Chừng nào còn cỗ vũ cuộc sống đồng phục, hùa theo thủ lĩnh, kể cả thủ lĩnh ảo; đoán ý để lấy lòng cấp trên thì xã hội còn chậm tiến. Chỉ có đề cao cá tính, khuyến khích suy nghĩ độc lập mới có những sáng tạo, dám làm dám chịu để thay đổi cuộc sống. Mọi vấn đề, dù là chân lý, vẫn đòi hỏi thực tiễn kiểm nghiệm mà cuộc sống thì vận động không ngừng.

Bịch nước, con ruồi và nét ngài của Thúy Vân

06/06/2019, 11:45

Chừng nào còn cỗ vũ cuộc sống đồng phục, hùa theo thủ lĩnh, kể cả thủ lĩnh ảo; đoán ý để lấy lòng cấp trên thì xã hội còn chậm tiến. Chỉ có đề cao cá tính, khuyến khích suy nghĩ độc lập mới có những sáng tạo, dám làm dám chịu để thay đổi cuộc sống. Mọi vấn đề, dù là chân lý, vẫn đòi hỏi thực tiễn kiểm nghiệm mà cuộc sống thì vận động không ngừng.

Giáo dục thay đổi từ đâu khi vẫn còn… khuôn mẫu? - Minh họa
Tôi được chiếu cố mời dạy về du lịch dù chỉ có bằng đại học tại chức. Có lẽ nhờ kiến thức thực tiễn, vừa làm quản lý, vừa làm hướng dẫn viên, đi nhiều, biết lắm chuyện. Khi đi dạy, tôi thường nhập môn bằng hai câu hỏi với sinh viên.
1/ Những bịch nước trắng treo lủng lẳng trong các quán ăn bình dân có tác dụng gì?
2/ Trong truyện Kiều, Nguyễn Du tả Thúy Vân “Vân xem trang trọng khác vời. Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang”. Vậy, nét ngài là nét gì?.
Ở câu 1, đa phần các em trả lời đại loại “Con ruồi bay ngang, thấy hình của mình phóng đại nên tránh xa”. Hiếm hoi, có em cho rằng không có tác dụng nhiều, chủ yếu là yếu tố tâm lý. Ở câu 2, đa số các em cho rằng “ngài là lông mày”. Các em trả lời như vậy cũng dễ hiểu vì lâu nay sách báo viết như thế. Các thầy cô hầu hết dạy như vậy. Các giáo sư, tiến sĩ và các nhà khoa học Việt Nam cũng nói tương tự. Trên mạng có một số giải thích hợp lý hơn nhưng hình như rất ít em đọc. Thấy tôi mỉm cười khó hiểu, em nào cũng thắc mắc và muốn được giải đáp ngay.
Tôi bảo “Nếu chúng ta tiếp tục được học và được dạy như vậy, thì đất nước này mãi mãi nghèo, xứng đáng được nghèo, gọi là nghèo bền vững”. Không khí chững lại. Tôi nhấn mạnh tiếp “Các em đừng vội tin những lời tôi nói. Dù là thầy, tôi cũng có thể sai vì được học sai. Các em phải tập suy nghĩ theo cách của mình và tự chịu trách nhiệm”.
Cách đây hơn 20 năm, khi mới tập tễnh vào nghề hướng dẫn viên, tôi cũng trả lời du khách như các em ở câu hỏi 1. Nghe tôi giải thích, một cậu bé học lớp 5 ở Mỹ, đi chơi cùng ba mẹ về miền Tây đã cắc cớ hỏi lại “Thưa chú, nếu con ruồi biết sợ, sao không làm con ruồi khổng lồ bằng cao su treo ngay cửa?”. Tôi đứng hình một lát rồi lảng qua chuyện khác. Bài học quý từ du khách nhỏ buộc tôi phải thay đổi suy nghĩ.
Dù mắt lớn, con ruồi bay rất nhanh, không có nhu cầu bay chậm hoặc dừng lại nhìn vào gương xem mình “chất” cỡ nào. Có người nói “do ánh sáng phản chiếu vào mắt ruồi”. Người khác bảo “bịch nước hình khối tròn nên ruồi mất phương hướng”? Tôi không phải nhà nhà khoa học nhưng có thể khẳng định “Ruồi tránh bịch nước, nếu có là do bản năng chứ không phải vì sợ do hình ảnh mình phóng đại. Dẫu rằng bịch nước có cấu tạo như thấu kinh hội tụ”.
Ở câu hỏi thứ 2, từ trước 1975 ở miền Nam, tôi được học “nét ngài là chân mày” kiểu “ngọa tằm mi”. Thấy vô lý nhưng không lý giải được. Học Sư phạm, tôi hỏi và nói luôn những suy nghĩ khác về “nét ngài” của Thúy Vân với thầy. Thầy hơi bất ngờ, vừa cười vừa bảo “Em nói cũng có lý”. Để phân tích “nét ngài” là nét gì, tôi cần khoảng 1 giờ để trình bày với các luận chứng, buộc người nghe “tâm phục”.
Trong phạm vi bài viết này, chỉ vắn tắt “Nét ngài không thể là lông mày”. Chưa có tác giả nào tả cô gái đẹp mà chỉ tả lông mày. Không có đấng nam nhi nào mê người yêu có lông mày rậm. Từ “ngài” chỉ có nghĩa bổ ngữ khi đứng sau từ “mày” – “Mắt phượng mày ngài”. Lục lâm hảo hán, cao to như Từ Hải, “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai” mà cũng chỉ “Râu hùm, hàm én, mày ngài”. Từ “ngài” đứng một mình có nghĩa khác, tùy theo cách viết gốc Hán Nôm. Lông mày Thúy Vân càng không thể rậm hơn lông mày Từ Hải. Chỉ có võ tướng mới lông mày rậm, nhất là trong hát bội và cải lương. Lỡ lông mày hơi rậm thì Thúy Vân cũng sẽ nhổ bớt, thậm chí vẽ hoặc xâm cho thanh.
Thời xưa, cả thế giới cho rằng đẹp là phải đầy đặn. Xem tượng thần vệ nữ ở châu Âu, tranh dân gian Việt Nam thì rõ. Người Khmer ví “Em như cây điều” (Bài Oxvai chanti) chứ không như cây sậy. Ấn Độ và một số nước Hồi giáo vẫn giữ nguyên quan điểm “phụ nữ mập mới đẹp”. Tướng số phương Đông xem những phụ nữ đậm người là “Lộc”, là “Vượng phu, Ích tử”. Trái ngược với Thúy Kiều mảnh mai, “hồng nhan đa truân, bạc phận”, Thúy Vân phúc hậu.
Quan trọng nhất là phương ngữ vùng Nghệ Tĩnh, “người” được nói thành “ngài”. Bạn tôi, giáo viên dạy Văn, sành Hán Nôm còn bật mí “Chữ ngài (nét ngài nở nang), trong bản gốc tiếng Nôm của Truyện Kiều có nét sổ của chữ “Nhân”. Do đó “nét ngài nở nang” là “nét người nở nang” chứ không thể là lông “mày nở nang” được.
Nói vậy để thấy người Việt ít chịu, nói chính xác là LƯỜI thay đổi. Lười cả trong suy nghĩ trước những việc giản đơn mà phi lý. Cứ lầm lũi theo lối cũ trong cuộc sống. Sợ phiêu lưu, sợ thất bại, sợ cái mới (chưa rõ hình dáng) không bằng cái cũ…
Cách giải thích cũ về con rồi - bịch nước và nét ngài của Thúy Vân, ban đầu chỉ là suy đoán cá nhân, chưa rõ thực hư nhưng được đám đông hưởng ứng và nhân rộng thành chân lý, không dễ gì cải chính. Trong thời đại bùng nổ mạng xã hội, chỉ cần một câu nói chủ quan, một suy đoán lập lờ là đám đông hùa nhau ném đá, có khi nạn nhân tìm cái chết để giải thoát.
Thích làm đẹp là bản năng của phụ nữ. Thời nào cũng vậy. Thủa bao cấp, khó khăn và thiếu thốn đủ thứ nhưng phụ nữ vẫn không quên làm đẹp. Mấy bà chị U60 bây giờ, thủa đó còn rất trẻ. Nhiều chị mỗi ngày vẫn dành vài chục phút ngồi trước gương. Có ông chồng hỏi “Em làm gì vậy?”. “Nhổ lông mày”. “Tại sao phải nhổ?”. “Không biết, thấy thiên hạ nhổ thì mình nhổ theo”. Có ông tính phán “Mình phải biết lý do và xem có cần cho mình không chứ. Lỡ họ nhổ thứ khác mình cũng theo à…” nhưng kịp im lặng vì không muốn bị cấm vận đủ thứ.
Chừng nào chưa dám thoát khỏi vỏ ốc gia trưởng và văn hóa đám đông tiêu cực thì đất nước còn gian nan. Chừng nào còn cỗ vũ cuộc sống đồng phục, hùa theo thủ lĩnh, kể cả thủ lĩnh ảo; đoán ý để lấy lòng thì xã hội còn chậm tiến. Chỉ có đề cao cá tính, khuyến khích suy nghĩ độc lập mới có những sáng tạo, dám làm dám chịu để thay đổi cuộc sống. Mọi vấn đề, dù là chân lý, vẫn đòi hỏi thực tiễn kiểm nghiệm mà cuộc sống thì vận động không ngừng.

Nguyễn Văn Mỹ

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bịch nước, con ruồi và nét ngài của Thúy Vân