TP.HCM vừa phát hiện biến thể XBB.1.16 của Omicron. Đây là biến thể phụ đang gây ra làn sóng dịch COVID-19 tại Ấn Độ. Vậy biến thể XBB.1.16 này như thế nào và có thực sự nguy hiểm?

Biến thể XBB.1.16 xuất hiện ở TP.HCM: Liệu COVID-19 có bùng phát?

Hồ Quang | 27/04/2023, 15:00

TP.HCM vừa phát hiện biến thể XBB.1.16 của Omicron. Đây là biến thể phụ đang gây ra làn sóng dịch COVID-19 tại Ấn Độ. Vậy biến thể XBB.1.16 này như thế nào và có thực sự nguy hiểm?

Chưa có bằng chứng biến thể XBB.1.16 làm gia tăng số ca bệnh nặng

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, mở cửa giao thương, du lịch bình thường với thế giới, việc ghi nhận biến thể mới trong cộng đồng đã nằm trong kế hoạch phòng chống COVID-19 của nước ta.

bien-the-xbb.1.16-xuat-hien-o-tphcm-lieu-covid-19-co-bung-phat-thanh-dich-hinh-anh(1).png
Biến thể XBB.1.16 của Omicron - Ảnh: PV

Tuy nhiên, theo Sở Y tế TP.HCM, thời gian gần đây TP phát hiện đồng loạt nhiều biến thể phụ mới của Omicron đang thịnh hành trên thế giới. Đây là nguyên nhân khiến số ca mắc mới COVID-19 tăng, nhất là biến thể phụ XBB.1.16 vừa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào nhóm biến thể cần được theo dõi. Biến thể phụ XBB.1.16 đã xuất hiện tại nhiều quốc gia và đang góp phần vào làn sóng ca mắc tăng cao ở Ấn Độ.

Đề cập đến biến thể XBB.1.16, ThS-BS Lương Chấn Quang - Phó trưởng khoa Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật thuộc Viện Pasteur TP.HCM cho biết, vi rút SARS-CoV-2 luôn đột biến trong suốt quá trình lây lan, hình thành các biến thể mới trên toàn cầu. Hiện tại, biến thể Omicron vẫn đang chiếm ưu thế trên thế giới. Các biến thể mới được thông báo gần đây đều là các phân nhóm phụ trong nội bộ biến thể Omicron này.

Biến thể XBB.1.16 là một phân nhóm phụ của biến thể Omicron được ghi nhận lần đầu vào tháng 1.2023, sau đó trở thành tác nhân chính trong số ca mắc mới ở Ấn Độ và nay đã ghi nhận ở hơn 33 quốc gia.

Biến thể XBB.1.16 được đánh giá là nguyên nhân gây gia tăng số mắc mới hiện nay. Các dữ liệu báo cáo từ Ấn Độ cho thấy, dù biến thể XBB.1.16 chiếm ưu thế, nhưng chưa ghi nhận bằng chứng chúng làm gia tăng số ca bệnh nặng so với các biến thể trước đây tại nước này. Tổ chức Y tế Thế giới đã xếp XBB.1.16 vào nhóm biến thể đáng quan tâm với nguy cơ rủi ro tổng thể thấp.

Chia sẻ về điều này, bác sĩ Trương Hữu Khanh - chuyên gia về dịch tễ học tại TP.HCM cho rằng, việc TP phát hiện biến thể phụ XBB.1.16 không có gì phải đáng lo ngại. Đây là biến thể đã xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới.

"Khi có một biến thể mới thì nó sẽ lây lan nhanh hơn biến thể cũ. Việc biến thể XBB.1.16 lây lan nhanh thì sẽ kết thúc nhanh. Các nhà khoa học đã chứng minh, biến thể XBB.1.16 có độc lực không mạnh hơn so với những biến thể khác. Thật ra, bây giờ có nhiều ca mắc COVID-19 hơn so với những tháng đầu năm là do chúng ta xét nghiệm, còn trước đó có khả năng không làm xét nghiệm”, bác sĩ Khanh chia sẻ.

Thời điểm này COVID-19 không thể bùng phát

Theo bác sĩ Khanh, hiện nay TP đã có miễn dịch cộng đồng, biến thể XBB.1.16 chỉ “quét” từ 4 đến 5 tuần là đi xuống trở lại. Số ca nặng nhập viện do mắc COVID-19 trong những ngày gần đây tăng không đáng kể so với số ca sốt siêu vi. Trẻ bị viêm phế quản nhập viện còn cao hơn số ca mắc COVID-19 nhập viện trong những ngày gần đây.

“Có thể trong thời gian tới, số ca mắc COVID-19 tăng cao, số ca nhập viện nhiều hơn nhưng không đáng lo ngại. Thời điểm này COVID-19 không thể bùng phát. Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận một thực tế, người mắc bệnh COVID-19 cũng như người bị bệnh nặng sẽ không bao giờ hết. Giờ là lúc chúng ta xem bệnh COVID-19 như là một bệnh siêu vi”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh.

Số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam có sự gia tăng trong thời gian qua và đã ghi nhận sự hiện diện của biến thể XBB.1.16. ThS.BS Lương Chấn Quang nhận định, có thể biến thể này sẽ phổ biến ở nước ta trong thời gian tới, tương tự tình hình chung trên thế giới.

“Ngành y tế đang theo dõi sát diễn biến COVID-19 cũng như sự thay đổi của các biến thể để có những ứng phó thích hợp và kịp thời”, bác sĩ Quang cho biết.

Theo bác sĩ Quang, hiện các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt mà ta đang duy trì đã chứng minh tính hiệu quả trong chống dịch lẫn phát triển kinh tế.

“Trước bối cảnh xâm nhập biến thể XBB.1.16, và dù là biến thể nào khác trong tương lai, chúng ta không quá lo sợ, nhưng cũng không được chủ quan. Mỗi cá nhân chủ động thực hiện phòng ngừa bằng V2K (tiêm vắc xin, khẩu trang và khử khuẩn) sẽ giúp mỗi cá nhân và gia đình tránh được bệnh, góp phần vào công cuộc phòng chống dịch chung của cả cộng đồng”, bác sĩ Quang khuyến cáo.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Biến thể XBB.1.16 xuất hiện ở TP.HCM: Liệu COVID-19 có bùng phát?