Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, một hoặc hai hội nghị không thể giải quyết được hết tất cả những vấn đề đặt ra, trong đó có những thứ đã tồn đọng kéo dài hàng chục năm.

Bất động sản: Những tồn đọng hàng chục năm, không thể xử lý một sớm một chiều

Hoài Lam | 03/08/2023, 16:35

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, một hoặc hai hội nghị không thể giải quyết được hết tất cả những vấn đề đặt ra, trong đó có những thứ đã tồn đọng kéo dài hàng chục năm.

Chiều 3.8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33 và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản (BĐS).

Khó xử lý trong một sớm một chiều

Thủ tướng nêu rõ thông điệp của hội nghị là chung tay tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thị trường BĐS phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh, bền vững.

Theo Thủ tướng, cũng như các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác, thị trường BĐS có lúc thuận lợi và lúc khó khăn, các doanh nghiệp có lúc lãi và lúc lỗ; nhưng điều quan trọng nhất là cần phát hiện kịp thời các vấn đề nổi lên, những khó khăn, vướng mắc; đánh giá đúng nguyên nhân, đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, triển khai quyết liệt, hiệu quả.

Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, một hoặc hai hội nghị không thể giải quyết được hết tất cả những vấn đề đặt ra, trong đó có những vấn đề đã kéo dài hàng chục năm không thể xử lý "một sớm một chiều".

"Song, tinh thần là rõ đến đâu xử lý đến đó, khó khăn ở đâu tháo gỡ ở đó, khó khăn ở cấp nào thì cấp đó giải quyết, các chủ thể có liên quan (các cơ quan quản lý, các địa phương, các bộ ngành, các doanh nghiệp, khách hàng và người dân có nhu cầu mua bán BĐS) cùng nhau chung tay giải quyết, đề cao trách nhiệm mỗi chủ thể vì sự phát triển của đất nước, vì lợi ích chung, hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân", Thủ tướng nêu.

tt.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo

Thủ tướng đề nghị các đại biểu cùng phân tích, đánh giá khách quan, trung thực tình hình thực hiện Nghị quyết 33 của Chính phủ và thị trường BĐS hiện nay; phân tích kỹ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, từ đó đưa ra nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thị trường BĐS, tập trung vào các vấn đề liên quan tới pháp lý, nguồn vốn, quy hoạch, tài chính, ngân hàng, thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền…

Nguồn cung vẫn hạn chế

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết trong quý 2/2023, nguồn cung BĐS, nhà ở vẫn hạn chế, hoàn thành có 7 dự án với 2.424 căn (852 căn hộ, 1.572 căn nhà ở riêng lẻ), số lượng dự án chỉ bằng khoảng 50% so với quý 1/2023 và bằng khoảng 29,17% so với quý 2/2022. Việc triển khai bị chậm hoặc bị dừng hẳn do nhiều dự án gặp khó khăn vướng mắc về pháp lý, về nguồn vốn…

Về lượng giao dịch BĐS, ông Sinh cho biết trong quý 2/2023 có 96.977 giao dịch thành công, trong đó lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ: 29.725 giao dịch thành công, bằng khoảng 75,61% so với quý 1/2023, khoảng 43,03% so với quý 2/2022; lượng giao dịch chủ yếu tập trung vào phân khúc đất nền với 67.525 giao dịch thành công.

Trong quý 2/2023 giá giao dịch chung cư mới ở một số thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM được đánh giá là có những khu vực tăng dù thị trường BĐS đang có dấu hiệu chững lại; giá bán BĐS nghỉ dưỡng tiếp tục có xu hướng giảm, tuy nhiên mức độ giảm không nhiều như thời điểm cuối năm trước do các chi phí vốn hiện nay vẫn ở mức cao.

Ngoài ra, giá bán của phân khúc biệt thự, đất nền dự án ở nhiều địa phương trong quý tiếp tục có xu hướng giảm khoảng 2 - 5% so với quý trước (cá biệt có dự án sản phẩm liền kề shophouse của dựng án được rao bán giảm khoảng 10 - 15% số với giá gốc).

Tháo gỡ khó khăn một số dự án lớn của Hưng Thịnh, Novaland

Bộ Xây dựng cũng báo cáo về kết quả làm việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của tổ công tác tại một số địa phương.

sinh.jpg
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh trình bày báo cáo

Cụ thể, tại TP.HCM, tổ công tác đã làm việc, giải đáp, hướng dẫn trực tiếp và hướng dẫn bằng văn bản đối với khoảng 30 nội dung kiến nghị liên quan đến khó khăn, vướng mắc của khoảng 180 dự án nhà ở, khu đô thị. Qua đó tổ xác định các vướng mắc chủ yếu do địa phương hiểu và áp dụng pháp luật chưa đầy đủ, chưa đúng. Sau khi tổ công tác, Bộ Xây dựng trao đổi, hướng dẫn, các khó khăn, vướng mắc đã được làm rõ, giải quyết căn bản.

Theo thông tin của Sở Xây dựng TP.HCM, đến nay TP đã chỉ đạo và giải quyết được 67 dự án (tương đương 37,2% so với số lượng 180 dự án ban đầu), trong đó có 28 dự án theo sự hướng dẫn, đôn đốc của tổ công tác; có 39 dự án qua rà soát của địa phương.

Tại TP.Hà Nội, tổ công tác đã làm việc để giải đáp, hướng dẫn trực tiếp và hướng dẫn bằng văn bản đối với khoảng 20 nội dung kiến nghị liên quan đến khó khăn, vướng mắc của khoảng 712 dự án nhà ở, khu đô thị. Qua đó, tổ xác định các vướng mắc chủ yếu do địa phương hiểu và áp dụng pháp luật chưa đầy đủ, chưa đúng, nên đã hướng dẫn UBND TP tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền để UBND TP thực hiện.

Theo thông tin của Sở Xây dựng, đến nay TP.Hà Nội đã chỉ đạo và giải quyết được 419 dự án (tương đương 58,8% so với số lượng 712 dự án ban đầu), hiện tiếp tục giải quyết cho 293 dự án.

Tại tỉnh Đồng Nai, tổ công tác đã trực tiếp làm việc để giải đáp, hướng dẫn trực tiếp và hướng dẫn bằng văn bản đối với 7 dự án bất động sản lớn, trong đó có các dự án của Tập đoàn Novaland, Tập đoàn Hưng Thịnh... xác định các vấn đề vướng mắc về quy hoạch đô thị và xây dựng (không thống nhất giữa 3 cấp độ quy hoạch) thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, qua đó đã giải đáp, hướng dẫn UBND tỉnh và các sở tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Tại Bình Thuận, tổ công tác cũng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của dự án Novaworld Phan Thiết - dự án tổ hợp khu du lịch Thung lũng Đại Dương tại tỉnh Bình Thuận của Tập đoàn Novaland. UBND tỉnh Bình Thuận đang triển khai thực hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án theo hướng dẫn của tổ công tác, Bộ Xây dựng và các bộ ngành.

Bài liên quan
Thủ tướng về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác tại Brazil và Dominicana
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Brazil và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, thăm chính thức nước Cộng hòa Dominicana đã thành công tốt đẹp.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bất động sản: Những tồn đọng hàng chục năm, không thể xử lý một sớm một chiều