Ngày 2.3, người thân của cháu Sơn Hoàng Đại (6 tuổi, ở xã Tham Đôn, H.Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) đã đưa bé đi tiêm ngừa bệnh dại, vì bị khỉ cắn. Trước đó, em phải khâu 10 mũi vì vết cắn.
Hai ngày trước, Đại bị 1 con khỉ nấp trong lùm cây ở ấp Cần Giờ 1 chạy ra cắn vào bắp chân khi đang đùa giỡn với nhóm bạn ở phía sau nhà. Ngay sau đó, gia đình đưa Đại vào Trung tâm Y tế huyện Mỹ Xuyên và bác sĩ đã khâu 10 mũi. Vết thương dài 7cm hiện đã khô, sức khỏe bé bình thường.
Theo chủ 1 doanh nghiệp ở P.10 (TP.Sóc Trăng) thì đàn khỉ này xổng chuồng hơn 1 năm và sống hoang dã. Doanh nghiệp đang có kế hoạch phối hợp với cán bộ kiểm lâm tổ chức gây mê, bắt đàn khỉ nhốt lại.
Còn cán bộ Chi cục Kiểm lâm Sóc Trăng, cho biết đã tìm cách bẫy và dùng thuốc mê để bắt đàn khỉ. Sắp tới sẽ phối hợp với cảnh sát môi trường và UBND H.Mỹ Xuyên bàn giải pháp khống chế bầy khỉ này để thả chúng về rừng sinh thái ở H.Cù Lao Dung. Tuy nhiên, người dân ấp Cần Giờ 1 cứ mãi chờ đợi mà không thấy đàn khỉ bị xử lý.
Theo chính quyền xã Tham Đôn, thì hơn 1 năm qua, người dân ấp Cần Giờ 1 thường thấy bầy khỉ 5 con đi xuống rẫy và vườn cây ăn trái. Không ít lần đàn khỉ vào nhà dân để tìm thức ăn, nước uống và đã có người bị chúng cắn.
Đại phải vào Trung tâm Y tế kiểm tra sức khỏe và khâu 10 mũi- Ảnh: Hàm Yên
Hằngngày, chúng thường sống trên các cây me tây, tràm bông vàng ở cánh đồng trong ấp. Đây là những con khỉ đuôi dài, lông màu vàng. Trong đó, có 2 con trọng lượng khoảng 10kg; 3 con còn lại từ 2-5kg.
Theo anh Trần Thươl (người dân ấp Cần Giờ 1) thì bầy khỉ này xuất hiện gần 2 năm. Lúc đó chỉ có 3 con gồm 2 con đực, 1 cái. Sau này khỉ cái sinh thêm 2 con.
"Thời gian đầu, người dân thường xuyên cho khỉ thức ăn, nước uống. Tuy nhiên, khi con khỉ đầu đàn tỏ ra hung dữ thì mọi người hạn chế và không dám gần vì sợ chúng cắn. Đại là nạn nhân thứ 8 bị khỉ cắn nhưng rất may chưa đến nỗi nguy kịch", mộtngười dân nói.
Hàm Yên