Bấy giờ, quân Lam Sơn đã vây bức giặc tại ba thành Tây Đô, Diễn Châu, Nghệ An. Nếu Bình Định vương Lê Lợi muốn công phá bất kỳ thành trì nào trong số này đều phải chấp nhận trả giá đắt về nhân mạng.

Bị Lê Lợi vây khốn trong 3 thành, quan quân nhà Minh chấn động

21/07/2017, 10:17

Bấy giờ, quân Lam Sơn đã vây bức giặc tại ba thành Tây Đô, Diễn Châu, Nghệ An. Nếu Bình Định vương Lê Lợi muốn công phá bất kỳ thành trì nào trong số này đều phải chấp nhận trả giá đắt về nhân mạng.

Quân Minh bị vây khốn (hình minh họa)

Kỳ 1: Âm mưu thâm hiểm của nhà Minh sau khi tiêu diệt nhà Hậu Trần

Kỳ 2: Lam Sơn tụ nghĩa, rồng cuộn chờ thời​

Kỳ 3: Lê Lợi cảm khái tiễn anh hùng, Lê Lai cưỡi ngựa thề huyết chiến​

Kỳ 4: Ai Lao viện trợ vũ khí, Lê Lợi hồi sức chống giặc Minh

Kỳ 5: Lê Lợi giăng thiên la địa võng, đại phá 10 vạn quân Minh​

Kỳ 6: Lê Lợi đánh bại tướng Trần Trí, trừng phạt quân Ai Lao​

Kỳ 7: Quân Minh - Ai Lao tạo gọng kìm, Lê Lợi mở con đường máu

Kỳ 8: Nguyễn Trãi vung bút lừa giặc, Lê Lợi mài gươm chờ thời

Kỳ 9: Lê Lợi bất ngờ nam tiến, bắt trọn ổ giặc Minh​

Kỳ 10: Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật, miền Trà Lân trúc chẻ tro bay

Kỳ 11: Lê Lợi: Gươm mài đá, đá núi phải mòn; Voi uống nước, nước sông cũng cạn​

Kỳ 12: Lê Lợi dùng kế Điệu hổ ly sơn, xác giặc tắc nghẹn cả sông​

Kỳ 13: Cẩm Y Vệ nhúng mũi vào cuộc chiến tốn xương máu của nhà Minh trên đất Việt​

Tháng 5.1425, quân Lam Sơn gần như đã làm chủ hoàn toàn đất đai Nghệ An. Tổng binh Trần Trí nước Minh cùng đội quân của hắn đóng chặt cửa thành Nghệ An mà cố thủ chờ viện binh. Bên ngoài thành trì, Bình Định vương cho dựng trại, đắp lũy vây lấy thành. Nhân dân trong vùng lũ lượt kéo nhau đến cửa quân góp tiền của và xin gia nhập hàng ngũ, đông như trẩy hội.

Tin tức Trần Trí bị vây khốn tại Nghệ An chấn động cả hệ thống quân Minh đô hộ. Từ thành Đông Quan, tướng Lý An tước An Bình bá lệnh gom quân tất cả các thành trì phía bắc, được vài vạn quân, thuyền bè khí giới đều mạnh, kéo nhau vào cứu viện cho Trần Trí. Bấy giờ Lê Lợi đang gấp rút chuẩn bị binh mã đánh thành, hay tin viện binh tới bèn thay đổi kế hoạch. Quân ta rút xa khỏi chân thành Nghệ An, đem ém quân tại sông Quật Giang huyện Đỗ Gia, là tuyến đường mà quân Minh phải đi qua để tiến về phía tây hòng chiếm lại vùng thượng đạo xứ Nghệ. Lý An vào được thành Nghệ An, hội quân với Trần Trí.

Các quân thủ thành lẫn quân tiếp viện của giặc cộng lại đã vượt hẳn quân Lam Sơn về số lượng. Tướng giặc bị vây lâu ngày, nay có quân đông mạnh liền muốn đánh thốc ra lật ngược tình thế. Nhưng hướng hành quân của Trần Trí đã bị bộ chỉ huy quân Lam Sơn sớm đoán biết được. Khi quân Minh đến huyện Đỗ Gia, đang lúc vượt sông Quật Giang thì bị quân ta phục sẵn từ trước đổ ra đánh. Đám quân Minh đi trước bị chém chết hơn 1.000 tên. Số giặc chết đuối còn nhiều hơn mấy lần. Trần Trí, Lý An liền hạ lệnh cho quân chạy ngược trở về thành Nghệ An, càng ra sức đào hào đắp lũy cố giữ.

Vì tướng giặc trúng mai phục đã nhiều lần nên sinh đa nghi, cho nên trận Đỗ Gia quân Lam Sơn thắng được quân Minh nhưng không được giòn giã như các trận trước. Quân giặc rút kịp về thành vẫn còn rất đông, thành càng khó công phá hơn nữa. Tuy nhiên, việc quân Minh dồn sức cố thủ tại Nghệ An đã mở ra một thời cơ khác cho quân ta. Sau khi bàn bạc cùng các tướng, Lê Lợi nói rằng: “Quân giặc đến hết cả để cứu Nghệ An. Các nơi tất là trống rỗng” (theo Lam Sơn Thực Lục).

Mùa hạ năm 1425, Bình Định vương muốn thừa cơ tiến đánh Diễn Châu và thu phục Thanh Hóa. Trước tiên, sai Đinh Lễ đem quân đi trước đến Diễn Châu phủ dụ nhân dân, vây bức thành trì. Đinh Lễ đến Diễn Châu, dò biết tin 300 thuyền lương của quân Minh do Đô ty Trương Hùng từ Đông Quan sắp đến. Ông đoán rằng quân Minh trong thành sẽ ra đón thuyền lương, nên chưa vội đánh Trương Hùng mà ngầm đặt quân mai phục sẵn gần nơi bến cảng. Ít lâu sau, quả nhiên giặc ở thành Diễn Châu kéo ra như Đinh Lễ tiên liệu. Quân Lam Sơn lặng lẽ chờ giặc lọt vào bẫy, xông ra đánh mạnh, cả phá được. Thiên hộ giặc họ Tưởng và 300 quân bị giết tại trận, số còn lại cố chết chạy về thành Diễn Châu cố thủ. Thừa thắng, Đinh Lễ đem quân đánh Trương Hùng, cướp sạch thuyền lương, đuổi Trương Hùng chạy dài từ Diễn Châu đến tận Thanh Hóa. Trương Hùng chạy kịp đến hội với quân Minh ở thành Tây Đô, đóng trại ngăn chặn quân Lam Sơn.

Đinh Lễ tiến quân đến xứ Thanh Hóa, liệu thế quân ít chưa thể đánh ngay,cho người báo tin về Nghệ An. Lê Lợi được tin, liền sai các tướng Lê Sát, Lý Triện, Lê Bị, Lưu Nhân Chú đem 2.000 tinh binh, 2 thớt voi ngày đêm theo đường tắt đi gấp đến tăng viện cho Đinh Lễ. Quân Minh chỉ lo phòng giữ cánh quân của Đinh Lễ, không hay biết tin tức của cánh quân tiếp viện. Lê Sát cùng các tướng chia quân nửa đêm đánh úp trại giặc, chém hơn 500 tên, bắt sống tù binh rất nhiều. Quân Minh phải chạy vào trong thành Tây Đô mà cố thủ.

Hệ thống kìm kẹp, đô hộ của người Minh tại xứ Thanh Hóa đều bị vô hiệu hóa khi mà lực lượng quân đội giặc bị quân ta vây bức trong thành. Quân Lam Sơn dù thiếu thốn vật chất nhưng đi đến đâu đều theo nghiêm lệnh không động đến tài sản của nhân dân, kể cả những dân sống chung với giặc. Đinh Lễ, Lý Triện chia người phủ dụ nhân dân, không ai là không theo. Người Thanh Hóa trước đã nghe danh Bình Định vương Lê Lợi, nay có dịp đều thi nhau đến cửa quân xin diệt giặc.

Bấy giờ là vào khoảng mùa thu năm 1425, nghĩa quân Lam Sơn chỉ trong khoảng nửa năm đã từ một đội quân chỉ chiến đấu quanh quẩn ở núi rừng tây Thanh Hóa phát triển thành một đội quân đông mạnh, đủ sức bao vây chủ lực quân Minh trong hàng loạt thành trì lớn. Có được điều này một phần là do sự can trường, sức chiến đấu bền bỉ của nghĩa quân, một phân nữa là nhờ sự ủng hộ chân thành, nhiệt tình của nhân dân các xứ. Nhờ vào sự ủng hộ to lớn đó mà quân Lam Sơn có thể tuyển mộ lực lượng tại mọi nơi có dân cư một các rất nhanh chóng. Quân lương, khí giới cũng nhờ vào nhân dân hỗ trợ mà nhanh chóng được sung túc, lại không phải tiếp vận đường xa. Ngoài ra, các tin tức tình báo đều được thông suốt, kịp thời nhờ vào tai mắt của dân, trong khi quân giặc thì luôn mù mờ về tin tức của quân ta. Đó là những lợi thế của một đạo quân giải phóng nhân dân, một đạo quân chính nghĩa mới có được.

Tuy vậy, quân Minh cũng có lợi thế của kẻ cường đạo. Các thành trì mà quân Minh đã xây dựng lên trên lãnh thổ nước ta đều thuộc hàng cứng và chắc, thành cao hào sâu, trên thành thường đặt đại pháo phòng thủ nên rất khó công phá. Quân giặc lại có được lương thực, khí giới, đạn dược dồi dào tích lũy trong các thành. Bởi thế nên dù liên tiếp thua trận, quân Minh vẫn có khả năng cố thủ trong thành, chờ đợi thời cơ thuận lợi về sau. Bấy giờ, quân Lam Sơn đã vây bức giặc tại ba thành Tây Đô, Diễn Châu, Nghệ An. Nếu Bình Định vương Lê Lợi muốn công phá bất kỳ thành trì nào trong số này đều phải chấp nhận trả giá đắt về nhân mạng.

Trước tình hình đó, Lê Lợi cùng các tướng Lam Sơn đã chủ trương tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu. Lê Lợi đoán biết rằng các thành trì phía nam ở xa cách, mất liên lạc với chính quyền đô hộ đã lâu. Ngài bèn nói với các tướng: “Các vị tướng giỏi thời xưa, thường bỏ chỗ kiên cố mà đánh vào nơi nứt rạn; lánh chỗ xung đột mà đánh vào nơi trống không. Như vậy thì chỉ dùng nửa phần sức lực, mà thu lượm được thành công gấp đôi. Nay hai xứ Thuận Hóa và Tân Bình, mất liên lạc với Nghệ An và Đông Đô đã lâu rồi. Vậy ta nên thừa thời thế tiến đánh hai xứ đó” (theo Đại Việt Thông Sử - Lê Quý Đôn)

Bàn định xong, Lê Lợi phái Tư đồ Trần Nguyên Hãn, Thượng tướng Lê Nỗ, Chấp lệnh Lê Đa Bồ đem 1.000 quân, 1 thớt voi đi kinh lược hai xứ Thuận Hóa, Tân Bình. Sử cũ chép hai từ Kinh Lược, tức là đạo quân Lam Sơn tiến về nam lần này không chỉ có nhiệm vụ chiến đấu đơn độc với quân Minh ở các thành mà còn phải đảm đương nhiệm vụ tuyên truyền, kêu gọi nhân dân cùng đứng lên chiến đấu với nghĩa quân. Các tướng đi đánh Tân Bình, Thuận Hóa không chỉ có năng lực cầm quân đánh trận mà còn phải có khả năng chiêu dụ nhân dân, mộ thêm lực lượng tại chỗ để hoàn thành nhiệm vụ.

(còn nữa)

Quốc Huy

10 phần về cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ nhất

22 phần về cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ hai​

16 phần về cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ ba

18 phần về cuộc Bắc phạt thần thánh của Lý Thường Kiệt

33 kỳ cuộc chiến chống ngoại xâm từ nhà Hồ đến nhà Hậu Trần

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bị Lê Lợi vây khốn trong 3 thành, quan quân nhà Minh chấn động