Chất lượng tuyển quân là một vấn nạn, khiến quân đội Trung Quốc không thể thắng trận, vì quân yếu dù có vũ khí hiện đại, theo các chuyên gia.
Báo The Wall Street Journal (WSJ) đặt câu hỏi Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) mạnh thế nào, vào lúc Bắc Kinh tăng cường hoạt động cải tạo đất trên Biển Đông nhằm có đường băng và cảng để phô trương sức mạnh quân sự.
Chỉ cần nhìn vào một vấn đề tuyển quân của PLA. Một lực lượng quân sự kỹ thuật cao cần có nam-nữ quân nhân khoẻ mạnh và học cao.
Nhưng theo nghiên cứu của RAND, lương và điều kiện phục vụ quá thấp khiến có thông tin PLA phải tuyển cả người bị tâm thần để có đủ số quân.
Thêm vào đó, nạn ô nhiễm môi trường làm yếu phổi của toàn dân TQ, và việc tuyển quân có đầy sản phẩm của chính sách một con: đó là những “ông vua con” có thể không đủ cứng rắn để tuân thủ kỷ luật quân đội.
Và vấn nạn tham nhũng nặng trong quân đội-gồm chuyện “chạy” quân hàm-mà ông Tập đang vất vả xử lý. Các sĩ quan đương nhiệm và hưu trí đều nói nạn tham nhũng tràn lan tác động xấu đến khả năng thắng trận của PLA.
Chiến dịch bài trừ tham nhũng của ông đã “tóm” cựu phó chủ tịch quân uỷ trung ương Từ Tài Hậu. Khi tướng Từ chết vì ung thư hồi tháng 3 trước khi bị xét xử, Quân đội nhân dân Nhật báo gọi Từ là “kẻ bệnh hoạn, đáng xấu hổ”.
Ngày 5.5, trang nhất báo này có bài bình luận: PLA với 2,3 triệu quân chưa thể trở thành một thế lực quân sự tuân thủ luật pháp.
Từ đầu những năm 1990, khoản chi quân sự TQ tăng hai chữ số trong mỗi năm, trong khi khoản chi của Lầu Năm Góc đã bị cắt giảm.
Khi TQ triển khai tên lửa đạn đạo Đông Phong DF-21D hồi năm 2010, các nhà kế hoạch quân sự Mỹ phải cảnh giác vì tên lửa này đe doạ tàu sân bay Mỹ vốn là mũi nhọn của quyền lực Mỹ trên toàn thế giới, gồm cả Biển Đông.
Gần đây, hải quân TQ cũng triển khai tên lửa hành trình siêu thanh YI-18 phóng từ tàu ngầm.
Những tiến bộ kỹ thuật này cho thấy Chủ tịch TQ Tập Cận Bình quyết tâm biến TQ thành một quyền lực hải quân mạnh ở châu Á, với các tàu chiến hiện đại, tàu ngầm và tên lửa.
Dự án kế tiếp của TQ là một tên lửa siêu thành “sát thủ tàu sân bay” có thể bay ở tốc độ 7.680 dặm/giờ (Mach 10).
Theo báo cáo của quốc hội Mỹ, từ năm 2020, TQ có thể có tối đa 351 tàu ngầm và tàu nổi trang bị tên lửa ở châu Á-Thái Bình Dương, so với 67 chiếc của Mỹ.
TQ cỏn có những tiến bộ về chiến tranh không gian và chiến tranh mạng.
Nhưng RAND còn nói ở nhiều lĩnh vực nhạy cảm như chiến tranh tàu ngầm, TQ kém rất xa.
Đa phần khoản đầu tư vào công nghệ của TQ là tấn công vệ tinh quân sự Mỹ, trong khi PLA vẫn lệ thuộc mạnh vào không gian để có thông tin tình báo, nên vệ tinh quân sự của TQ cũng dễ bị “ăn đòn”.
Tên lửa-dù là siêu thanh chăng nữa-thì không có ích nếu không có khả năng phát hiện mục tiêu. Mà công nghệ tên lửa TQ có tiến bộ thì Mỹ cũng có tiến bộ trong khả năng phòng thủ.
Trong báo cáo “10 lý do TQ sẽ còn khó tham gia một cuộc chiến hiện đại”, cựu tuỳ viên quân sự Dennis J. Blasko của Sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh đã chỉ ra cơ cấu phân quyền chỉ huy của PLA:
Trách nhiệm ở từng đơn vị được chia giữa các sĩ quan nhà nghề với các chính uỷ. Không ai có thể biết cơ chế này có hiệu quả hay không trong một cuộc chiến diễn ra nhanh chóng, Blasko nói.
Các nhà phân tích quân sự TQ cũng tự than vãn về “Bệnh hoà bình”: không một chính uỷ hoặc binh nhì nào tham gia một cuộc chiến thật.
Lần gần đây nhất PLA tham chiến là cuộc chiến tranh biên giới 1979, bị bộ đội Việt Nam đánh tan tác, theo WSJ.
Điều đó không có nghĩa Mỹ không phải lo ở châu Á-Thái Bình Dương. Quân Mỹ triển khai khắp thế giới, trong khi TQ có thể tập trung hoả lực trên đất nhà, và tất cả những việc họ phải làm là chặn Mỹ can thiệp nhằm bảo vệ bạn bè và đồng minh.
Ông Blasko cũng gợi ý nên chuyển hướng vào hoạt động ngoại giao, vì đa số lãnh đạo cấp cao của PLA đều muốn tránh đánh nhau, vì hơn ai hết, họ hiểu rõ những yếu điểm của PLA.
Trần Trí (theo The Wall Street Journal)