Chiêm Thành.

Anh Tú

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Biết bảo vệ trâu, nhà Lý mới tạo ra kỳ tích phá Tống, phạt Chiêm