Theo nhận định của tờ Politico (Mỹ), việc để Ukraine chính thức gia nhập NATO đối với giới chức phương Tây dường như là một chủ đề luôn được né tránh.

Báo Mỹ: Để Ukraine gia nhập NATO là ‘điều cấm kỵ’ với phương Tây

Hoàng Vũ | 07/12/2022, 08:00

Theo nhận định của tờ Politico (Mỹ), việc để Ukraine chính thức gia nhập NATO đối với giới chức phương Tây dường như là một chủ đề luôn được né tránh.

Khi Ukraine vào tháng 9 yêu cầu đẩy nhanh quá trình gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), liên minh quân sự này đã công khai nhắc lại chính sách “cởi mở” nhưng không đưa ra phản hồi cụ thể. Và tuần trước, khi các ngoại trưởng NATO gặp nhau, tuyên bố cuối cùng của họ chỉ đơn giản là chỉ ra một cam kết mơ hồ năm 2008 rằng Ukraine “một ngày nào đó sẽ gia nhập” liên minh cũng như không đề cập bất kỳ bước cụ thể nào đối với tư cách thành viên hoặc bất kỳ mốc thời gian nào cho Kyiv.

Nội bộ NATO hiện bị rạn nứt về việc cho phép Ukraine tham gia. Các thành viên chủ chốt của liên minh dường như không muốn khiêu khích Điện Kremlin hơn nữa khi nhận thức được sự nhạy cảm của Tổng thống Nga Vladimir Putin đối với sự mở rộng về phía đông của NATO.

Với tư cách thành viên NATO, Ukraine có thể viện dẫn điều 5 khi nêu rõ một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào một nước thành viên sẽ được coi là một cuộc tấn công chống lại tất cả các thành viên của khối. Theo điều 5, mỗi thành viên của NATO phải thực hiện “hành động như vậy nếu cần thiết, bao gồm cả việc sử dụng lực lượng vũ trang, để khôi phục và duy trì an ninh của khu vực Bắc Đại Tây Dương”.

51751394417_a09570f3f0_o.jpg
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu cùng Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong cuộc họp báo - Ảnh: Getty

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gây ra làn sóng phản đối kịch liệt vào cuối tuần qua khi nói rằng phương Tây phải xem xét các đảm bảo an ninh cho Nga nếu nước này quay trở lại bàn đàm phán - một cử chỉ khiến phật lòng Kyiv và dường như đi ngược lại chính sách mở cửa của NATO.

“Một số người bạn rất tốt của Ukraine sợ phản ứng đối với nỗ lực gia nhập NATO hơn là việc cung cấp cho Ukraine những vũ khí tinh vi nhất. Vẫn còn nhiều rào cản tâm lý mà chúng tôi phải vượt qua. Ý tưởng về tư cách thành viên NATO là một trong số đó”, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói với Politico.

Kể từ khi Nga gây chiến tranh tại Ukraine, các nước thành viên NATO cùng Mỹ đã chuyển hàng núi vũ khí, thiết bị quân sự đến Kyiv, áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Moscow, cũng như cố gắng chặn nguồn thu năng lượng của Nga. Ukraine cho rằng nước này đã là thành viên “gián tiếp” của liên minh quân sự phương Tây, do đó xứng đáng được nhanh chóng trở thành thành viên chính thức của NATO.

“Trên thực tế, chúng tôi là đồng minh với NATO. Trên thực tế, chúng tôi đã hoàn thành lộ trình gia nhập NATO. Trên thực tế, chúng tôi đã chứng minh khả năng tương tác với các tiêu chuẩn của liên minh”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tuyên bố vào tháng 9 khi thông báo về nỗ lực gia nhập NATO “theo một thủ tục cấp tốc”.

Tuy nhiên, các nước NATO hiện chỉ tập trung “cung cấp vũ khí trước, bàn về tư cách thành viên sau”. Họ cho rằng cách tiếp cận này sẽ ngăn NATO bị lôi trực tiếp vào cuộc xung đột tại Ukraine. Trong tuyên bố tuần trước, các bộ trưởng NATO cam kết tăng cường hỗ trợ trên mặt trận chính trị, đạn dược cho Ukraine trong khi tránh các kế hoạch cụ thể cho việc xét duyệt tư cách thành viên tương lai của Kyiv. Đã có rất ít đồng minh đặt câu hỏi về triển vọng trở thành thành viên lâu dài của Ukraine.

Một số nước thành viên NATO ở Đông Âu đang muốn có một kế hoạch cụ thể hơn để tạo tiền đề cho Ukraine trở thành thành viên của khối quân sự. “NATO sẽ phải có cách để chấp nhận Ukraine”, Bộ trưởng Ngoại giao Litva Gabrielius Landsbergis nói.

Hầu hết các đồng minh khác về cơ bản lảng tránh chủ đề này - không bác bỏ giấc mơ NATO của Ukraine nhưng yêu cầu lộ trình phải được vạch ra cẩn thận.

“Nhiệm vụ trước mắt và cấp bách nhất của NATO là đảm bảo rằng Ukraine chiếm ưu thế với tư cách là một quốc gia dân chủ độc lập, có chủ quyền ở châu Âu”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết tuần trước.

“Nhiệm vụ ở đây là đảm bảo rằng là giúp đỡ Ukraine trên chiến trường”, Ngoại trưởng Hà Lan Wopke Hoekstra nói. Đại diện thường trực của Mỹ tại NATO Julianne Smith cũng đã lặp lại quan điểm này trong một cuộc phỏng vấn: “Trọng tâm ngay bây giờ là hỗ trợ thiết thực cho Ukraine”.

Trong khi các nước Tây Âu như Đức và Pháp - vốn coi việc Ukraine gia nhập NATO là một vấn đề cực kỳ nhạy cảm cần tránh vào lúc này - và một số nước Đông Âu coi việc gia chấp thuận Ukraine là mục tiêu mà liên minh quân sự có thể bắt đầu hướng tới.

Nhà nghiên cứu châu Âu Ben Schreer tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), cho biết kể từ khi cuộc chiến bắt đầu, sự chia rẽ đó ngày càng trở nên “trầm trọng hơn”. “Một số quốc gia thậm chí không muốn thảo luận về vấn đề này vì họ cảm thấy nó có thể khiến Nga phản ứng gay gắt hơn”, ông nói.

Dù giới chức Ukraine nhận ra rằng việc nước này có được tư cách thành viên NATO sẽ chưa xảy ra trong tương lai gần, nhưng Kyiv vẫn muốn có một cử chỉ “đảm bảo” từ liên minh.

“Kịch bản lý tưởng, tất nhiên, sẽ là một câu rất đơn giản từ NATO: OK, chúng tôi nhận được đơn đăng ký của Ukraine, chúng tôi bắt đầu quá trình xem xét nó. Theo tôi, đó sẽ là một thành tựu quan trọng mang tính bước ngoặt”, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho hay và nói thêm rằng các đồng minh NATO của Kyiv “phải bắt đầu coi tư cách thành viên của Ukraine là một cơ hội - chứ không phải là một mối đe dọa”.

Ukraine chính thức thông qua sửa đổi hiến pháp vào năm 2019 cam kết theo đuổi tư cách thành viên NATO. Nhưng mặc dù nước này đã áp dụng một số cải cách trong vài năm qua, các chuyên gia và các chính phủ đối tác cho rằng Ukraine phải làm nhiều hơn nữa để đưa Kyiv hội nhập vào các thể chế phương Tây.

Tuy vậy, đại diện thường trực của Mỹ tại NATO Julianne Smith, cho biết người Ukraine nhận thức được rằng họ cần phải làm nhiều hơn nữa trước khi có thể trở thành thành viên. “Vẫn còn nhiều việc phải làm, tôi không nghĩ đó là một điều bí ẩn”, bà Smith nói.

Kyiv đã đưa ra một đề xuất thực tế để các nước phương Tây giúp bảo vệ Ukraine như một giải pháp tạm thời khi trình bày kế hoạch hòa bình gồm 10 điểm vào tháng 11.

“Nga có thể bắt đầu cuộc chiến này chính xác là vì Ukraine vẫn ở trong vùng xám. Vì vậy, làm thế nào chúng ta có thể ngăn chặn hành động lặp lại như vậy của Nga. Chúng tôi cần những đảm bảo an ninh hiệu quả”, Tổng thống Ukraine Zelensky nói, đồng thời kêu gọi NATO một hội nghị quốc tế để ký kết cái gọi là Hiệp ước An ninh Kyiv, một loạt đảm bảo an ninh mới cho Ukraine.

Nhưng vẫn chưa rõ liệu các đối tác phương Tây của Ukraine có sẵn sàng đưa ra bất kỳ đảm bảo ràng buộc pháp lý nào hay không, hoặc liệu điều khoản phòng thủ tập thể điều 5 của NATO có đủ để ngăn chặn Nga hay không.

“Một số quốc gia sẽ rất miễn cưỡng. Bất kỳ đảm bảo an ninh bằng văn bản nào với Ukraine có thể sẽ dẫn đến phản ứng mạnh mẽ của Nga, khiến các nước trở thành một phần của cuộc xung đột này”, chuyên gia Schreer của IISS nhận định.

Bài liên quan
Toan tính của Mỹ khi điều ‘pháo đài bay’ B-52 gần biên giới Nga
Việc Mỹ triển khai máy bay ném bom chiến lược B-52 Stratofortress gần biên giới Nga đã gây chú ý đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa NATO và Moscow.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Báo Mỹ: Để Ukraine gia nhập NATO là ‘điều cấm kỵ’ với phương Tây