Trung Quốc đang phải tăng cường các biện pháp chống dịch COVID-19 “nhập ngược” từ nước ngoài, nhất là từ Nga, sau sự gia tăng số người Trung Quốc nhập cảnh bị nhiễm COVID-19 ở một thành phố nhỏ vùng biên giới Trung-Nga.

Biên giới Nga trở thành 'tuyến đầu phòng dịch' COVID-19 của Trung Quốc

14/04/2020, 20:51

Trung Quốc đang phải tăng cường các biện pháp chống dịch COVID-19 “nhập ngược” từ nước ngoài, nhất là từ Nga, sau sự gia tăng số người Trung Quốc nhập cảnh bị nhiễm COVID-19 ở một thành phố nhỏ vùng biên giới Trung-Nga.

Nhân viên y tế cùng lính biên phòng Trung Quốc ở Tuy Phân Hà - Ảnh: Daily Mail

Đại dịch COVID-19 bùng phát từ thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc) hồi cuối năm 2019, xem ra đã suy giảm trong vài tuần qua, nhưng vẫn hoành hành ở nhiều quốc gia, với hơn 1,8 triệu người nhiễm và 114.000 người chết trên toàn thế giới.

Tính đến ngày 14.4, Nga có tổng cộng 18.328 ca nhiễm và 148 người chết, còn Trung Quốc có tổng cộng 82.160 ca nhiễm và 3.341 người chết.

Ngoài ra, Trung Quốc có 1.378 ca nhiễm “nhập ngược”, tức những ca nhiễm ghi nhận ở người Trung Quốc từ nước ngoài trở về. Điều này dẫn đến sự lo ngại một đợt nhiễm dịch mới, có thể khiến kế hoạch khôi phục cuộc sống bình thường của Bắc Kinh bị “vỡ trận”, sau 4 tháng tiến hành “Chiến tranh nhân dân chống dịch COVID-19”.

Vùng biên giới Nga trở thành “tuyến đầu phòng dịch” của Trung Quốc

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), trong số các ca nhiễm “nhập ngược” ngày 12.4 có 243 ca nhiễm là người dân Tuy Phân Hà, một thị trấn 70.000 dân, thuộc vùng biên giới đông bắc Trung Quốc, giáp vùng Primorsky Krai của Nga. Đấy là chưa kể 103 “người mang dịch thầm lặng” hay chính xác là những người bệnh không có triệu chứng nhiễm.

Theo chính quyền Trung Quốc, một nửa số ca nhiễm “nhập ngược” hôm 12.4 là công dân Trung Quốc từ (Nga) về Tuy Phân Hà. Lãnh sự quán Trung Quốc ở Vladivostok đã khuyến cáo công dân nước mình chớ chọn tuyến đường Moscow-Vladivostok-Tuy Phân Hà để về nước, “vì có nguy cơ cao nhiễm dịch”, và chớ tìm đường về vùng Primorsky Krai, vì cửa khẩu ở đây đã đóng.

Cơ quan ngoại giao này cũng yêu cầu công dân Trung Quốc nếu không thể có đường về khác thì nên ở yên tại Vladivostok, chấp nhận cách ly 14 ngày có giám sát: “6 người Trung Quốc đã cách ly ở đó từ ngày 9 đến 11.4. Điều kiện y tế ở Primorsky Krai bị hạn chế, không có khâu kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm coronavirus. Nếu xảy ra chuyện gi thì không thể có chẩn đoán hoặc chữa trị kịp thời”.

Theo Reuters, Tuy Phân Hà và Cáp Nhĩ Tân (thành phố chính của tỉnh Hắc Long Giang) đã áp biện pháp cách ly 28 ngày, xét nghiệm COVID-19 đối với tất cả mọi người từ nước ngoài đến.

Theo hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã, chính quyền Tuy Phân Hà đang ra lệnh cho các tài xế xe tải Nga phải dừng xe và họ phải ở yên trong các khu chỉ định đặc biệt.

Tại Tuy Phân Hà, số ca nhiễm “nhập ngược” đã vượt quá khả năng của bộ máy y tế địa phương. Thị trấn này chỉ có 2 bệnh viện cấp 2 (tương đương một bệnh viện quận ở một thành phố lớn như Bắc Kinh). Chính quyền Tuy Phân Hà đã phải vận động người dân tặng tiền, khẩu trang y tế, đồng phục bảo hộ và phương tiện y tế.

Ngày 13.4, ông Wang Bin, một quan chức thuộc Cơ quan Kiểm soát-phòng dịch (thuộc Ủy ban Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc), nói các cơ sở y tế cấp thị trấn ở vùng biên giới là “tuyến đầu phòng dịch”, nhưng khả năng chống dịch của họ lại bị hạn chế.

Ông Wang nói: “Quan tâm chính của chúng tôi là cải thiện khả năng phòng chống dịch bệnh của khu vực, giúp họ giữ đúng vai trò tuyến đầu phòng dịch”. Ông khẳng định trung ương đã cử chuyên gia dịch tễ, chăm sóc đặc biệt, chuyên khoa hô gấp và y tế công về Tuy Phân Hà, nhằm tăng tốc xét nghiệm dịch COVID-19.

Hơn 200 nhân viên y tế của tỉnh Hắc Long Giang cũng được cử đến Tuy Phân Hà, và nếu cần thiết sẽ bổ sung lực lượng này, theo chính quyền tỉnh cho biết.

Bác sĩ Yu Kaijiang nói, những người đến Tuy Phân Hà có thể sức khỏe yếu nghiêm trọng sau một hành trình về nước, nên tốt nhất là chữa trị tại chỗ cho họ.

Nhân viên y tế Nga ở thủ đô Moscow - Ảnh: AP

Treo thưởng tiền cho người chỉ điểm nạn tuồn người vào Trung Quốc

Theo Reuters, Tuy Phân Hà đã trở thành “chốt tiền tiêu” chống dịch “nhập ngược” do công dân Trung Quốc từ thành phố cảng Vladivostok (thuộc vùng Viễn Đông Nga) về nước khi đi qua cửa khẩu biên giới thuộc tỉnh Hắc Long Giang (Trung Quốc).

Cửa khẩu này đã đóng, chỉ tiếp nhận công dân Trung Quốc, và đường bộ vào Tuy Phân Hà trở nên một trong số lựa chọn cho người muốn hồi hương, kể từ khi Nga chấm dứt các chuyến bay đến Trung Quốc, ngoại trừ các chuyến bay sơ tán người.

Chính quyền tỉnh Hắc Long Giang treo khoản thưởng 3.000 Nhân dân tệ (425 USD) cho bất kỳ ai tố giác bọn buôn người vào tỉnh. Trung Quốc đã đóng cửa đường biên giới trên bộ dài 4.300 km giáp Nga, và Bắc Kinh cho phép mỗi tuần chỉ có một chuyến bay thương mại giữa hai nước.

Người Trung Quốc bị kẹt ở cửa khẩu biên giới Trung-Nga - Ảnh: AP

Cộng đồng châu Phi ở Trung Quốc phàn nàn bị kỳ thị

Ngày 13.4, Ủy ban Y tế thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) cho biết có 9 hành khách Trung Quốc bị nhiễm, sau khi họ đáp một chuyến bay của hãng hàng không dân dụng Aeroflot (Nga) từ Moscow về Thượng Hải hôm 10.4, nâng tổng số ca nhiễm trên chuyến bay lên 60 ca.

Còn có 66 ca nhiễm “nhập ngược” khác trong số công dân Trung Quốc từ Nga trở về nước thông qua cửa khẩu biên giới Mãn Châu Lý (thuộc vùng Nội Mông, Trung Quốc).

Ngoài Nga ra, Trung Quốc còn phải lo ngại dòng di chuyển từ châu Phi có thể gây nguy cơ tăng các ca nhiễm “nhập ngược” ở Quảng Châu, thành phố cửa ngõ ở miền nam Trung Quốc.

Trung Quốc xếp các quốc gia thuộc châu Phi vào diện nguy cơ cao, vì hệ thống y tế yếu kém của các nước này và sự gia tăng các ca nhiễm mới.

Tại Quảng Châu, các quan chức áp dụng cách ly cùng các biện pháp giám sát đối với tất cả các công dân nước ngoài đến từ các quốc gia nguy cơ cao, khiến một số nhà ngoại giao và doanh nhân châu Phi chỉ trích là “các biện pháp kỳ thị màu da”, bất chấp sự phủ nhận của chính phủ Trung Quốc.

Ngày 13.4, William Akuma, lãnh đạo cộng đồng người Cameroon ở tỉnh Quảng Đông, nói, các biện pháp này “tác động lớn” đến cộng đồng châu Phi trong tỉnh, vài doanh nhân bị cách ly lần hai và họ cùng các du học sinh phải đóng phí cách ly.

Mỹ Trinh (tổng hợp)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Biên giới Nga trở thành 'tuyến đầu phòng dịch' COVID-19 của Trung Quốc