Dù bệnh nhân chỉ bị mụn cơm ở bộ phận sinh dục, nhưng Phòng khám đa khoa Hà Đô đã dùng nhiều chiêu trò, trong đó có cả hù dọa để móc túi bệnh nhân lên đến cả trăm triệu đồng, nhưng không điều trị hết bệnh như lời hứa ban đầu…

Bệnh hơn 1 triệu, Hà Đô 'chữa' tốn gấp cả trăm rồi đòi trả lại tiền 'mua' im lặng

15/07/2020, 08:37

Dù bệnh nhân chỉ bị mụn cơm ở bộ phận sinh dục, nhưng Phòng khám đa khoa Hà Đô đã dùng nhiều chiêu trò, trong đó có cả hù dọa để móc túi bệnh nhân lên đến cả trăm triệu đồng, nhưng không điều trị hết bệnh như lời hứa ban đầu…

Biển hiệu phòng khám đa khoa Hà Đô - Ảnh: H.Q

TP.HCM: Phòng khám Đa khoa Hà Đô vẽ bệnh ‘làm tiền’ bệnh nhân

Xử phạt phòng khám Trung Quốc 70 triệu đồng vì chuyên lừa bệnh nhân

TP.HCM công bố 41 phòng khám đa khoa kém chất lượng

Không chữa được vẫn vẽ bệnh lấy tiền

Mới đây, phóng viên Một Thế Giới đã nhận được đơn tố cáo của bệnh nhân N.H.T (31 tuổi, ngụ ở huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) đối với Phòng khám Trung tâm y tế Hà Đô (Phòng khám Đa khoa Hà Đô, 35B-35C đường 3 Tháng 2, phường 11, quận 10, TP.HCM).

Cầm trên tay một xấp hóa đơn dày cộm với trên 30 tờ hóa đơn tiền thuốc, phẫu thuật, chiếu laser, xét nghiệm…, trong đó hóa đơn ít tiền nhất cũng cả triệu đồng, hóa đơn nhiều tiền nhất lên đến 30 triệu đồng, anh T. cho biết ngày 10.2.2020, anh đến Phòng khám Đa khoa Hà Đô để kiểm tra một nốt mụn nằm nổi trên da của bao quy đầu.

Sau khi làm xét nghiệm thu số tiền 900 nghìn đồng, bác sĩ Hà ở phòng khám này tư vấn cho anh T. theo kiểu hù họa: “Đây là bệnh sùi mào gà, bệnh này có thể lây nhanh và mọc trên môi, cổ họng, mắt… Nếu không chữa sớm có thể gây ung thư dương vật”.

Sau khi bị tư vấn kiểu hù dọa trên, bệnh nhân tỏ ra hoang mang lo lắng. Bác sĩ Hà liền đưa ra 2 phương pháp điều trị. Trong đó, phương pháp thứ nhất là đốt bằng laser với giá 18 triệu đồng, nhưng bác sĩ này còn thòng thêm câu: "Phương pháp này khả năng tái phát cao và gây đau nhức"; còn phương pháp thứ 2 là chiếu tia ALA quang với giá 30 triệu đồng, khả năng tái phát không có, điều trị nhanh chóng. Tất cả các phương pháp trên đều tính cả thuốc uống và thuốc tiêm sau khi thực hiện.

Tuy nhiên, sau khi bệnh nhân chọn phương pháp 2 với giá 30 triệu đồng để không tái phát như lời bác sĩ Hà tư vấn thì vị bác sĩ này tiếp tục đề nghị bệnh nhân phải cắt bao quy đầu để tỷ lệ tái phát không có. Do không mang đủ tiền, anh T. chỉ chiếu tia ALA quang với giá 30 triệu đồng. Sau khi làm xong kỹ thuật, phòng khám không chỉ thu 30 triệu đồng mà còn thu thêm 1,6 triệu đồng tiền thuốc với lý giải “ thuốc này nằm ngoài phí”.

Anh T. đã phải chi trả cho hơn 30 tờ hóa đơn như thế này trong thời gian khám và điều trị tại Phòng khám đa khoa Hà Đô - Ảnh: P.V

Ngày hôm sau (11.2), anh T. quay lại tái khám, bác sĩ Hà tiếp tục đề nghị cắt bao quy đầu mới điều trị dứt điểm. Lúc này, bác sĩ Hà đưa ra 2 giá để cắt bao quy đầu là dùng máy cắt chung giá 14 triệu và dùng máy Hàn Quốc cắt 1 lần, cắt nhanh, không đau với giá 16,8 triệu đồng.

Bệnh nhân đồng ý mức giá cắt bao quy đầu 16,8 triệu đồng, nhưng cắt xong bác sĩ ở đây lại đòi thêm hơn 1 triệu đồng nữa và nói “đây là tiền thuốc sau phẫu thuật giúp bệnh nhân mau khỏe”.

Anh T. chấp nhận các khoản tiền trên vì sức khỏe của mình, nhưng bác sĩ ở đây đề nghị bệnh nhân phải đi tái khám mỗi ngày, trong vòng 1 tuần. “Mỗi lần tái khám tốn gần 2 triệu đồng, nhưng sau 1 tuần vẫn chưa hết, bác sĩ lại bảo phải tái khám thêm 1 tuần nữa”, anh T. nói.

Sau đó, anh T. lại thấy trên đường cắt của bao quy đầu nổi nhiều mụn. Lần này, bác sĩ tiếp tục dùng tia laser để đốt những mụn trên và hẹn đi tái khám 2 tuần/lần. Đến đầu tháng 5.2020, bệnh nhân bất ngờ đi tiểu buốt, bác sĩ Hà khám và nói bệnh nhân bị bệnh lậu nên cho thuốc uống, thuốc truyền với chi phí khoảng 10 triệu đồng. Sau đó 2 tuần, anh T. lại tiếp tục nổi mụn trên vùng da bao quy đầu, bác sĩ Hà khám lại nói bị sùi mào gà tái phát và tiếp tục cho chiếu tia laser.

“Cứ một vài ngày phải đi tái khám trở lại, bác sĩ truyền thuốc rồi bán cả thuốc tây, thuốc đông y. Trong đó, thuốc đông y không có xuất xứ, nguồn gốc, nhãn hiệu gì cả. Bệnh cứ tái đi tái lại nhiều lần, bác sĩ hết chiếu tia laser đến cho uống thuốc, truyền thuốc kéo dài đến đầu tháng 7.2020 mà bệnh vẫn chưa hết. Tôi uống thuốc thời gian dài đến nay tốn cả trăm triệu đồng nhưng bệnh vẫn không hết mà còn phát sinh bệnh đau dạ dày. Phòng khám đã “kê” giá khám chữa bệnh, điều trị không đúng cam kết, bán thuốc không có nguồn gốc xuất xứ”, anh T. bức xúc nói.

Trả lại tiền, yêu cầu im lặng

Lo lắng tình trạng bệnh của mình, ngày 7.7 vừa qua, anh T. đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM để kiểm tra. Tại đây, sau khi thăm khám, các bác sĩ kết luận bệnh nhân bị mụn cơm (hoa liễu) ở bộ phận sinh dục. Các bác sĩ tiến hành điều trị cho bệnh nhân bằng laser và thuốc uống với tổng chi phí hơn 1 triệu đồng. Hiện bệnh nhân đã ổn định. “Khi nghe tôi kể về quá trình điều trị tại Phòng khám đa khoa Hà Đô, bác sĩ ở Bệnh viện Da liễu nói bị bác sĩ ở đó lừa rồi”, anh T. nói.

Anh T. đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM khám hôm 7.7.2020, bác sĩ chẩn đoán mụn cơm (hoa liễu) được chiếu laser, hiện đã ổn - Ảnh: PV

Sau đó, phóng viên đã liên hệ với Phòng khám đa khoa Hà Đô để tìm hiểu về vấn đề này. Qua diện thoại, một người tự xưng là Quỳnh (nhân viên của Phòng khám đa khoa Hà Đô) sau khi tiếp nhận thông tin, hỏi tên tuổi bệnh nhân rồi nói sẽ báo lại lãnh đạo phòng khám để liên lạc với phóng viên. Tuy nhiên, sau đó vẫn không thấy lãnh đạo phòng khám phản hồi, phóng viên tiếp tục liên lạc trở lại thì nhân viên ở đây vẫn điệp khúc cũ.

Tuy nhiên, điều bất ngờ với phóng viên là sau đó Phòng khám đa khoa Hà Đô đã chủ động liên hệ với bệnh nhân T. để thỏa thuận. Phòng khám này đã soạn thảo sẵn một bản cam kết và cho người đến tận Tây Ninh để gặp bệnh nhân “bịt miệng”.

Tại đây, Phòng khám Hà Đô đã đưa ra một cam kết soạn sẵn, trong đó có nội dung sẽ hoàn trả lại toàn bộ chi phí mà bệnh nhân điều trị tại phòng khám này, nhưng với điều kiện bệnh nhân và gia đình cam kết không truy cứu trách nhiệm phòng khám, không thưa kiện, không đăng tải nội dung liên quan lên báo đài; uy tín thiệt hại của phòng khám liên quan đến việc thông tin, bệnh nhân sẽ chịu trách nhiệm.

Điều đáng nói, Phòng khám đa khoa Hà Đô từng bị Thanh tra Sở Y tế TP.HCM ra quyết định xử phạt 63 triệu đồng về các sai phạm trong hoạt động khám chữa bệnh, trong đó có chỉ định sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vì mục đích vụ lợi; thu giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cao hơn giá đã niêm yết; quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định. Ngoài bị phạt tiền, phòng khám này còn buộc phải tháo gỡ, xóa quảng cáo những nội dung quảng cáo chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận trước khi thực hiện.

Hồ Quang

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bệnh hơn 1 triệu, Hà Đô 'chữa' tốn gấp cả trăm rồi đòi trả lại tiền 'mua' im lặng