Ngoài tay nghề yếu, lao động Việt Nam còn hạn chế về ngoại ngữ, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh. Tuy vậy công tác dạy nghề vẫn luẩn quẩn.

Bế tắc dạy nghề

Theo Người lao động | 10/09/2016, 06:16

Ngoài tay nghề yếu, lao động Việt Nam còn hạn chế về ngoại ngữ, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh. Tuy vậy công tác dạy nghề vẫn luẩn quẩn.

Ngày 9.9, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM tổ chức hội thảo “Giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP.HCM - Thực trạng và giải pháp”. Một trong những vấn đề được quan tâm là độ chênh khá lớn giữa đào tạo nguồn lao động và nhu cầu thực tế vốn tồn tại dai dẳng hàng chục năm qua vẫn chưa có được chương trình hành động cụ thể.

Không có ngoại ngữ thì dịch chuyển đi đâu?

Một thực tế được nhiều đại biểu nêu lên là chuyện chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. TS Huỳnh Thanh Điền, thành viên nhóm tư vấn đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ TP.HCM, nhận xét: “Về kỹ năng nghề nghiệp, người lao động một mặt yếu về chuyên môn, mặt khác khả năng thiết kế, nghiên cứu chế tạo cũng chưa cao, đặc biệt là khả năng khai thác và tương tác với khách hàng thường xuyên bị doanh nghiệp (DN) phàn nàn”.

TS Vũ Xuân Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề cho rằng lực lượng lao động qua đào tạo nghề còn thấp kéo theo năng suất lao động cũng thấp. Theo xếp hạng của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) năm 2014, năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp ở khu vực châu Á, ở ASEAN chỉ bằng 1/15 so với Singapore, 1/5 Malaysia. Đánh giá xếp hạng cạnh tranh nhân tài toàn cầu (GTCI) năm 2015-2016 cũng xếp Việt Nam hạng 82 trong tổng số 109 nước, trong đó riêng chỉ số lao động tay nghề xếp hạng 95/109.

Ngoài tay nghề yếu, lao động Việt Nam còn hạn chế về ngoại ngữ, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh. “Đến nay, ASEAN đã thỏa thuận 8 lĩnh vực nghề được tự do di chuyển như: dịch vụ kỹ thuật, y khoa, nha khoa điều dưỡng, kiến trúc, kế toán, khảo sát và du lịch. Tuy nhiên, lao động của chúng ta vẫn còn yếu ngoại ngữ, ngay cả với sinh viên ĐH. Trong khi đó, ở một số nước xung quanh, lao động phổ thông cũng sử dụng được tiếng Anh. Nói chung, lao động của chúng ta vẫn chưa chuẩn bị tâm thế cho việc dịch chuyển” - ông Hùng nhận định.

Đào tạo đi ngược nhu cầu thị trường

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, suốt nhiều năm qua, việc giáo dục nghề nghiệp vẫn tồn tại nghịch lý lớn là cơ cấu đào tạo: số lượng đào tạo khối kinh tế quá nhiều so với khối kỹ thuật. Bên cạnh đó, trong khi nhu cầu của thị trường đối với trình độ ĐH chỉ 12%-13%, CĐ và trung cấp hơn 50%, thì xu hướng muốn vào ĐH tại TP.HCM vẫn chiếm đến 88%, bất chấp các nỗ lực tuyên truyền của nhà nước.

“Các bất hợp lý này đi ngược với nhu cầu của thị trường. Đào tạo giỏi cách mấy mà cứ đi ngược với nhu cầu thì vẫn thất nghiệp. Phải làm sao nâng cao giáo dục nghề nghiệp và thay đổi chính sách việc làm để khuyến khích người học nghề. Giờ học nghề mà ra làm lương thấp và cực khổ quá thì người ta vẫn cho con vào ĐH. Thậm chí, nhiều người còn suy nghĩ học ĐH ra thất nghiệp vẫn vui hơn học nghề mà thất nghiệp” - ông Tuấn băn khoăn.

Gắn đào tạo với vị trí việc làm cụ thể

Ông Huỳnh Thanh Điền cho biết hiện nay, bình quân ở mỗi DN, lao động đã qua đào tạo nghề được tuyển dụng chỉ chiếm khoảng 20%, trong khi lượng lao động do DN tự đào tạo là 60%. Do không có sự gắn kết nên các cơ sở đào tạo vẫn không bám kịp nhu cầu của DN.

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, cho rằng nhiều nhà trường hiện đào tạo theo chỉ tiêu, đào tạo cho đủ kinh phí mà ít tham khảo các dự báo nhân lực, chưa nói đến liên kết với DN. “Ngay cả việc cho học sinh - sinh viên đến DN thực tập như thế nào, nhà trường có nắm rõ không? Nhiều sinh viên đến DN lạng qua lạng lại xin ít số liệu, làm báo cáo sơ sài rồi xin giấy chứng nhận” - ông Hùng nêu thực trạng.

Trong bối cảnh TP HCM đặt mục tiêu phát triển các ngành công nghệ cao, TS Bùi Văn Hồng, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho rằng để có thể đào tạo được nhân lực cho các ngành có hàm lượng công nghệ cao, phải gắn việc đào tạo với vị trí việc làm cụ thể. Việc này đòi hỏi phải xác định nhu cầu nguồn nhân lực theo vị trí việc làm của xã hội. Các cơ sở đào tạo phải xây dựng được chuẩn đầu ra phù hợp với từng vị trí công việc mà người làm sẽ đảm nhận sau khi tốt nghiệp và phải được cập nhật thường xuyên công nghệ.

“Cụ thể, cùng đào tạo nhân lực ngành điện tử nhưng nhu cầu của từng mảng, từng hãng điện tử đều có khác. Phải đào tạo đúng từng vị trí nhu cầu này mới nâng cao và phát triển được lao động trong các ngành công nghệ cao” - ông Hồng đề xuất.

Bạch Đằng - Người lao động
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bế tắc dạy nghề