Ở lứa tuổi đã đi vào bình tâm trước các biến động của cuộc sống, tôi vẫn muốn dùng các từ HOÀN TOÀN KHÔNG ĐỒNG Ý để diễn tả suy nghĩ của mình trước phát ngôn của ông Tạ Quang Sum, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo, Khánh Hòa, cho rằng “trở ngại lớn nhất đối với đổi mới giáo dục hiện nay là ở giáo viên”.
Cảm nhận của tôi khi đọc phát ngôn của ông Tạ Quang Sum là bất công với giáo viên và trốn tránh trách nhiệm.
1) Bất công với giáo viên
Trong hệ thống công chức của ngành giáo dục Việt Nam, giáo viên là người thừa hành. Cho dù được gắn lên người các chức năng tốt đẹp và cao cả như thế nào đi nữa, giáo viên cũng chỉ là người thừa hành.
Thừa hành vì chịu sự sự quản lý, điều hành, điều động của hiệu trưởng.
Thừa hành vì vị thế giáo viên rất nhỏ bé trước ban giám hiệu. Biết bao thí dụ cho thấy ban giám hiệu có thể điều động giáo viên tiếp khách trong và/hay ngoài trường, tham dự các sinh hoạt không liên quan gì tới chuyên môn...
Thừa hành vì ngay cả trong lĩnh vực chuyên môn của mình, người giáo viên cũng không có nhiều tự do thể hiện tâm huyết và tinh thần sáng tạo nghề nghiệp. Cả những môn cần biết bao sự sáng tạo và cảm nhận tinh tế như môn Văn mà cũng phải theo khuôn khổ rất sít sao!
Thậm chí, giáo viên còn bị trường trách phạt vì viết facebook nêu ý kiến của mình về một vấn đề liên quan tới giáo dục!
Những người ở cấp thừa hành và bị kiểm soát nghiệt ngã như thế có thể chịu trách nhiệm là “trở ngại lớn nhất đối với đổi mới giáo dục hiện nay là ở giáo viên”?
2) Trốn tránh trách nhiệm
Trên thực tế, trong những năm học tại trường trung học Petrus Ký mà lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập vừa được tổ chức, chúng tôi cảm nhận vị thế các Thầy, Cô của chúng tôi được xã hội, ngành giáo dục yêu mến và tôn trọng biết bao. Giáo viên luôn có đời sống đàng hoàng với thu nhập đủ sức chăm lo gia đình riêng. Trong nghề nghiệp, giáo viên có quyền rộng rãi truyền bá kiến thức.
Một thí dụ là các bài học về truyện Kiều. Các Thầy, Cô khác nhau có cách dạy khác nhau, cách dẫn nhập, cách giảng, bình, cách gợi cảm hứng khác nhau... mà sau đó học sinh còn lưu được trong kiến thức của mình một truyện Kiều với các tinh tế của vẻ đẹp văn chương, của các thể hiện và biến chuyển tâm lý nhân vật rất tế nhị trong từng hoàn cảnh, của vẻ đẹp tình người trong biến cố...
Giáo viên bây giờ không có tự do nghề nghiệp như thời đó, không được tôn trọng như thời đó. Khi người ta không có tự do nghề nghiệp, không được tôn trọng, người ta không thể phát triển được năng lực của mình. Người ta cũng không thể có những ý tưởng, ước mơ đột phá. Đó là lỗi của cá nhân hay lỗi của hệ thống, của quản lý?
Người quản lý, người lãnh đạo phải chịu trách nhiệm về thành quả và năng lực của người dưới quyền. Bản thân việc thuộc cấp kém năng lực cũng là trách nhiệm của lãnh đạo. Cho rằng thành quả xấu do người dưới quyền không có năng lực phải chăng là một cách trốn tránh trách nhiệm của người lãnh đạo?
Cách nói của ông Tạ Quang Sum tương tự cách nói thường nghe trong xã hội Việt Nam chúng ta, thí dụ, tai nạn giao thông là do người tham gia giao thông thiếu ý thức. Cách nói quen thuộc đó đưa ra một khái niệm lộn ngược. Trách nhiệm lớn nhất của lãnh đạo là làm cho quần chúng hiểu biết, khi người dân còn “thiếu ý thức” là người lãnh đạo chưa tròn trách nhiệm. Vậy trách nhiệm không phải thuộc về người dân, mà thuộc về lãnh đạo!
Đó là cảm nhận của tôi về phát biểu của ông Tạ Quang Sum trong buổi hội thảo về giáo dục tại Hà Nội cuối tuần qua. Về lời phát biểu chứ không về ông Tạ Quang Sum mà cá nhân tôi chưa từng được hân hạnh quen biết.
Lê Học Lãnh Vân