Với Ngọc Diễm, Bhutan có thiên nhiên trong lành, người dân hạnh phúc và thân thiện, họ có niềm tin lớn vào những giá trị của đất nước và đạo Phật.

Bhutan 'Quốc gia hạnh phúc nhất thế giới' qua góc nhìn của hoa hậu Du lịch VN

Vnexpress | 13/09/2016, 14:16

Với Ngọc Diễm, Bhutan có thiên nhiên trong lành, người dân hạnh phúc và thân thiện, họ có niềm tin lớn vào những giá trị của đất nước và đạo Phật.

Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2008 Ngọc Diễm vừa có chuyến đi Bhutan từ ngày 31/8 đến 5/9. Cô đi một mình từ Việt Nam và đồng hành cùng bạn ở Bhutan. Dưới đây là chia sẻ của cô về những điều thú vị đã được nghe và trải nghiệm trong chuyến đi.

Bhutan được biết đến là quốc gia hạnh phúc. Khái niệm này được biết đến từ thập niên 90 đến ngày nay.

Người dân Bhutan có thực sự 100% lúc nào cũng hạnh phúc hay không thì mình không biết, nhưng chính phủ Bhutan đã định hướng rất thành công con đường phát triển của quốc gia một cách khác biệt, không cần so sánh với bất cứ sự phát triển của nước nào. Trên phương diện truyền thông, đây là một thông điệp xuất sắc, vừa khơi gợi sự hài lòng và niềm tự hào của người dân Bhutan; vừa tạo sự tò mò và thu hút không biết bao nhiêu khách du lịch.

Bhutan theo thể chế quân chủ lập hiến, vừa có Vua, vừa có Thủ tướng. Vua hiện tại 35 tuổi, Hoàng hậu 27 tuổi. Vào bất cứ nơi công cộng nào cũng thấy hình Vua và Hoàng hậu bên nhau. Người dân rất yêu mến Vua và Hoàng hậu.

Thủ tướng hiện tại của Bhutan là ông Tshering Tobgay, người vừa có bài diễn thuyết ấn tượng và truyền cảm hứng đến hàng triệu người trên thế giới hồi tháng 4. Ông trẻ, thích thể thao (bắn cung và đua xe đạp), từng tham gia giải đua xe đạp 280 km của Bhutan, bị ngã gãy xương hàm nhưng vẫn cố gắng về đích và rất được người dân Bhutan nể trọng. Người tiền nhiệm ông cũng được đánh giá là có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của Bhutan.

Dân số Bhutan hiện tại khoảng 700.000 người (bằng 1/12 TP HCM), trong đó một nửa dân số tập trung ở thủ đô Thimphu. Bhutan cũng có người giàu, người nghèo, chênh lệch khoảng cách giàu nghèo không đáng kể. Giàu hay nghèo đều được chính phủ trợ cấp. Dịch vụ y tế (bao gồm khám chữa bệnh, thuốc men, phẫu thuật...) và giáo dục đều được miễn phí. Học sinh bắt đầu học tiếng Anh từ mẫu giáo, nên người dân Bhutan hầu như ai cũng giao tiếp tiếng Anh tốt.

Hầu hết người dân Bhutan hài lòng về cuộc sống của mình, kể cả những người trông có vẻ nghèo khổ. Sangay - bạn đồng hành của Ngọc Diễm cho biết, đối với những người không có tài sản, họ có thể đến gặp Đức Vua và trình bày hoàn cảnh. Vua sẽ cho người kiểm tra và cấp cho họ 5 km2 đất để trồng trọt, canh tác. Vấn đề sức khỏe, con cái học tập do nhà nước chu cấp. Nên ở Bhutan, nếu chăm chỉ làm việc, thì không sợ đói nghèo.

Quá trình lên Tu viện Hang Hổ của Ngọc Diễm còn có sự trợ giúp của một con ngựa.

Hai nguồn thu chính của Bhutan là xuất khẩu thủy điện và du lịch. Ngoài ra, họ còn phát triển nông nghiệp phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu sang Ấn Độ. Sản phẩm nông nghiệp có thể kể đến là táo, đào, lê và ớt... Thực phẩm ở đây tuyệt đối không sử dụng hoá chất.

Hàng hoá ở Bhutan phần lớn là hàng nhập, trong đó 90% từ Ấn Độ. Sangay nói, không có sự lựa chọn, với địa thế của Bhutan, hoặc chọn Ấn Độ, hoặc chọn Trung Quốc. Ấn Độ vẫn hơn.

80% người dân Bhutan ăn chay, số còn lại vừa ăn chay vừa ăn thịt. Món ăn của Bhutan chuộng bơ sữa, pho mát. Hầu như món nào cũng có ớt, không cay lắm.

Đời sống của Bhutan khá hiền hoà, nhẹ nhàng và thú vị. Người lớn tuổi dậy từ sáng sớm, lễ Phật tại nhà, cầu nguyện. Sau đó đi làm, buổi chiều đi dạo bộ, buổi tối là thời gian dành cho gia đình.

Người trẻ dậy trễ hơn, cũng đi học hoặc đi làm, buổi sáng và tối ăn cơm cùng gia đình. Sau đó họ ra ngoài đi chơi, nhảy, hẹn hò... và tín ngưỡng Phật Pháp của họ theo một cách khác.

Điều hay là phần lớn giới trẻ Bhutan đều đồng lòng với định hướng của chính phủ. Họ có những mong muốn khác, cởi mở hơn và vượt qua khỏi phạm vi quốc gia; nhưng trân trọng giá trị văn hoá truyền thống, luôn gìn giữ và tự hào là "Last Shangri La".

Internet vào Bhutan khoảng 10 năm trở lại đây, sóng khá yếu. Theo đó, giới trẻ và dân tri thức Bhutan cũng sử dụng mạng xã hội. Họ online Facebook, Twitter và Instagram khá thường xuyên.

Một số vùng ở Bhutan theo chế độ mẫu hệ. Ba mẹ mất, tài sản sẽ thuộc về con gái. Phụ nữ có quyền lấy 2 chồng và ở một số nơi phụ nữ được quyền quyết định các việc lớn trong gia đình.

Bhutan cũng có những điểm trừ đối với khách du lịch. Cơ sở vật chất đơn điệu, nghèo nàn. Sân bay quốc gia ở Paro nhỏ như sân bay địa phương Việt Nam. Giữa trung tâm thành phố còn nhiều căn nhà ghép tôn lụp xụp. Tiệm tạp hoá ở mọi nơi đều nhỏ, bán hầu hết là đồ nhập.

Nhiều ngôi nhà trong những con đường nhỏ khá bẩn. Còn nhiều người dân không có thói quen sử dụng toilet.

Theo Ngọc Diễm/ Vnexpress
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
5 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bhutan 'Quốc gia hạnh phúc nhất thế giới' qua góc nhìn của hoa hậu Du lịch VN