Mỹ đang vào vai "lực lượng cảnh sát tài chính thế giới", trang Sputnik của Nga nhận định.
Ngày 19.9 vừa qua, cuộc điều tra của Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) đã phát hiện Volkswagen sử dụng phần mềm khai gian về lượng khí thải lắp trên 500.000 chiếc xe chạy bằng động cơ diesel của Volkswagen.
Bộ Tư pháp Mỹ cho biết cơ quan này chắc chắn sẽ tiến hành một cuộc điều tra đối với Volkswagen mà mức phạt tối đa theo ước tính của EPA có thể lên tới 18 tỷ USD.
Đây là một trong những vụ thanh toán lớn nhất giữa một công ty và chính phủ Mỹ. Đây không phải là lần đầu tiên chính phủ Mỹ tiết lộ về hành vi vi phạm gây tai tiếng trong hoạt động kinh doanh và các biện pháp xử phạt đều được áp dụng.
Washington đã áp đặt các hình phạt rất lớn vào các công ty và ngân hàng để củng cố vai trò "lực lượng cảnh sát tài chính thế giới" của họ, theo một bài báo trên trang Gazeta.Ru.
Nếu số tiền phạt mà Mỹ áp đặt cho Volkswagen lên tới 18 tỷ USD, nên đây được xem là vụ thanh toán lớn thứ hai sau mức phạt 18,7 tỷ USD của công ty dầu BP trong vụ tràn dầu năm 2010.
Rõ ràng, Mỹ áp đặt tiền phạt cũng nhằm duy trì luật pháp và trừng phạt những người chịu trách nhiệm cho bất kỳ hành vi vi phạm. Đồng thời, với số tiền phạt lớn này, chính phủ Mỹ có thể gia tăng ngân sách của họ và cản trở cạnh tranh toàn cầu, bài báo trên trang Gazeta.Ru cho biết thêm.
Ví dụ, vụ việc của Volkswagen có thể làm hỏng kế hoạch của công ty ô tô này trong việc chiếm lĩnh thị trường Mỹ và cũng tăng cường vị thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ.
Mỹ là một thị trường béo bở đối với tất cả các công ty trên thế giới. Dân số của Mỹ là trên 300 triệu người. GDP bình quân đầu người của Mỹ là 54.600 USD (số liệu năm 2014). Thu nhập trung bình hộ gia đình là 53.700 USD.
Chính phủ Mỹ đã thông qua việc áp đặt các hình phạt đối với các ngân hàng (chủ yếu là nước ngoài) để làm việc với các nước theo lệnh trừng phạt kinh tế. Một trong những mức phạt lớn nhất là 9 tỷ USD đối với ngân hàng BNP Paribas của Pháp vì các giao dịch với Iran, Sudan và Cuba.
Mỹ đã thu được một khối lượng lớn tiền phạt sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2007-2008.
Hiện nay, Mỹ đang tích cực làm việc để chống lại các tập đoàn và ngân hàng quốc tế với hình phạt có thể dao động từ vài chục triệu USD đến vài chục tỷ USD. Trong số các công ty, ngân hàng hiện đang bị điều tra là Total, General Motors, Alstom, Deutsche Bank.
Một ví dụ khác chứng minh Mỹ đang vào vai "lực lượng cảnh sát tài chính thế giới" là chiến dịch chống tham nhũng được dẫn đầu bởi Washington chống lại FIFA.
Câu hỏi đặt ra bây giờ không phải là về tính hợp pháp của một chính sách như vậy. Đó là một thực tế không tranh cãi trong một thế giới hiện đại mà ở đó không có những biên giới truyền thống và bất kỳ công ty quốc tế nào cũng đều bị nhắm làm mục tiêu của các nước mà nó đang hoạt động, bài báo này cho biết.
Tuy nhiên, chính sách của Mỹ đã tước đi quyền bảo vệ chủ quyền tài chính và khả năng cạnh tranh của các công ty quốc tế.
Vậy, đến khi nào Mỹ sẽ ngừng sử dụng tiền phạt các công ty để lấp đầy hố ngân sách của họ?
Tuyết Nhung (Theo Sputnik)