Mới 4 tháng tuổi, bé trai đã phát hiện bị u cơ tim khổng lồ, khối u gây tắc nghẽn máu từ tim lên phổi, có nguy cơ gây đột tử bất cứ lúc nào.
Theo người nhà của bé trai L.B.P. (4 tháng tuổi, ngụ ở Đồng Nai) thì thời gian gần đây bé hay bị mệt. Thấy vậy gia đình đưa bé đến Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM để kiểm tra. Tại đây, sau khi siêu âm, các bác sĩ phát hiện bé có khối u cơ tim lớn, gây tắc nghẽn máu từ tim lên phổi.
Bác sĩ Cao Đằng Khang – Phó Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biếtu cơ tim là một bệnh lý rất hiếm gặp. Do đó, các bác sĩ quyết định chụp cộng hưởng đểnhìn nhận và đánh giá chính xác hơn về khối u, từ đó có phương pháp điều trị phù hợp cho bé. Kết quả cho thấy, khối u cơ tim của bé to khổng lồ so với cơ thể của bé, lên đến7x4x3.5 cm gây hẹp nặng, cản trở máu lên phổi.
Bác sĩ Khang nhận định, tình trạng khối u to khổng lồ trên đang làm giảm việc trao đổi ô xy, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của bé. Ngoài ra, bé có thể bị loạn nhịp tim, gây tử vong đột ngột. Do đó, để tránh các trường hợp nguy hiểm xảy ra cho bé thì hướng điều trị là phải phẫu thuật để cắt bỏ khối u trong tim.
“Sau hơn 4 giờ phẫu thuật cho bé, toàn bộ khối u đã được lấy ra khỏi tim. Phần buồng tim còn lại đã được sửa chữa để đảm bảo chức năng tim được bình thường. Đến hôm nay (16.7) bé đã khỏe mạnh và hoàn toàn bình phục”, bác sĩ Khang cho hay.
Bác sĩ Khang cho biết sau khi mổ lấy được khối u cơ tim to khổng lồ như thế,các bác sĩ quá bất ngờ về khả năng sinh tồn của bé với một khối u to như thế nhưng bé vẫn sống được.
Theo bác sĩ Khang, việc tầm soát tim thai trong quá trình mang thai có thể biết được trẻ có bị tim bẩm sinh hay không. “Với trang thiết bị hiện đại và trình độ chuyên môn của các bác sĩ, đa số bệnh lý tim bẩm sinh nguy hiểm có thể phát hiện sớm trong giai đoạn bào thai, giúp lên kế hoạch điều trị ngay sau sinh”, bác sĩ Khang nói.
Hồ Quang