Mặc dù có nhiều cơ hội để phát triển loại hình bất động sản nghỉ dưỡng, song các chuyên gia trong ngành khuyến cáo nhà đầu tư không quá lạc quan kiếm lợi nếu tài chính chỉ ở mức độ vừa đủ, vì rủi ro rất lớn.
Đừng quá tin vào cam kết lợi nhuận
Tại buổi tọa đàm với chủ đề “Đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng: Cơ hội, rủi ro” diễn ra tại TP.HCM sáng 23.6, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho biết, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng, đặc biệt là việc sở hữu hàng ngàn kilomet bờ biển. Đây là hình thức kinh doanh khá mới mẻ, sinh lời, có tiềm năng và cơ hội phát triển.
Tuy nhiên, bất động sản nghỉ dưỡng lại phụ thuộc vào ngành du lịch, cho nên nếu du lịch Việt Nam không thực sự thu hút du khách, đặc biệt là khách nước ngoài thì sẽ rất khó thu về lợi nhuận. Trong khi đó, du lịch là ngành rất dễ bị tổn thương bởi các lĩnh vực khác như chính trị, kinh tế hay vấn đề biến đổi khí hậu…
Hiện nay, hầu hết nhà đầu tư cá nhân khi muốn bỏ tiền vào bất động sản nghỉ dưỡng thì luôn quan tâm đến cam kết lợi nhuận của chủ đầu tư. Chẳng hạn họ bị hấp dẫn bởi cam kết lợi nhuận 10% trong vòng 10-20 năm.
“Thế nhưng, có năm chủ đầu tư chỉ chi 8% lợi nhuận, có năm chỉ 2%, thậm chí thua lỗ họ không chi thì người mua có được bán lại trên thị trường thứ cấp hay không? Ai sẽ đảm bảo điều này? Có biện pháp gì khi chủ đầu tư không thực hiện đúng như cam kết?”, ông Hiếu đặt câu hỏi và cho rằng đây là một trong những rủi ro lớn khi đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng.
Ngoài việc cần đảm bảo cam kết nói trên, ông Rudolf Hever, Giám đốc Bộ phận Tư vấn khách sạn Savills châu Á - Thái Bình Dương còn cho rằng, khi các chủ đầu tư chạy đua với cam kết lợi nhuận thì cũng rất dễ gây khó khăn cho người mua để có thể xác định và chọn mua được sản phẩm giá trị thật.
Bên cạnh đó, chuyên gia kinh tế Huy Nam khuyến cáo nếu có “tiền dư của để” thì cứ việc tham gia đầu tư vào loại hình này, còn nếu tài chính chỉ vừa đủ để kỳ vọng “kiếm lợi 10%” mà chưa có kế hoạch “nhận nhà để hưởng thụ” thì cần cân nhắc. “Không nên lướt sóng, không vay ngân hàng, không vội lạc quan kiếm lợi từ việc giá nhà tăng. Bất động sản nghỉ dưỡng cũng không phải chỗ để thử thời vận.”, vị này nhấn mạnh.
Nên tạo điều kiện sử dụng đất vô thời hạn
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Đặng Hùng Võ, ngoài rủi ro xuất phát từ chênh lệch cung cầu, nếu đầu tư ồ ạt thì rủi ro về mặt pháp luật cũng là yếu tố lớn cần lưu tâm. Vì vậy, ông ủng hộ việc tạo điều kiện để bất động sản du lịch nghỉ dưỡng được xem như đất sử dụng vô thời hạn
“Tôi rất ủng hộ chuyện đã là đất mà sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân thì nên chuyển sang được sử dụng vô thời hạn. Đấy là cách thức để phát triển tốt cho bất động sản nghỉ dưỡng ở Việt Nam, tạo cơ hội đầu tư, làm giàu. Cũng may hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sẽ sửa Luật Đất đai 2013, và theo tiến độ thì bản sửa dự thảo trong quý 4 năm nay sẽ hoàn thành. Hy vọng đầu năm 2018 Quốc hội có thể thông qua”.
“Thứ nhất là tạo tính công bằng giữa các dự án đầu tư, các địa phương duyệt dự án đầu tư. Ngoài ra, sự tham gia của các nhà đầu tư thứ cấp cũng tạo nên môi trường kinh doanh lành mạnh và với chế độ sử dụng đất như vậy sẽ không còn chuyện địa phương này thì làm thế này, địa phương kia thì làm thế khác”, ông Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.
“Nếu sắp tới đây Luật Đất đai 2013 sửa đổi và đất du lịch nghỉ dưỡng cũng được như đất ở thì sẽ hợp lý về mặt quản lý cũng như việc sở hữu của người dân”, theo luật sư Trần Thái Bình - Công ty Luật LNT & Partners.
Đồng tình với quan điểm này, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu và tư vấn CBRE Việt Nam cho rằng, nếu thời hạn sử dụng đất này được thay đổi thành lâu dài thì sẽ là một thông tin tốt đối với nhiều nhà đầu tư. Tất nhiên, để điều này trở thành hiện thực thì còn là một quá trình lâu dài.
Trang Phạm