Nhiều người dân không khỏi thắc mắc về con số 1449 được đắp bằng xi măng ở vị trí trang trọng ngay chính giữa mặt tiền biệt thự cổ có ghi năm xây dựng 1923 tại Phan Thiết (Bình Thuận).

Bí ẩn con số 1449 trên mặt tiền ngôi nhà cổ ở Phan Thiết

21/02/2019, 13:13

Nhiều người dân không khỏi thắc mắc về con số 1449 được đắp bằng xi măng ở vị trí trang trọng ngay chính giữa mặt tiền biệt thự cổ có ghi năm xây dựng 1923 tại Phan Thiết (Bình Thuận).

Ngôi nhà nằm ở địa chỉ số 38 đường Nguyễn Văn Trỗi - TP Phan Thiết. Đây là ngôi nhà có kiến trúc cổ, rất đẹp, đã được chủ nhân tu bổ lại nhưng vẫn giữ nguyên nét cổ kính của thời gian.

Ngôi nhà cổ và con số 1449 bí ẩn.

Chủ nhân của ngôi nhà là bà Mai Thị Bạch Ba, có tên thường gọi là bà Ba, hiện đã mất. Bà Ba còn có một người anh trai lập nghiệp ở Sài Gòn. Do không có chồng con nên khi bà và anh trai mất, các cháu là con của anh trai bà được thừa kế căn nhà.

Hiện các người cháu này đang sinh sống ở nước ngoài, chỉ còn một người cháu ở TP.HCM thỉnh thoảng về nhang khói và chăm nom ngôi nhà. Hơn 10 năm kể từ ngày bà Ba mất, ngôi nhà không có người ở. Gia đình phải thuê người hằng ngày đến quét dọn và quản lý ngôi nhà.

Khi chúng tôi đến thì căn nhà vẫn đóng kín cửa. Liên hệ với những người hàng xóm và người thân của bà Ba đang sống ở Phan Thiết nhưng hầu như không ai biết chính xác con số 1449 có ý nghĩa là gì.

Quá trình thu thập thông tin chúng tôi nhận thấy có khá nhiều giả thuyết được mọi người đưa ra: đó là năm xây dựng ngôi nhà, số nhà, số hiệu bưu chính hay số hiệu kinh doanh...

Xét giả thuyết đó là năm xây dựng ngôi nhà. Lần theo lịch sử hình thành vùng đất Phan Thiết - Bình Thuận chúng ta thấy rõ, vùng đất này xưa là đất Chiêm Thành. Phải đến năm 1653 thì Phan Thiết mới có người Việt sinh sống. Vì vậy ngôi nhà này không thể được hình thành từ năm 1449 được.

Về giả thuyết số nhà, từ năm 1975 về trước đường Nguyễn Văn Trỗi chỉ là đường nhỏ, dài khoảng hơn một cây số, rất ít nhà dân, chủ yếu là các nhà lều chế biến nước mắm của các hàm hộ (tên gọi những người sản xuất nước mắm lớn tại Phan Thiết ). Các nhà lều thường có chiều rộng mặt tiền rất lớn, nên căn nhà trên con đường này không thể có số nhà nhiều lên đến con số 1449 được.

Giả thuyết khác có thể đây là số hiệu bưu chính hoặc số hiệu kinh doanh (giống số đăng ký kinh doanh ngày nay) của chủ nhân ngôi nhà. Tuy nhiên thông thường các cửa tiệm, hiệu buôn, hãng hay công ty thường khắc tên thương hiệu của mình lên ngôi nhà như Chánh Ngữ, Liên Thành, Hồng Hương, Hồng Sanh, ... chứ không ai khắc số hiệu bưu chính hay số hiệu kinh doanh lên mặt tiền ngôi nhà cả.

Từ khi bà Ba mất, người cháu của bà ở TP.HCM thi thoảng Phan Thiết về nhang khói và chăm nom ngôi nhà.

Từ những vô lý về các giả thuyết nói trên đã thôi thúc chúng tôi tìm hiểu sâu hơn về ngôi nhà này.

Tìm đến ông M.C.T là người đồng thừa kế, đang trực tiếp quản lý ngôi nhà. Ông T cho chúng tôi biết, mảnh đất xây dựng ngôi nhà này có nguồn gốc từ xưa là tài sản thừa kế của bà nội ông mang họ Dương. Sau khi lập gia đình với ông nội ông - họ Mai thì ông bà nội ông sinh sống tại đây.

Cũng như đa số người dân sống trong khu vực này, ông bà nội ông làm nghề buôn bán nước mắm đựng trong các tĩn bằng sành chở bằng ghe ra miền Trung và miền Bắc bán. Đến năm 1923 sau khi dành dụm đủ tiền, ông bà nội ông mới tiến hành xây dựng lại căn nhà như ngày nay.

Sau khi ông bà nội mất thì cô của ông T là bà Ba sinh sống tại căn nhà này, làm nghề buôn bán tạp hóa ra đảo Phú Quý và mua nông sản từ Phú Quý về Phan Thiết bán lại.

Về con số 1449, ông T nói cũng không xác định chính xác lắm, nhưng ông có nghe nói con số đó là thời điểm đánh dấu năm 1449 là năm khởi đầu của dòng họ ông bà tổ tiên ông ở Quãng Ngãi. Ông T chỉ biết đó là tổ tiên mình chứ không biết chính xác tổ tiên là phía ông nội hay bà nội ông, tức họ Dương hay họ Mai. Ông T cũng xác nhận với chúng tôi dù đó là họ Mai hay họ Dương thì con cháu họ Mai của ông vẫn tự hào và giữ gìn, thờ phụng suốt đời.

Ngoài ra, trong quá trình tìm hiểu chúng tôi có nghe một người bà con gần của bà Ba tên M.T.Đ nói rằng, lúc nhỏ có nghe người lớn nói số 1449 là số tiền gia đình bà Ba xây dựng căn nhà này. Họ ghi số tiền này lên để kỷ niệm và để đời sau biết giá trị của căn nhà.

Năm 1923 thời Khải Định, đất Bình Thuận thuộc xứ Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp. Năm 1923 cũng là thời điểm Ngân hàng thuộc địa Đông Dương phát hành tờ giấy bạc mới, tiền dùng chung cho 3 nước Đông Dương, ghi bằng 3 thứ tiếng Hán - Việt - Miên. Qua tham khảo tài liệu, năm 1923, ngân sách thuộc địa toàn xứ Nam Kỳ chỉ khoảng 13 triệu đồng thì so với số tiền 1449 đồng để xây dựng một căn nhà ở quả là khá lớn. Tuy nhiên, việc ghi số tiền xây dựng nhà lên mặt tiền cũng là một chuyện lạ và bà Đ cũng xác nhận rằng đây chỉ là thông tin bà nghe nói chứ không chắn chắn.

Xem ra có quá nhiều giả thuyết để lý giải và thực tế con số 1449 trên ngôi nhà số 38 đường Nguyễn Văn Trỗi - Phan Thiết vẫn còn là điều bí ẩn.

Theo Infornet

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bí ẩn con số 1449 trên mặt tiền ngôi nhà cổ ở Phan Thiết