Dù lây lan qua đường hô hấp, nhưng nếu so với các bệnh truyền nhiễm cũng như các bệnh cúm thì bệnh bạch hầu khó lây hơn, tuy nhiên tỷ lệ tử vong cao.
Thông tin Y học

Bệnh bạch hầu khó lây lan nhưng tỷ lệ tử vong cao

Hồ Quang 09/07/2024 23:59

Dù lây lan qua đường hô hấp, nhưng nếu so với các bệnh truyền nhiễm cũng như các bệnh cúm thì bệnh bạch hầu khó lây hơn, tuy nhiên tỷ lệ tử vong cao.

Tỷ lệ tử vong từ 10 đến 15%

Theo đánh giá của PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y dược TP.HCM, bệnh bạch hầu là một bệnh nguy hiểm nếu so với các bệnh truyền nhiễm khác. Tỷ lệ tử vong của bệnh bạch hầu khoảng 10 đến 15%.

benh-bach-hau-kho-lay-lan-nhung-tu-vong-cao-hinh-anh.png
Nếu người dân chưa tiêm vắc xin phòng bạch hầu cần tiêm để phòng ngừa bệnh - Ảnh: minh họa

“Bệnh bạch hầu gây biến chứng do giả mạc bạch hầu làm tắc nghẽn đường thở và do độc tố bạch hầu gây biến chứng tim mạch, thần kinh, nên bạch hầu có thể gây tử vong ở cả người lớn lẫn trẻ em, đặc biệt nếu phát hiện và điều trị muộn”, bác sĩ Dũng giải thích.

Những bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu tử vong là tùy thuộc người bệnh phát hiện sớm hay muộn. Phân tích của bác sĩ Trương Hữu Khanh - chuyên gia dịch tễ học tại TP.HCM cho thấy tỷ lệ tử vong do bệnh bạch hầu cao so với các bệnh hô hấp và truyền nhiễm khác.

Bệnh bạch hầu có từng đợt và dẫn đến nguy cơ tử vong cao. Lúc trước chưa có tiêm chủng mở rộng, bệnh nhân mắc bạch hầu tử vong khá cao. Hiện nay bệnh bạch hầu chỉ xuất hiện rải rác ở những nơi tiêm phòng chưa đủ.

“Cứ 3 đến 5 năm thì có 1 đợt bùng phát dịch bạch hầu ở những vùng khác nhau và có tử vong. Bệnh có tỷ lệ tử vong khá cao, ngay cả những trường hợp có sử dụng huyết thanh, nếu bị nặng tỷ lệ tử vong lên đến 50 đến 70%”, bác sĩ Khanh nói.

Trong tình hình dịch bệnh bạch hầu đang bùng phát ở một số nơi, các chuyên gia khuyến cáo nếu người dân chưa tiêm, hoặc không nhớ mình đã tiêm phòng vắc xin bạch hầu hay chưa thì cần thực hiện các biện pháp phòng tránh lây nhiễm thông thường. Nếu bệnh được phát hiện sớm thì cũng không nguy hiểm vì đã có thuốc điều trị.

1 người mắc bệnh chỉ có thể lây nhiễm cho 4 đến 5 người

Bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm và chưa được thanh toán nên mầm bệnh vẫn còn lưu hành ở cộng đồng. Vì vậy bệnh có thể xuất hiện vào bất cứ lúc nào ở những người chưa tiêm ngừa bạch hầu đầy đủ.

Theo các chuyên gia dịch tễ, bạch hầu vốn là bệnh của trẻ em, nhưng theo dịch tễ các bệnh truyền nhiễm, khi tỷ lệ mắc của bệnh giảm dần thì tuổi mắc bệnh gia tăng. Cụ thể, đối với bệnh bạch hầu quá trình chuyển dịch dịch tễ theo 2 giai đoạn. Ở giai đoạn 1, tuổi mắc bệnh chủ yếu ở tuổi mẫu giáo sẽ chuyển sang lứa tuổi học sinh; ở giai đoạn 2 các ca bệnh bạch hầu chủ yếu xảy ra ở người lớn trên 15 tuổi. Vì vậy, việc có người ở lứa tuổi 18 mắc bệnh và tử vong không phải là điều bất thường .

Tuy nhiên, PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng khẳng định bệnh bạch hầu có mức độ lây nhiễm không cao so với các bệnh truyền nhiễm khác, khả năng lây thành dịch là rất thấp.

Hơn nữa, bạch hầu đã được tiêm chủng từ lâu, tỷ lệ tiêm chủng trong cộng đồng cao, đa số mọi người đều có miễn dịch cao nên khả năng lây lan không cao như bệnh COVID-19 hay một số bệnh truyền nhiễm khác. Do đó việc truy vết những người tiếp xúc với bệnh nhân mắc bạch hầu cũng cần thiết nhưng thực tế không quá lo ngại.

“Trong dịch tễ, bệnh bạch hầu có tỷ lệ lây lan thấp, 1 người chỉ có thể lây cho 4 đến 5 người. Trong khi đó, bệnh sởi 1 người lây 20 người, bệnh cúm thì 1 người lây đến 23 người”, ông Dũng cho biết.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cũng thừa nhận bệnh bạch hầu tuy nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong cao nhưng không lây lan nhanh, mạnh như một số căn bệnh hô hấp khác.

Chỉ cần tiêm vắc xin bạch hầu 1 lần

Theo ông Dũng, có một điều đáng chú ý đối với bệnh bạch hầu là khi người dân đã tiêm vắc xin này thì gần như có miễn dịch suốt đời, không như các bệnh truyền nhiễm khác khi tiêm vắc xin không có miễn dịch đầy đủ.

Qua đó, bác sĩ Dũng nhận định rất có thể những trường hợp mắc bệnh bạch hầu và tử vong vừa phát hiện ở Nghệ An và Bắc Giang là chưa được tiêm vắc xin phòng bạch hầu.

“Về lý thuyết, Tổ chức Y tế thế giới cho biết chỉ cần tiêm vắc xin ngừa bạch hầu từ lúc nhỏ là đủ, vì nó có miễn dịch kéo dài, tuy nhiên về tương lai thì phải nghiên cứu thêm. Hiện nay chưa khuyến cáo tiêm thêm, trừ khi bà mẹ mang thai thì có thể tiêm thêm. Do đó, những người đã tiêm vắc xin phòng bạch hầu rồi thì không cần tiêm nữa, vì có tiêm thì cũng chẳng có lợi ích gì ”, ông Dũng cho biết.

Do đó theo bác sĩ Dũng, nếu người dân chưa tiêm vắc xin phòng bạch hầu thì nên tiêm loại vắc xin này. Đối với người lớn nên sử dụng loại vắc xin Td (uốn ván liều cao và bạch hầu liều thấp) hoặc vắc xin Tdap (uốn ván liều cao, bạch hầu liều thấp, ho gà liều thấp). Tuy nhiên nên dùng vắc xin Td vì an toàn hơn và người lớn rất hiếm khi bị ho gà; còn vắc xin Tdap có thể dùng cho người lớn sống cùng với trẻ dưới 6 tháng hoặc phụ nữ mang thai để bảo vệ trẻ.

Ngoài ra, còn có 2 loại vắc xin Tdap (có chứa thành phần ho gà) nhập ngoại được lưu hành ở Việt Nam là boostrix và adacel. Thông thường vắc xin này nên dùng cho phụ nữ mang thai, có con nhỏ (để giúp thêm việc bảo vệ trẻ không bị bạch hầu) nhưng ở người lớn thì không ưu tiên, vì có thể gây encephalopathy dù nguy cơ thấp.

Bài liên quan
Bộ Y tế gửi vắc xin tới Hà Giang để phòng chống dịch bệnh bạch hầu
TS.BS. Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết nếu Hà Giang không phòng chống dịch quyết liệt sẽ xuất hiện nhiều ổ dịch bạch hầu.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bệnh bạch hầu khó lây lan nhưng tỷ lệ tử vong cao