Sau những phút giây phấn khích trên mây thì cần trở lại mặt đất. Dẫu rằng U.23 vào đến chung kết châu Á nhưng nó chỉ là thành công nhất thời trong một giải trẻ. Chúng ta vẫn cần ý thức rằng mình phải gắng rất nhiều thì mới có thể tiếp cận được với bóng đá đỉnh cao của khu vực.

Bầu Đức đừng vội nghĩ bóng đá Việt Nam đã vượt trên Thái Lan

Anh Tú | 30/01/2018, 06:53

Sau những phút giây phấn khích trên mây thì cần trở lại mặt đất. Dẫu rằng U.23 vào đến chung kết châu Á nhưng nó chỉ là thành công nhất thời trong một giải trẻ. Chúng ta vẫn cần ý thức rằng mình phải gắng rất nhiều thì mới có thể tiếp cận được với bóng đá đỉnh cao của khu vực.

Sau thành công của đội tuyển U.23 Việt Nam với chiến tích lọt vào trận chung kết giải trẻ, niềm lạc quan xuất hiện khắp nơi nơi trong lòng người hâm mộ. Bầu Đức là người đã bỏ ra rất nhiều công sức phát triển bóng đá trẻ Việt Nam và ông tỏ ra rất phấn khích với thành công này. Trên Báo giao thông, ông bầu của HAGL khẳng định: "Bóng đá Việt Nam đã làm được điều mà Thái Lan chưa làm được dù đầu tư rất nhiều tiền của. Chúng ta làm được điều mà cả Đông Nam Á chưa từng làm được".

"Thái Lan vô địch Đông Nam Á đấy, thuê rất nhiều tiền mà chưa bơi ra châu lục được. Trong khi đó, bóng đá Việt Nam chỉ trong một đêm đã bước ra khỏi cái ao Đông Nam Á”, lờituyên bố hùng hồn của bầu Đứcđược báo Giao thông trích dẫn.

Thực ra, tâm lý lạc quan nghĩ rằng Việt Nam đã lột xác, thoát khỏi sự tầm thường trong làng bóng đá Đông Nam Á, có mặt ở khắp nơi (trong khi trên thực tế là 1/4 thế kỷ qua chúng ta mới một lần vô địch ĐNA cách đây 10 năm).

Dạo quanh truyền thông Việt Nam có thể thấy sự hả hê khi Việt Nam có thành tích tốt hơn Thái Lan ở giải trẻ lần này. Có báo đăng bài: Báo Thái Lan: "Ngưỡng mộ, ghen tị và U23 Việt Nam đừng bỏ chúng tôi" với trích dẫn lời ca ngợi của tác giả: "Việt Nam là lá cờ đầu. Mong là các bạn không vì bước tiến dài mà phớt lờ những trận đấu giao hữu, và các giải trong khu vực. Những hàng xóm tốt là những người giúp đỡ nhau phát triển. Đó cũng là cách để phát triển chính mình. Chúng ta ngưỡng mộ Việt Nam, nhưng thực tế là không tránh khỏi sự ghen tị với họ". Hay có báo viết "U23 Việt Nam: Á quân châu Á, chờ hạ bệ Thái Lan xưng vương khu vực".

Đó mới chỉ là một số bài báo khai thác từ báo giới Thái Lan nhằm đề cao cho chiến tích của thầy trò Park Hang Seo. Còn vô số các bài báo khác khai thác từ Hàn Quốc, Úc và đặc biệt là từ cộng đồng mạng Trung Quốc để nói về thành tích bất ngờ của thầy trò Park Hang Seo. Không khí trong ngôn từ nhìn chung là rất hồ hởi, phấn khích vì có lẽ từ rất lâu bóng đá chúng ta chưa gây được tiếng vang nào ở bình diện châu lục, chưa được nghe những lời khen về đội tuyển chúng ta nhiều đến thế.

Nhưng sau những phút giây phấn khích trên mây thì cần trở lại mặt đất. Dẫu rằng U.23 vào đến chung kết châu Á nhưng nó chỉ là thành công nhất thời trong một giải trẻ. Chúng ta vẫn cần ý thức rằng mình phải gắng rất nhiều thì mới có thể tiếp cận được với bóng đá đỉnh cao của khu vực. Liệu giờ nếu tái đấu với Iraq hay Qatar thì chúng ta có thể thắng họ tiếp lần nữa không? Hay liệu khi có tấm HCB châu Á, các cầu thủ chúng ta có thể thắng khi đối đầu với Nhật, Hàn Quốc không?

Quay trở lại với bóng đá khu vực Đông Nam Á. Không phải cứ là á quân châu Á thì mặc nhiên chúng ta là đội bóng dẫn đầu khu vực và nhìn khu vực với nửa con mắt. Trong thể thao thì thành tích và phong độ biến đổi không ngừng. Hãy lấy Hoàng Xuân Vinh là ví dụ khi xạ thủ này đoạt HCV Thế vận hội 2016 nhưng lại không bước lên bục cao nhất ở Sea Games một năm sau, mà đó là Xuân Vinh rất khiêm tốn và chuyên nghiệp. Còn chúng ta đang đổ tấn đường mật ngọt lên tai các cầu thủ trẻ thì e rằng đó không phải là điều tốt cho sự khiêm tốn mà mỗi VĐV cần nuôi dưỡng.

Hay như bóng đá, năm ngoái U.23 Việt Nam thua đau Thái Lan 0-3 bị loại ngay từ vòng bảng Sea Games nhưng giờ Việt Nam lại tràn ngập trong những lời khen còn các cầu thủ Thái Lan đang đau lòng khi rời giải châu Á với 3 trận thua và 7 lần thủng lưới. Có lẽ các cầu thủ Thái Lan đang rất nóng lòng tập luyện chờ quyết đấu với Việt Nam tại AFF Cup và Sea Games tới để khẳng định ai mạnh hơn ai.

HLV Alex Ferguson từng đúc kết một câu rất hay trong bóng đá: "Phong độ là nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi". Không phải vì hôm nay chúng ta là á quân một giải trẻ mà vội nghĩ mình đứng số 2 châu Á và ngộ nhận bóng đá Việt Nam đã hơn Thái Lan. Đẳng cấp bóng đá Thái Lan là một nền bóng đá với các CLB hoạt động chuyên nghiệp bài bản mà Toyota cuối năm ngoái vừa bỏ V-League để chuyển sang tài trợ Thai-League với số tiền cao gấp 3 lần. Nếu nói về cấp độ châu lục, đẳng cấp của bóng đá Thái Lan thể hiện trong 20 năm qua là việc tham gia 5 kỳ Asiad và 3 lần vào bán kết (2 lần còn lại là tứ kết) trong khi chúng ta chỉ 2 lần vượt qua vòng bảng. Tại vòng loại World Cup, bóng đá Thái Lan đã đến giai đoạn vòng bảng tranh vé còn chúng ta luôn thua ở vòng loại.

Những phân tích như trên không phải để làm giảm giá trị của thành công thầy trò Park Hang Seo mà để mọi người có cái nhìn thực tế hơn. Để chúng ta không vì phấn khích và ngộ nhận quá đà rồi đến lúc chẳng may thua Thái Lan tới đây(trong bóng đá thì thắng thua rất khó nói trước) thì lại hụt hẫng, nhiếc móc. Khi nhìn nhận đúng về mình thì mới có sự phát triển thích hợp, hướng tới những mục tiêu thích hợp.

Bóng đá Việt Nam vốn như nàng Lọ Lem nhờ phù thủy Park Hang Seo để hóa thành công chúa sau một đêm. Nhưng để làm tiếp công chúa vào sáng hôm sau thì phải nỗ lực hết mình. Sẽ không có ai gõ cửa và đem giày thủy tinh đến cho chúng ta bước vào cung điện bóng đá như chuyện cổ tích nữa đâu. Ngày mới rồi đó.

Anh Tú
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bầu Đức đừng vội nghĩ bóng đá Việt Nam đã vượt trên Thái Lan