Ban quản trị toà nhà chung cư TNR Goldsilk Complex vừa phải gửi đơn đề nghị tới Chủ tịch UBNDTP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung, “yêu cầu chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư”.

Bị 'om' gần 30 tỉ phí bảo trì, cư dân TNR Goldsilk Complex gửi đơn tới Chủ tịch Hà Nội

18/03/2019, 11:07

Ban quản trị toà nhà chung cư TNR Goldsilk Complex vừa phải gửi đơn đề nghị tới Chủ tịch UBNDTP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung, “yêu cầu chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư”.

Dự án TNR Goldsilk Complex của chủ đầu tư HANO-Vid, đơn vị thành viên của VNG tại 430 Cầu Am, Vạn Phúc, Hà Đông

>> Bất chấp chung cư chưa được nghiệm thu PCCC, CĐT TNR Goldsilk Complex vẫn cho trường mầm non dạy học

>> Chung cư 5 sao TNR Goldsilk Complex với hệ thống báo cháy… ‘không sao’

>> Dự án Goldsilk Complex: Dân tố làm ảnh hưởng môi trường sống khi thi công

Ban quản trị của tòa nhà chung cư TNR Goldsilk Complex ở phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, TP.Hà Nội mới đây đã gửi phản ánh tới Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội, UBND quận Hà Đông về việc chủ đầu tư toà nhà là Công ty CP Bất động sản HANO-VID đang cố tình “om” tiền phí bảo trì đến hàng chục tỉ đồng.

Theo trình bày của Ban quản trị - đại diện hơn 748 hộ sinh sống tại dự án thì tòa nhà chung cư của họ được xây dựng bởi chủ đầu tư là Công ty CP Bất động sản HANO-VID (mã số doanh nghiệp 0105025361 do Sở Kế hoạch Đầu tư TP.Hà Nội cấp lần đầu ngày 1.12.2010, có trụ sở tại 430 Cầu Am, Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội.

Sau khi xây dựng xong và bàn giao nhà cho các hộ dân (từ tháng 6.2017), chủ đầu tư đã cùng ban đại diện lâm thời đứng ra tổ chức thành công hội nghị nhà chung cư lần đầu, theo quy định về quản lý nhà chung cư và đề nghị của chủ sở hữu các căn hộ trong tòa nhà (tháng 7.2018). Trong hội nghị, Ban quản trị đã được bầu ra và UBND quận Hà Đông đã công nhận bằng Quyết định số 3398/QĐ-UBND ngày 3.8.2018. Ban quản trị đã có con dấu và được Công an TP.Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu.

Theo phản ánh, ngay sau khi được công nhận, Ban quản trị đã có văn bản gửi chủ đầu tư để yêu cầu bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư, đúng như nội dung cam kết của chủ đầu tư tại hội nghị nhà chung cư lần đầu.

Số tiền phí bảo trì của 748 căn hộ lên tới gần 30 tỉ đồng đang bị chủ đầu tư "om" và gửi ngân hàng thành viên của TNG với mức lãi xuất thấp gây bức xúc.

Giữa Ban quản trị và chủ đầu tư cũng đã có nhiều văn bản trao đổi qua lại cũng như có một số buổi làm việc để thảo luận về vấn đề bàn giao kinh phí bảo trì. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại (sau 8 tháng Ban quản trị được thành lập và hoạt động theo quy định pháp luật), chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao phần kinh phí này.

Chủ đầu tư được phản ánh là cố tình chưa bàn giao. “Chủ đầu tư cố tình diễn giải quy định của pháp luật về kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư một cách không đầy đủ và không chính xác. Từ đó việc quản lý kinh phí bảo trì không được thống nhất giữa hai bên;

Chủ đầu tư không bàn giao hồ sơ tòa nhà cho Ban quản trị, dẫn đến mâu thuẫn về việc xác định số tiền kinh phí bảo trì phần sở hữu chung cũng như mâu thuẫn về việc quản lý kinh phí bảo trì phần sở hữu chung;

Chủ đầu tư cố tình trì hoãn, kéo dài thời gian giải quyết các vấn đề liên quan đến kinh phí bảo trì phần sở hữu chung”, ông Phạm Xuân Vinh - Trưởng Ban quản trị toà nhà nêu rõ.

Theo quy định tại Khoản 4, Điều 36, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP thì sau khi Ban quản trị được thành lập và có văn bản yêu cầu, chủ đầu tư phải tiến hành các hoạt động để bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư.

“Tuy nhiên cho đến nay, chủ đầu tư gần như vẫn chưa có hoạt động nào cụ thể để thực hiện nghĩa vụ của mình, thậm chí chủ đầu tư còn cố tình trì hoãn và kéo dài thời gian bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban quản trị.

Việc làm này của chủ đầu tư làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các cư dân đang sinh sống và các thương gia đang kinh doanh tại khu thương mại của tòa nhà. Những vấn đề về an ninh, phí dịch vụ, công tác phòng cháy chữa cháy, vệ sinh, chất lượng nguồn nước cùng cách tính và thu tiền nước hàng tháng của các căn hộ, phí gửi xe của cư dân và khách vãng lai… đang tạo nên những bức xúc trong cư dân và tiềm ẩn phát sinh khó lường cho an ninh trật tự tại khu vực”, văn bản nêu rõ.

Căn cứ Điểm a, Khoản 1, Điều 37, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP, Ban quản trị tòa nhà chung cư TNR Goldsilk Complex đề nghị UBND TP.Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư (Công ty CP Bất động sản HANO-VID) bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư cho Ban quản trị quản lý và sử dụng theo đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, theo tìm hiểu của PV, tại dự án TNR Goldsilk Complex, chủ đầu tư còn giữ số tiền gần 30 tỉ đồng (từ 748 căn hộ) của cư dân đem gửi ngân hàng với lãi suất rất thấp (63 triệu đồng/năm). Việc này khiến cư dân sinh sống tại dự án rất bức xúc và không đồng ý.

Không những vậy, TNR Goldsilk Complex còn tồn tại rất nhiều điều bất cập như tiện ích, tình hình an ninh, nơi để xe… Dự án này cũng từng bị các cơ quan hữu trách xử phạt khi đưa vào sử dụng phần diện tích khối đế khi chưa được nghiệm thu hệ thống phòng cháy chữa cháy

Câu chuyện tranh chấp phí bảo trì tại các dự án chung cư đã và đang rất nóng trong thời gian qua, tình trạng này dẫn tới đề xuất xoá bỏ quỹ bảo trì tại các dự án.

Bài và ảnh: Gia Khánh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bị 'om' gần 30 tỉ phí bảo trì, cư dân TNR Goldsilk Complex gửi đơn tới Chủ tịch Hà Nội